Thế nhưng trong hội nghị tổng kết năm 2020 và triển khai nhiệm vụ năm 2021, Sở NN-PTNT Hà Nội đã chính thức thông tin tốc độ tăng trưởng đạt 4,2%, cao nhất trong nhiều năm gần đây, vượt chỉ tiêu thành phố giao.
Theo đó, giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản toàn thành phố đạt 38.093 tỷ đồng. Hà Nội có 164 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Về trồng trọt đã có sự chuyển dịch cơ cấu mạnh, trong sản xuất lúa, chủ lực là giống chất lượng cao còn cây lâu năm thì là đặc sản như cam Canh, bưởi Diễn, nhãn, cây cảnh giá trị kinh tế cao.
Về chăn nuôi, thời điểm thành phố rải rác có Dịch tả lợn Châu Phi, ba đoàn làm việc của Sở đã tích cực đi các huyện để cùng bàn giải pháp phòng chống, giúp giữ ổn định đàn trâu bò, phát triển đàn gia cầm, bù đắp sự thiếu hụt nguồn cung thịt lợn trong lúc chờ tổng đàn lợn của toàn thành phố phục hồi theo hướng chăn nuôi an toàn sinh học đạt 1,4 triệu con.
Công tác làm thương hiệu cho con bò giống Nhật cũng như đấu giá một con gà Mía ngang giá với một con bò (27 triệu) giúp cho tiếng tăm của những loại vật nuôi này lan xa khắp cả nước.
Nhưng những tăng trưởng đó sẽ không có nhiều ý nghĩa nếu không đi kèm với an toàn vệ sinh thực phẩm.
Năm 2020, Hà Nội đã lấy 1.663 mẫu giám sát chỉ tiêu an toàn thực phẩm sản phẩm nông, lâm, thủy sản trong đó 1.566/1.663 mẫu (chiếm 94,2%) đạt yêu cầu về an toàn thực phẩm, chỉ có 97 mẫu (chiếm 5,8%) phát hiện vi phạm các chỉ tiêu an toàn thực phẩm.
Cụ thể: Nhóm rau, trái cây tươi 3 mẫu có hoạt chất thuốc bảo vệ thực vật vượt giới hạn tối đa dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong thực phẩm (Cypermethrin, Permethrin), tương đương 0,6%; Nhóm thịt gia súc, gia cầm có 17 mẫu nhiễm vi sinh Salmonella, tương đương 4,2%, 1 mẫu có dư lượng kháng sinh cấm sử dụng trong chăn nuôi (Chloramphenicol), chiếm tỷ lệ 0,3%;
Thủy sản nước ngọt 21 mẫu có hóa chất, kháng sinh cấm sử dụng trong sản xuất, kinh doanh động vật thủy sản (Enrofloxacin, Leucomalachite green, Enrofloxacin, Malachite green), chiếm tỷ lệ 10,4%; Sản phẩm chế biến từ thịt 24 mẫu có phụ gia thực phẩm không đúng đối tượng...
Đó là thành quả của cả quá trình phát triển hệ thống truy xuất nguồn gốc cho 2.854 cơ sở, thiết lập 141 chuỗi sản xuất, tiêu thụ nông lâm thủy sản an toàn với mã QR code, thường xuyên phân tích mẫu tại phòng kiểm nghiệm kết hợp phân tích bằng xe kiểm nghiệm nhanh đến chứng nhận theo chuẩn VietGAP, hữu cơ...
Không chỉ ở phạm vi sản xuất nông nghiệp, chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của Thành phố đến nay đã đánh giá, phân hạng và quyết định công nhận được 1.054 sản phẩm, vượt kế hoạch được giao.
Chương trình xây dựng huyện nông thôn mới đã có 7 đơn vị được công nhận đạt chuẩn, các huyện khác như Thường Tín, Thạch Thất, Phúc Thọ, Thanh Oai, Sóc Sơn đã hoàn thiện hồ sơ trình Hội đồng thẩm định xem xét còn Phú Xuyên đã được thẩm định, hiện đang hoàn thiện hồ sơ.
Về xây dựng xã nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao, đến nay toàn thành phố có 355/382 xã (chiếm 92,9%) được công nhận đạt chuẩn, 13 xã được công nhận xã đạt chuẩn nâng cao. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 55 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn còn 0,37%.
Trên đà tăng trưởng đó, ngành nông nghiệp của Thủ đô năm 2021 được giao mức tăng trưởng ít nhất từ 4,2% trở lên.
Để đạt được mục tiêu đó, theo ông Nguyễn Mạnh Quyền, Phó Chủ tịch UBND Thành phố, cần chú trọng phát triển các mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao, khuyến khích chuỗi giá trị từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ, điều chỉnh một số cơ chế, chính sách sát tình hình thực tế sản xuất.
Cũng trong buổi hội nghị trên, nhờ những thành tích đầy ấn tượng, ông Chu Phú Mỹ - Giám đốc Sở NN-PTNT Hà Nội - đã được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tặng Bằng Lao động sáng tạo. Ngoài ra, nhiều cá nhân, tập thể trực thuộc Sở được UBND Thành phố cũng được tặng cờ đơn vị xuất sắc, bằng khen hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ...