Dự án được triển khai tại 6 tỉnh miền Trung từ Hà Tĩnh, Thừa Thiên - Huế, Bình Định, Phú Yên, Ninh Thuận và Bình Thuận với mục tiêu cải thiện sinh kế và mức sống của người dân nông thôn tại các tỉnh miền Trung.
Với tổng số vốn 92,5 triệu USD, tính đến thời điểm hiện tại, hệ thống cơ sở hạ tầng của dự án đã hoàn thành và đưa vào sử dụng hơn 1 năm, góp phần tạo nên diện mạo mới cho các vùng nông thôn miền Trung.
Ông Lê Văn Hiến, Trưởng Ban Quản lý các Dự án Nông nghiệp (Bộ NN-PTNT) cho biết: “Sau 6 năm thi công, được triển khai thực hiện từ năm 2014, đến năm 2020, dự án đã thi công hoàn thành 26 tiểu dự án cơ sở hạ tầng, bao gồm 38 các hạng mục, nâng cấp đầu mối các công trình thủy lợi cũng như hệ thống kênh mương, đã nâng cấp được 350km kiên cố hóa kênh mương, hơn 150km đường bê tông giao thông nông thôn. Các dự án đã hoàn thành và đưa vào phục vụ phát triển nông nghiệp bền vững cho các tỉnh miền Trung, đang bị tác động lớn bởi biến đổi khí hậu, được nhân dân trong vùng dự án, nhà tài trợ đánh giá rất cao”.
Nhờ sự hiệu quả và thiết thực, bà con nông dân ở các vùng dự án đã không còn nỗi lo canh cánh sau mỗi mùa mưa lũ qua đi. Đó là những cánh đồng thanh long ở Bình Thuận, những khu vực sản xuất nho, táo, măng tây công nghệ cao tại Ninh Thuận trù phú, xanh mát ngay trong mùa khô. Cái nắng khô hạn hay cảnh lũ ngập mênh mông không còn là nỗi ám ảnh thường trực của người dân tại vùng đất khắc nghiệt.
Thừa Thiên - Huế là một trong 6 tỉnh có mặt trong vùng dự án phát triển nông thôn tổng hợp miền Trung giai đoạn 2. Tại các địa bàn thấp trũng của tỉnh, tình trạng lũ lụt xảy ra thường xuyên khiến sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn bao năm qua.
Ông Hồ Đắc Xã, sinh sống ven sông Đại Giang (Xã Vinh Thái, huyện Phù Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế) chia sẻ, ông đã từng trải qua cảnh tượng mất mùa vì nước ngập trắng đồng ruộng nhiều năm liền, song từ khi tuyến đê giao thông Đại Giang - Cống Quan đi vào hoạt động, hiệu quả sản xuất của bà con nông dân nơi đây đã đổi khác.
“Khi có con đê sông Đại Giang, nhân dân chúng tôi ở đây hưởng lợi rất nhiều mặt. Đồng ruộng trước đây chỉ làm được một vụ vì đê chưa được đảm bảo. Sau khi con đê Đại Giang được xây mới, nhân dân chúng tôi canh tác được 2 vụ, đem lại nhiều lợi nhuận cho kinh tế gia đình. Chúng tôi có thêm con đường đi lại, rất thuận tiện cho sản xuất và vận chuyển hàng hóa”, ông Hồ Đắc Xã cho hay.
Vùng đất Thừa Thiên - Huế là địa phận mà người nông dân từng vất vả “sáng chắn bão giông, chiều ngăn nắng lửa”. Nay với hệ thống đê bảo vệ đồng ruộng và tuyến đường giao thông huyết mạch, người dân đã bớt đi sự vất vả, cực nhọc, hình thành lối canh tác có năng suất cao, tạo tiền đề ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp.
Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế (Bộ NN-PTNT) cho biết, Dự án phát triển nông thôn tổng hợp các tỉnh miền Trung đã giúp phát huy các tiềm năng của các tỉnh miền Trung, giải quyết vấn đề hạn hán và thiếu giao thông kết nối, vốn gây khó khăn cho các sản phẩm nông nghiệp có tính hàng hóa.
"Với việc thiết kế dự án phù hợp, sự vào cuộc tích cực của BQL Dự án nông nghiệp ở cấp Trung ương và địa phương, dự án đã giúp xử lý vấn đề nước tưới, thúc đẩy nông nghiệp hàng hóa, thay đổi căn bản hiệu quả sản xuất nông nghiệp và thói quen của người nông dân, bảo vệ môi trường bền vững, khơi dậy nhất tiềm năng nông nghiệp của các tỉnh miền Trung." Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn.