Thứ trưởng Lê Quốc Doanh phát biểu khai mạc Diễn đàn |
Tại Diễn đàn chuyên đề “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu vùng ĐBSCL”, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh, cho biết, trong 2 năm qua, Bộ NN-PTNT đã chủ động vào cuộc quyết liệt thực hiện Nghị quyết 120 với 4 nhiệm vụ lớn gồm: Xây dựng Chương trình tổng thể phát triển nông nghiệp bền vững thích ứng với BĐKH vùng ĐBSCL; rà soát thủy lợi và phòng chống thiên tai; xây dựng và triển khai Đề án phòng chống sạt lở bờ sông, bờ biển; xây dựng và triển khai Chương trình giống chủ lực ĐBSCL.
Bộ đã trình Chính phủ ban hành và tham gia xây dựng một loạt chính sách thúc đẩy phát triển nông nghiệp nói chung, trong đó có ĐBSCL; đang chủ trì sửa đổi Nghị định 35/2015/NĐ-CP về quản lý sử dụng đất trồng lúa...; tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững Vnsat, trong đó có một số tỉnh ĐBSCL, Dự án Chống chịu khí hậu tổng hợp và sinh kế bền vững ĐBSCL do WB tài trợ.
Về định hướng, giải pháp thúc đẩy tái cơ cấu ngành nông nghiệp ĐBSCL thời gian tới, sẽ tập trung cơ cấu lại nông nghiệp ĐBSCL gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và xây dựng nông thôn mới, nhằm tạo đột phá trong phát triển nông nghiệp hiện đại, bền vững, nâng cao giá trị gia tăng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Tập trung xử lý các yếu tố nội tại, cùng với sử dụng hiệu quả tài nguyên, nguồn nhân lực, khoa học công nghệ, biến nguy cơ thành thời cơ. Phát triển nông nghiệp ĐBSCL bền vững theo 3 vùng (vùng thượng, vùng giữa và vùng ven biển).
Dựa trên biến động về nguồn nước, tính thích nghi về đất đai và nhu cầu thị trường, các ngành hàng chiến lược được phân thành vùng ổn định, vùng chuyển đổi và vùng linh hoạt.
Đồng Tháp xuất khẩu xoài tươi sang Mỹ. Ảnh: Hữu Đức |
Cơ cấu lại sản xuất theo 3 trục sản phẩm (nhóm sản phẩm chủ lực quốc gia; nhóm sản phẩm chủ lực cấp tỉnh; nhóm sản phẩm địa phương - Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”). Xoay trục chiến lược sang thủy sản - trái cây - lúa gạo. Phát triển ĐBSCL thành vùng du lịch nông nghiệp, sinh thái đặc thù.
Ưu tiên tạo đột phá trong phát triển chế biến và thương mại hóa chuỗi giá trị nông nghiệp và nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ để giải quyết ba khâu là giống, thức ăn và chế biến NLTS. Đến năm 2025, xác định được bộ giống tốt nhất cho 3 ngành hàng chủ lực (thủy sản, trái cây, lúa); đến năm 2030, làm chủ nguồn giống trong nước và vươn tầm quốc tế.
Tăng cường thâm canh bền vững, giảm tối đa sử dụng vật tư (phân hóa học, thuốc BVTV), bảo vệ môi trường, đảm bảo vệ sinh ATTP. Phát triển các trung tâm hỗ trợ kỹ thuật cho vùng chuyên canh, các cụm/khu công nghiệp chế biến, các hệ thống thương mại hậu cần, chuỗi bảo quản lạnh để kết nối thị trường.
Quy hoạch tích hợp, đa ngành, lĩnh vực, thực hiện đồng bộ các giải pháp “không hối tiếc” có điều phối liên vùng, liên kết ngành, lĩnh vực với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị toàn vùng. Huy động nguồn lực tổng thể của nhà nước, các thành phần kinh tế, toàn dân, hợp tác quốc tế.