| Hotline: 0983.970.780

Phát triển kinh tế chủ lực thích ứng với biến đổi khí hậu

Thứ Hai 17/06/2019 , 08:48 (GMT+7)

Sau gần 2 năm thực hiện Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ, tỉnh Bạc Liêu đã đạt được nhiều thành tựu, nông nghiệp có bước phát triển ngoạn mục, nhiều mô hình SX thích ứng biến đổi khí hậu (BĐKH) ra đời, góp phần phát triển kinh tế địa phương.

PV Báo NNVN đã có cuộc trao đổi với ông Dương Thành Trung, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu.

18-57-24_ong_duong_thnh_trung_chu_tich_ubnd_tinh_bc_lieu
Ông Dương Thành Trung, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu.

Cụ thể, sau gần 2 năm tỉnh Bạc Liêu đã đạt được những kết quả gì, thưa ông?

Hiện tỉnh Bạc Liêu đã và đang thực hiện nhiều dự án xung quanh việc triển khai Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ.

Cụ thể, tỉnh đang quy hoạch, bố trí sắp xếp lại dân cư ở vùng thường xuyên xảy ra thiên tai (rừng phòng hộ ven biển và các cửa sông, cửa biển) nhằm ổn định và nâng cao đời sống nhân dân, giải quyết việc làm, tăng thu nhập, góp phần bảo vệ môi trường và củng cố ANQP; triển khai thực hiện 2 dự án, với tổng nhu cầu vốn đầu tư giai đoạn (2011 - 2020) là 320.117 triệu đồng.

Trong đó, Dự án bố trí sắp xếp lại dân cư ở khu vực rừng phòng hộ xung yếu ven biển trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu, tổng mức đầu tư 65.117 triệu đồng, đã được phê duyệt và đang triển khai thưc hiện.

Tỉnh đã tăng cường mở rộng hệ thống cấp nước sinh hoạt tập trung nông thôn, nhất là các vùng sâu, vùng xa nhằm hạn chế tác động của hạn hán, xâm nhập mặn; triển khai các dự án cung cấp nước sạch gồm 17 dự án, với tổng vốn đầu tư giai đoạn (2011-2020) là 225.000 triệu đồng.

Trong 5 năm qua, tỉnh đã trồng mới 809ha rừng (trong đó rừng phòng hộ ven biển 148,19ha; rừng phòng hộ môi trường 204,38ha; trồng rừng trên diện tích bãi bồi ven biển 219,5ha và 236,93ha cây phân tán); chăm sóc, bảo vệ 4.313,18ha; tỉa thưa và làm giàu rừng 154,66 ha (trong đó rừng phòng hộ ven biển 39,9ha, rừng đặc dụng 63,41ha và các loại rừng khác 51,35ha).

Theo ông, Bạc Liêu có những thuận lợi, khó khăn gì khi triển khai thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP?

Có thể nói, Nghị quyết 120 ra đời đã làm cho vùng ĐBSCL nói chung, tỉnh Bạc Liêu nói riêng có bước chuyển mình rất rõ nét, từ đời sống, kinh tế, hạ tầng giao thông đều có sự đổi thay.

Về thuận lợi, tỉnh nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương trong quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường và hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ của Bộ TN- MT nên công tác bảo vệ môi trường trong việc chấp hành pháp luật về BĐKH cũng như cơ chế phát triển sạch ngày càng được nâng cao.

Đồng thời, việc triển khai Nghị quyết số 120/NQ-CP phù hợp với các quan điểm, mục tiêu, định hướng của chiến lược và kế hoạch quốc gia; đề ra được bước đi cụ thể, lựa chọn những nhiệm vụ trọng tâm, vận dụng sáng tạo, phù hợp với thực tiễn từng địa phương, từng cấp, từng ngành và xây dựng được những giải pháp tổ chức thực hiện phù hợp với mục tiêu đã đề ra.

Từ đó tạo sự nhất trí, đồng thuận cao trong nhận thức và hành động của các cấp chính quyền, đoàn thể và nhân dân góp phần cùng cả nước thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chiến lược và kế hoạch hành động quốc gia.

Song bên cạnh đó, Bạc Liêu cũng tồn tại nhiều khó khăn, để phát triển kinh tế - xã hội bền vững, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính đòi hỏi phải áp dụng các công nghệ mới giá thành cao hơn so với công nghệ truyền thống, nên nhu cầu đầu tư nhiều hơn và trước mắt có thể ảnh hưởng nguồn lực đầu tư cho các mục tiêu khác.

Mặc dù nhận thức về BĐKH đã có những chuyển biến tích cực nhưng các cấp, ngành và nhiều người dân vẫn chưa nhận thức rõ tác động tiêu cực của BĐKH ảnh hưởng tới phát triển kinh tế - xã hội và đời sống.

Việc thay đổi mô hình tăng trưởng theo hướng bền vững, hạn chế tối đa phát thải khí nhà kính tới mức thấp nhất với mục tiêu thích ứng với BĐKH chưa được thực hiện triệt để. Do đó các hành vi, lối sống, các loại hình SX tiêu thụ nhiên liệu không thể phục hồi chưa được thay đổi.

Chưa có cơ chế rõ ràng về sự phối hợp giữa các ngành và địa phương. Các chính sách pháp luật chưa trở thành công cụ đắc lực để điều chỉnh các hoạt động ứng phó với BĐKH. Việc lồng ghép các vấn đề BĐKH vào chính sách, chương trình và kế hoạch của từng ngành chưa rõ ràng và còn nhiều hạn chế.

Xin ông khái quát bức tranh kinh tế nông nghiệp của tineh từ khi triển khai thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP?

Bạc Liêu là một tỉnh ven biển ĐBSCL, có tổng diện tích tự nhiên (DTTN) 2.669 km2 (quỹ đất dùng vào nông nghiệp 2.231,2 km2, đất phi nông nghiệp và đất chưa sử dụng 437,8 km2); với 56 km bờ biển và một ngư trường khai thác rộng trên 40.000 km2 (trong đó, vùng đặc quyền kinh tế biển rộng 20.742 km2), có trữ lượng tôm, cua, cá khá dồi dào tạo điều kiện phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá.

Tỉnh có hệ thống kênh rạch tương đối lớn nối với nhau thành một hệ thống liên hoàn, nhiều cửa sông, kênh rạch lớn thông ra biển như Nhà Mát, Chùa Phật, Cái Cùng và Gành Hào thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội, nhất là kinh tế biển.

Bạc Liêu luôn rà soát, xây dựng, triển khai các quy hoạch, và xây dựng mô hình kinh tế nông nghiệp phù hợp với tự nhiên, chủ động sống chung với mặn, hạn; từng bước chuyển từ tư duy SX nông nghiệp đảm bảo an ninh lương thực sang SX nông nghiệp hàng hóa, đa dạng, quy mô lớn, hiện đại, gắn với thị trường tiêu thụ.

18-57-24_ti_xuonmo_hinh_trong_lu_huu_co_thich_ung_voi_bien_doi_khi_hu_ti_huyen_phuoc_longg
Mô hình trồng lúa hữu cơ thích ứng với biến đổi khí hậu tại huyện Phước Long.

Kinh tế nông nghiệp của tỉnh đã đạt được kết quả như sau:

Ngành thủy sản có bước phát triển đáng kể, từng bước xây dựng tiền đề để đưa Bạc Liêu trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm theo kết luận của Thủ tướng Chính phủ. Hiện nay, đã có 10 Cty, đơn vị thực hiện nuôi trồng thủy sản theo mô hình ứng dụng công nghệ cao (UDCNC) với 810,50 ha; thả nuôi tôm 100,54 ha, sản lượng 1.962 tấn; triển khai kế hoạch thực hiện nuôi tôm UDCNC (nuôi tôm 2 giai đoạn) cho 287 hộ dân, tổng diện tích 814,38 ha, thả nuôi tôm 173,46 ha, sản lượng 4.598 tấn.

SX lúa gạo có bước phát triển ổn định, địa phương đã hình thành vùng chuyên canh lúa quy mô gần 59.000 ha (SX 2-3 vụ/năm với các giống lúa thơm, đặc sản và chất lượng cao); tiểu vùng tôm - lúa gần 34.000 ha; 21 cánh đồng lúa lớn với diện tích canh tác 11.372 ha (SX 2-3 vụ/năm).

Cùng với đó, công tác nghiên cứu, ứng dụng, xác định tiến bộ KH- CN và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật vào SX có nhiều tiến bộ, như mô hình nuôi tôm siêu thâm canh, UDCNC (công nghệ nhà màng của Israel; công nghệ cho ăn tự động của Úc; công nghệ sinh học xác định tình trạng sức khỏe của tôm... được các Cty, doanh nghiệp áp dụng).

Tổng diện tích đất lâm phần 6.173,25 ha, trong đó diện tích có rừng 3.328,07 ha, độ che phủ của rừng, cây phân tán và cây lâu năm 11,35% diện tích tự nhiên (trong đó độ che phủ rừng tập trung và cây phân tán 7,4% diện tích tự nhiên).

Về xây dựng NTM có sự quyết tâm cao của cấp ủy, chính quyền các cấp và sự đồng thuận của người dân. Năm 2018, huyện Phước Long được Thủ tướng Chính phủ công nhận là huyện đạt chuẩn Quốc gia về xây dựng NTM, có 21 xã đạt 19 tiêu chí (tăng thêm 5 xã so với năm 2017).

Toàn tỉnh có 50% dân số nông thôn được sử dụng nước sạch an toàn; phần lớn lao động nông thôn qua đào tạo nghề tìm kiếm được việc làm góp phần nâng cao thu nhập và cải thiện mức sống, đảm bảo an ninh lương thực, giảm tỷ lệ hộ nghèo.

Xin cảm ơn ông!

Tỉnh có định hướng gì về phát triển nông nghiệp thích ứng với BĐKH theo Nghị quyết số 120, thưa ông?

Bạc Liêu tiếp tục quy hoạch, phát triển nông nghiệp thích ứng với BĐKH theo hướng tập trung, phù hợp với điều kiện đặc thù của tỉnh. Hiện nay, tỉnh chia làm 2 vùng (vùng phía Bắc QL1A và vùng phía Nam QL1A). Mỗi vùng có ưu thế riêng, nên tỉnh sẽ tập trung vào lợi thế đó để thúc đẩy sự phát triển kinh tế nông nghiệp.

Trong đó, chú trọng phát triển lúa đặc sản, đẩy mạnh nuôi trồng thủy sản ứng dụng công nghệ cao theo mô hình VietGAP, GlobalGAP. Tiếp tục giữ ổn định diện tích nuôi trồng thủy sản 2.260 ha. Khuyến khích nuôi theo quy trình nuôi tôm khai báo nhằm tạo ra sản phẩm có chất lượng cao và ổn định, đảm bảo việc truy xuất nguồn gốc.

Tập trung phát triển các loại cây trồng thích ứng với hạn mặn như, trồng thanh long trên bờ liếp vuông tôm; duy trì đất trồng trúc để làm nguyên liệu đan đát cho các làng nghề, tạo công ăn, việc làm, nâng cao thu nhập. Nhân rộng các mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến kết hợp cua, cá, tôm càng xanh…

Riêng vùng phía Nam QL1A tập trung vào trồng trọt, vùng chuyên canh rau như, măng tây, cải rổ, ngò rí, hẹ bông và củ hành tím…bố trí SX tại vùng đất vườn. Trong đó, cây măng tây, cải rổ, ngò rí và củ hành tím…được bố trí SX tập trung và cây hẹ bông bố trí SX tập trung tại TP Bạc Liêu; trồng dưa hấu tập trung ở huyện Hòa Bình; chuyên canh cây thanh nhãn kết hợp phát triển nông nghiệp đô thị và du lịch sinh thái tại tại vùng đất cát giồng.

Tỉnh đang tập trung khai thác phát triển đất bãi bồi ven biển. Vùng SX giống thủy sản tập trung quy mô lớn tại khu vực phường Nhà Mát, TP Bạc Liêu, xã Vĩnh Thịnh, huyện Hòa Bình và xã Long Điền Tây, huyện Đông Hải.

Đối với nghề muối, tỉnh sẽ chuyển đổi diện tích SX muối kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản, nuôi Artemia và chuyển dịch từ làm muối đen sang SX muối trắng, trải bạt trên sân kết tinh để tăng năng suất chất lượng muối; diện tích 1.626 ha. Chất lượng hạt muối đạt các chỉ tiêu chất lượng theo Tiêu chuẩn TCVN 3974-84 về muối thực phẩm tương ứng với từng loại muối.

Xác định sản phẩm chủ lực (muối thực phẩm chất lượng cao) và sản phẩm phụ từ đồng muối. Nhân rộng mô hình SX muối sạch bằng phương pháp trải bạt trên nền sân kết tinh. Phát triển ổn định mô hình luân canh trên đất muối như muối - nuôi trồng thủy sản và mô hình muối - Artemia.

Xem thêm
Làng nghề làm khô cá đồng Tân Châu tất bật vào vụ Tết

An Giang Sản phẩm từ làng nghề làm khô cá đồng tại Tân Châu ngày càng được mở rộng kênh tiêu thụ thông qua thương mại điện tử, giúp nâng cao giá trị sản phẩm.

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cảnh báo lừa đảo tuyển dụng

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đưa ra cảnh báo người dân về hiện tượng mạo danh Tập đoàn lừa đảo tuyển dụng nhân sự trên mạng xã hội.

Quỹ Vì Tầm Vóc Việt: Mục tiêu trở thành quỹ xã hội hàng đầu

Trong giai đoạn 2025-2034, Quỹ Vì Tầm Vóc Việt (VTVV) đặt mục tiêu dẫn đầu về chăm sóc sức khỏe học đường, bảo vệ trẻ em và phát triển phụ nữ.

Hà Nội sắp đưa vào sử dụng gần 6.000 căn nhà ở xã hội

Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, gần 6.000 căn hộ tại 11 dự án nhà ở xã hội dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng trong giai đoạn 2024 - 2025.