| Hotline: 0983.970.780

Thời sự Nông nghiệp

Lê Xuân Nghĩa: Nông nghiệp Việt Nam, hướng đi và triển vọng gian nan

Lê Xuân Nghĩa: Nông nghiệp Việt Nam, hướng đi và triển vọng gian nan

Lãi suất cao, nguồn vốn đầu tư nhỏ, ngắn hạn có thể sẽ là lực cản lớn nhất và kéo dài tác động đến quá trình chuyển đổi sang sản xuất quy mô lớn, tập trung và chuyên canh của nông nghiệp Việt Nam.

 

Vào thời kỳ đầu phát triển công nghiệp, các nhà hoạch định chiến lược công nghiệp hóa thường dựa một phần vào nông nghiệp. Có hai quan điểm, thứ nhất cho rằng phải lấy tích lũy từ nông nghiệp để công nghiệp hóa, với chính sách thắt lưng buộc bụng, tất cả dành cho đầu tư công nghiệp “mỗi hòn than, mẩu sắt, cân ngô, ta nâng niu gom góp dựng cơ đồ”. Quan điểm này trên thực tế đã không thành công, vì tích lũy trong nông nghiệp thường rất thấp, thậm chí nhiều nước còn miễn giảm thuế cho nông nghiệp hoặc tài trợ giá nông sản thì lấy đâu ra tích lũy.

Một quan điểm khác được thực hiện thành công ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và sau này là Trung Quốc là chia ruộng cho nông dân nhằm kích thích tối đa hóa sản lượng nông nghiệp, tối đa hóa thu nhập cho nông dân trên cơ sở đó giải quyết 2 vấn đề lớn.

Một là gia tăng sức tiêu dùng của nông dân về vật tư, thiết bị nông nghiệp và các sản phẩm công nghiệp hàng tiêu dùng. Đây là “bà đỡ” vô cùng quan trọng của nền công nghiệp non trẻ trong thời kỳ đầu chưa đủ sức cạnh tranh quốc tế.

Hai là trên nền tảng tăng năng suất lao động nông nghiệp để thu hút lực lượng lao động dư thừa từ nông thôn cho các dự án công nghiệp hóa vốn cần rất nhiều lao động vào thời kỳ này. Công nghiệp là khu vực thu hút lao động nhiều hơn bất cứ khu vực kinh tế nào khác.

Quá trình tăng năng suất lao động, phân bố lại lực lượng lao động và sự phát triển ở trình độ cao hơn ở các ngành công nghiệp đặc biệt là công nghiệp chế tạo đến lượt nó lại đòi hỏi và cũng tạo tiền đề để công nghiệp hóa nông nghiệp với quy mô lớn, sản xuất tập trung và chuyên canh. Đây là thời kỳ nền kinh tế đạt trình độ khá cao cả trong công nghiệp và nông nghiệp và có khả năng duy trì chênh lệch thu nhập và mức sống không quá lớn giữa lao động công nghiệp và nông dân (khoảng 1,5 lần) đồng thời cũng tạo ra sức cầu của thị trường nội địa tối đa nhằm hạn chế sự phụ thuộc quá lớn vào xuất khẩu để tiếp tục phát triển những ngành công nghiệp mũi nhọn có thương hiệu mạnh trên thị trường quốc tế.

Ở Việt Nam cũng diễn ra quá trình chia ruộng đất cho dân “quyền sử dụng”, đã phần nào tối đa hóa sản lượng nông nghiệp và đã khắc phục được tình trạng thiếu lương thực, thực phẩm và có xuất khẩu khá lớn.

Tuy nhiên do các ngành công nghiệp nội địa phát triển rất chậm, đặc biệt là các ngành công nghiệp nặng như chế tạo, hóa chất, vật liệu và hàng tiêu dùng nên đã không tận dụng được sức mua tăng khá mạnh của khu vực này. Trái lại nông thôn tràn ngập hàng tiêu dùng nước ngoài, máy nông cụ và vật tư nông nghiệp nhập khẩu. Nói cách khác thị trường lớn này lại lọt phần lớn vào hàng công nghiệp nước ngoài nhập khẩu. Như vậy thay vì một sự gắn kết hỗ trợ lẫn nhau giữa nông nghiệp và công nghiệp, thì đáng tiếc chúng ta tách rời hai khu vực này, lại càng không có cơ hội để khu vực công nghiệp trở lại đầu tư và công nghiệp hóa nông nghiệp trên nền tảng máy móc, vật tư nông nghiệp chủ yếu từ các nhà nông nghiệp nội địa cung cấp.

Một số mô hình công nghiệp hóa nông nghiệp như của TH hoặc Trường Hải… đều rất đáng khen ngợi, nhưng đáng buồn là tư liệu sản xuất để công nghiệp hóa nông nghiệp, kể cả công nghệ đều hầu hết nhập khẩu hoặc do doanh nghiệp FDI cung cấp. Sự phát triển chậm chạp của công nghiệp nội địa, với vai trò ngày càng lớn của FDI trong lĩnh vực công nghiệp đã khiến cho phần nội địa, công nghiệp và nông nghiệp không nâng đỡ được cho nhau, không hỗ trợ được nhau. Đây cũng là lý do mà giá trị gia tăng và năng suất lao động tổng hợp của kinh tế nội địa rất thấp và triển vọng gia tăng trong tương lai khá đáng lo ngại.

Tuy nhiên, cho dù công nghiệp nội địa đi theo hướng nào thì công nghiệp hóa nông nghiệp và sản xuất quy mô lớn, tập trung, chuyên canh trong nông nghiệp vẫn là một xu thế tất yếu. Xu thế này càng trở nên quan trọng khi thị trường nông sản thế giới đang thay đổi theo hướng xanh, an toàn và bảo vệ môi trường ngày càng khắt khe. Cạnh tranh trên thị trường này không còn là vấn đề giá cả, chất lượng mà còn nhiều tiêu chí khác như xuất xứ sản phẩm, xuất xứ bao bì, tiêu chí các bon, môi trường, thậm chí tiêu chí nhân văn.

Ở Việt Nam việc sản xuất tập trung chuyên canh trong nông nghiệp đòi hỏi nhiều thay đổi về chính sách cụ thể:

- Chính sách cho phép tập trung đất đai quy mô lớn, chuyên canh nông nghiệp và dịch vụ nông nghiệp với cơ chế cho thuê dài hạn hoặc đóng góp cổ phần ổn định. Trên cơ sở đó mới có thể hoạch định chiến lược đầu tư sản xuất và tiêu thụ vững chắc, tránh tình trạng đánh bùn sang ao, bất động sản hoặc đất nông nghiệp.

- Nguồn vốn đầu tư tập trung, chuyên canh thường rất lớn, thậm chí vượt quá hạn mức tài trợ của một ngân hàng, đồng thời lãi suất cho vay dài hạn phải thấp hợp lý. Đầu tư công nghiệp hóa nói chung và công nghiệp hóa nông nghiệp nói riêng nhìn chung không thể chịu đựng nổi mặt bằng lãi suất ở nước ta trong những năm qua. Một số tập đoàn đầu tư sản xuất tập trung trong nông nghiệp đều gặp rất nhiều khó khăn về nguồn vốn, chi phí vốn và hiệu quả khá thấp.

- Về công nghệ cũng là một thách thức lớn, từ sản xuất, thu hoạch, bảo quản, chế biến đều cần được quy trình hóa theo những chuẩn mực khắt khe. Thậm chí công nghệ chế biến thực phẩm còn phức tạp hơn công nghệ điện tử, nhất là để đạt được các chuẩn mực an toàn cao, vượt qua được hàng rào kiểm định thực phẩm của các nước.

- Thị trường là khâu cuối cùng có ý nghĩa quyết định, tuy nhiên Việt Nam có lợi thế về nông sản nhiệt đới, nhu cầu lớn. Vấn đề là đầu tư quy mô lớn và công nghệ đảm bảo thì triển vọng tiêu thụ không khó và sức ép cạnh tranh không gay gắt như các sản phẩm công nghiệp khác.

Trên thực tế, quá trình chuyển đổi từ nông nghiệp phân tán sang nền nông nghiệp tập trung không đơn giản. Ở Đông Bắc Á, bên cạnh mô hình chuyển đổi thành công của Hàn Quốc, thì Nhật Bản đã không thành công, nguyên nhân chính là chính sách ưu tiên và tài trợ giá hàng nông sản của Nhật Bản kéo dài đã phá hủy động lực sản xuất tập trung và trở thành vấn đề chính trị phức tạp. Tổng sản lượng nông nghiệp của Nhật Bản chỉ chiếm 1% GDP. Giá bán 1 quả táo sản xuất tại Nhật Bản từ 2,5 - 4 USD. Hàng rào bảo hộ mậu dịch hàng nông sản của Nhật Bản và một số nước phát triển nhằm cản trở hàng nông nghiệp nhập khẩu từ nước ngoài (chủ yếu là từ các nước nghèo) đang trở thành lá phiếu bầu cho các đảng phái chính trị.

Chìa khóa cho tập trung chuyên canh với quy mô lớn của nông nghiệp Việt Nam rốt cuộc phụ thuộc vào cái gì? Đất đai cũng có thể tập trung được, công nghệ cũng có thể mua được, thị trường nông sản nhiệt đới của Việt Nam cũng có thể khai thông được. Duy chỉ có một vấn đề nan giải đối với doanh nghiệp muốn đi vào hướng này đó là cần có nguồn vốn lớn, dài hạn và giá vốn rẻ.

Đây là vấn đề vô cùng khó khăn không chỉ cho công nghiệp hóa nông nghiệp mà cho cả công nghiệp hóa nói chung, lý do là vì Việt Nam đã tư nhân hóa quá sớm hệ thống ngân hàng để nó trở thành các định chế tài chính trong tay các tập đoàn mà các tập đoàn này vì mục tiêu lợi ích ngắn hạn thường tập trung vào bất động sản (không thể trách họ) trong khi công nghiệp hóa lại cần tập trung vào mục tiêu dài hạn. Vì vậy mặt bằng lãi suất ngân hàng do cạnh tranh gay gắt và do động lực kinh doanh bất động sản có giá tăng liên tục (trong khi hàng công nghiệp có giá giảm liên tục) đã bị đẩy lên quá cao, thuộc nhóm cao nhất thế giới (lãi suất thực). Lãi suất cao, nguồn vốn đầu tư nhỏ, ngắn hạn có thể sẽ là lực cản lớn nhất và kéo dài tác động đến quá trình chuyển đổi sang sản xuất quy mô lớn, tập trung và chuyên canh của nông nghiệp Việt Nam.

TS. Lê Xuân Nghĩa
Xem thêm