| Hotline: 0983.970.780

Nông sản tăng mạnh cả sản lượng lẫn giá trị xuất khẩu

Thứ Năm 03/06/2021 , 13:39 (GMT+7)

Bất chấp ảnh hưởng của dịch Covid-19, tổng giá trị xuất khẩu nông sản 5 tháng đầu năm ước đạt 22,83 tỷ USD, tăng 30,3% so với cùng kỳ năm 2020.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan dẫn đoàn lãnh đạo ngành nông nghiệp làm việc với tỉnh Bắc Giang hôm 31/5 để tháo gỡ các khó khăn trong khâu tiêu thụ vải thiều. Ảnh: Bảo Thắng.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan dẫn đoàn lãnh đạo ngành nông nghiệp làm việc với tỉnh Bắc Giang hôm 31/5 để tháo gỡ các khó khăn trong khâu tiêu thụ vải thiều. Ảnh: Bảo Thắng.

Điểm sáng sản xuất

Sáu tháng đầu năm 2021 chịu ảnh hưởng của hai đợt dịch Covid-19 bùng phát. Bên cạnh đó, dư âm từ thiên tai năm 2020 vẫn còn khiến tình hình sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn.

Nhờ sự chỉ đạo sát sao, kịp thời và đúng đắn của Bộ NN-PTNT, sản xuất trở thành điểm sáng trong bức tranh nông nghiệp 6 tháng đầu năm. Theo văn bản số 3303/BNN-KH gửi Thủ tướng, Bộ cho biết, sản lượng lúa cả nước 6 tháng đầu năm ước đạt 22,46 triệu tấn, tăng khoảng 8,8% so với năm 2020. 

Về rau, cả nước gieo trồng ước khoảng 580 nghìn ha trong 6 tháng đầu năm, với sản lượng 8,92 triệu tấn, giảm nhẹ so với năm 2020.

Về chăn nuôi, dù dịch tả lợn Châu Phi và viêm da nổi cục trên gia súc diễn biến phức tạp, đàn bò tăng khoảng 2%, lợn tăng 11,8%, gia cầm tăng 6,4%. Dự kiến đến ngày 30/6, sản lượng thịt lợn có thể đạt 1,735 triệu tấn, thịt gia cầm khoảng 754,4 nghìn tấn.

Sản lượng thịt hơi đáp ứng được nhu cầu trong nước. Giá thịt lợn hơi giảm trong 5 tháng đầu năm. Cụ thể: giá lợn hơi tại miền Bắc giảm 4.000 - 7.000 đồng/kg và dao động khoảng 64.000 - 68.000 đồng/kg. Tại miền Trung, Tây Nguyên giảm 4.000 - 6.000 đồng/kg và dao động trong khoảng 65.000 - 69.000 đồng/kg. Tại miền Nam đồng loạt giảm 4.000 đồng/kg và dao động khoảng 67.000 - 69.000 đồng/kg.

Về thủy sản, dự kiến sản lượng 6 tháng đầu năm khoảng 3.948 nghìn tấn. Giá cá tra nguyên liệu tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long tăng nhẹ khoảng 200 đồng/kg, lên mức 21.800-22.000 đồng/kg.

Thị trường tôm nguyên liệu đồng bằng sông Cửu Long trong tháng có xu hướng giảm do nguồn cung dồi dào. Tại Bạc Liêu, giá tôm sú ướp đá cỡ 20 con/kg giảm 20.000 đồng/kg so với tháng trước, xuống còn 250.000 đồng/kg. Cỡ 30 con/kg giảm 10.000 đồng/kg, và 40 con/kg giảm 15.000 đồng/kg còn 145.000 đ/kg.

Giá tôm thẻ ướp đá cỡ 60 con/kg giảm 18.000 đồng/kg xuống còn 105.000 đồng/kg, cỡ 70 con/kg giảm 18.000 đồng/kg xuống 98.000 đồng/kg, cỡ 100 con/kg giảm 8.000 đồng/kg còn 85.000 đồng/kg. Sản lượng tôm thẻ tăng nhanh ở hầu hết các cỡ.

Về lâm nghiệp, diện tích trồng rừng mới tập trung ước đạt 85,2 nghìn ha, tăng 12,2% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng gỗ khai thác ước đạt 5.943,4 nghìn m3 gỗ, tăng 5,4%; sản lượng củi ước đạt 8,0 triệu ster.

Giá trị xuất khẩu nông sản Việt Nam giữ đà tăng trưởng, dù bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Giá trị xuất khẩu nông sản Việt Nam giữ đà tăng trưởng, dù bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản

Dịch Covid-19 bùng phát khiến nhiều chuỗi cung ứng bị đứt gãy, đặc biệt là quá trình vận chuyển nông sản. Ngoài ra, các doanh nghiệp còn bị ảnh hưởng bởi thiếu hụt lao động, logistics, nhu cầu thay đổi từ thị trường quốc tế...

Tuy nhiên, bằng cách thực hiện quyết liệt các chủ trương, chỉ đạo của Chính phủ trong việc thực hiện mục tiêu kép, vừa chống dịch hiệu quả, vừa đảm bảo sản xuất và phát triển kinh tế, xuất khẩu nông sản 5 tháng đầu năm ước đạt 22,83 tỷ USD, tăng 30,3% so với cùng kỳ năm 2020.

Trong đó, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính ước đạt 7,78 tỷ USD, tăng 13%. Giá trị xuất khẩu chăn nuôi ước đạt 166 triệu USD, tăng 43,9%. Giá trị xuất khẩu thuỷ sản ước đạt 3,24 tỷ USD, tăng 12%. Giá trị xuất khẩu các mặt hàng lâm sản chính ước đạt 7,06 tỷ USD, tăng 61,8%.

Nhiều sản phẩm có giá trị xuất khẩu cao đều tăng mạnh. Ví dụ: cao su tăng 58,7% sản lượng và 93,9% giá trị. Chè tăng 6,5% sản lượng, 10,4% giá trị. Hạt điều tăng 18,3% sản lượng, 4,9% giá trị. Riêng hồ tiêu dù giảm khối lượng xuất khẩu, nhưng tổng giá trị xuất khẩu tăng 25,2%, đạt 387 triệu USD.

Những mặt hàng khác tăng giá trị chủ yếu nhờ đẩy mạnh khối lượng xuất khẩu như: Sản phẩm chăn nuôi ( tăng 43,9%), cá tra (7,8%), tôm (4,9%); sản phẩm gỗ (74,8%), mây, tre, cói thảm (76,8%); quế (52,1%). Cà phê và gạo là 2 mặt hàng giảm cả khối lượng lẫn giá trị xuất khẩu.

Dù sản lượng xuất khẩu giảm, gạo vẫn mang tới tín hiệu lạc quan khi giá bình quân cao, ở mức 543 USD/tấn, tăng đến 11,9%. Philippines hiện là thị trường tiêu thụ gạo lớn nhất của Việt Nam với 35,6% thị phần; tiếp theo là Trung Quốc (18,1% thị phần), Ghana (11,4% thị phần).

Về rau quả, thanh long, xoài và chuối là 3 mặt hàng xuất khẩu nhiều nhất. Tổng giá trị xuất khẩu ước đạt 1,77 tỷ USD, tăng 18% so với năm ngoái.

Về thủy sản, tổng giá trị xuất khẩu ước đạt 3,24 tỷ USD, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2020. Trong thời gian tới, mặt hàng này dự báo sẽ tăng trưởng mạnh bởi Việt Nam sẽ đẩy mạnh lợi thế từ các Hiệp định EVFTA và UKVFTA. Hiện Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc là 4 thị trường xuất khẩu hàng đầu của thủy sản Việt Nam, chiếm 56,1% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản.

Đầu tháng 6/2021 là thời điểm vải thiều vào chính vụ. Theo Cục Trồng trọt, sản lượng vải tại Bắc Giang, Hải Dương, Hưng Yên ước đạt 250 nghìn tấn, trong đó xuất khẩu chiếm khoảng 50%, chủ yếu bằng hình thức quả tươi sang Trung Quốc.

Bộ NN-PTNT dự báo, giá vải thiều đang vào vụ sẽ có giá bán khá cao và sức tiêu thụ tốt. Trước đó, vải thiều đầu mùa Hải Dương có giá bán dao động từ 30.000 - 60.000 đồng/kg, vải thiều Bắc Giang có giá từ 20.000 - 30.000 đồng/kg.

Xem thêm
Bình Phước sẽ là cực tăng trưởng vùng Đông Nam bộ

Đó là kỳ vọng của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại lễ công bố Quy hoạch tỉnh Bình Phước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Hậu Giang hưởng lợi lớn từ thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé

Hậu Giang Hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé phục vụ hơn 384.120ha sản xuất nông nghiệp vùng ĐBSCL, trong đó Hậu Giang là địa phương hưởng lợi lớn thứ hai với diện tích 48.500ha.

Trà Vinh sẽ vận hành 5 dự án năng lượng tái tạo vào năm 2030

Quy hoạch giai đoạn 2026 - 2030, các dự án sẽ được vận hành gồm điện mặt trời áp mái, điện rác, điện sinh khối, hướng đến giảm phát thải ròng bằng 0.