| Hotline: 0983.970.780

Nông sản Việt Nam chất lượng rất tốt, nhưng bán hàng còn kém

Thứ Tư 22/06/2022 , 09:16 (GMT+7)

Nông sản Việt Nam có chất lượng rất tốt, nhưng bán hàng còn kém. Nếu cải thiện được khâu này, nông sản Việt Nam sẽ còn đi xa hơn nữa trên thị trường thế giới.

Ông Paul Lê, Phó Chủ tịch Tập đoàn Central Retail. Ảnh: Sơn Trang.

Ông Paul Lê, Phó Chủ tịch Tập đoàn Central Retail. Ảnh: Sơn Trang.

Ông Paul Lê, Phó Chủ tịch Tập đoàn Central Retail là người rất tâm huyết trong việc nâng tầm cho nông sản Việt và đưa nông sản Việt Nam xuất khẩu ra các thị trường trên thế giới. Trao đổi với Báo Nông nghiệp Việt Nam, ông đã đề cập tới một số hạn chế lớn của người sản xuất và kinh doanh nông sản Việt Nam.

Không chủ động bán mà chờ khách

Trước đây, ông từng hoạt động trong lĩnh vực bao bì, từng làm Giám đốc bán hàng của một công ty bao bì hàng đầu ở châu Âu. Đới với nông sản, bao bì rất quan trọng trong việc nâng cao giá trị, giảm hư hỏng và kéo dài thời gian bảo quản. Tuy nhiên, bao bì vẫn đang là một trong những điểm yếu cố hữu của nông sản, thực phẩm Việt Nam. Vì sao vậy, thưa ông?

Người nông dân Việt Nam sản xuất rất giỏi, nhưng lại có một hạn chế rất lớn là chưa biết bán hàng. Nhiều loại nông sản của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc, thực tế là người Trung Quốc sang Việt Nam để thu mua, chứ không phải là do người Việt Nam chủ động tìm khách hàng để bán. Các nông hộ chỉ quan tâm tới việc sản xuất, đến khi thu hoạch thì thương lái đến tận nơi để thu mua, mà không phải là nông hộ chủ động đi bán.

Do không biết bán hàng, chưa quan tâm tới khâu bán hàng, nên bao bì nông sản, việc đóng gói nông sản sau thu hoạch chưa được quan tâm. Điều rất dễ nhìn thấy là quả xoài, quả bưởi... sau khi thu hoạch được bỏ chung vào những bao lớn hay bỏ chung cào thùng các tông rồi chở đi. Trái cây được vận chuyển theo kiểu như vậy thì rất dễ bị hư hỏng, tỷ lệ hao hụt lớn.

Chẳng hạn, trái vải thu hoạch ở miền Bắc, sau một ngày vận chuyển vào Nam đã không còn sự tươi ngon, tỷ lệ hư hỏng, hao hụt cao. Trái xoài cát Hòa Lộc rất ngon nhưng vỏ lại mỏng, nên rất khó mang ra Hà Nội, vì cứ bỏ chung vào một bao hay thùng các tông như vậy, khi ra đến nơi, tỷ lệ hư hỏng, hao hụt lên tới 30-40%. Với tỷ lệ hao hụt lớn như vậy, không siêu thị nào chịu nổi.

Ngoài thị trường truyền thống và gần gũi là Trung Quốc, nông sản, thực phẩm Việt Nam đang ngày càng có mặt nhiều hơn ở các thị trường khác, nhất là ở châu Âu, Mỹ. Ông đánh giá thế nào về sự thâm nhập của nông sản, thực phẩm Việt Nam vào những thị trường này?

Tìm hiểu việc xuất khẩu nông sản, thực phẩm Việt Nam sang châu Âu, Mỹ cũng như nhiều thị trường khác, tôi nhận thấy người Việt Nam mình vẫn hơi nhát một chút khi bán hàng vào những thị trường này. Nhiều mặt hàng nông sản, thực phẩm của Việt Nam có chất lượng tốt, nhưng khi xuất khẩu tới các nước châu Âu, Mỹ… chủ yếu vẫn chỉ hướng tới phục vụ nhu cầu của Việt kiều đang sinh sống ở đó. Mà số lượng người Việt đang sinh sống ở các nước châu Âu, ở Mỹ chỉ là số ít so với tổng dân số ở những quốc gia đó.

Chính vì vậy, thay vì chỉ bán cho nhóm khách hàng là Việt kiều, chúng ta cần phải sản xuất ra các nông sản, thực phẩm hướng tới nhóm khách hàng đông đảo là người châu Âu, người Mỹ ...

Tôi lấy ví dụ về chuyện cà phê. Cà phê sữa đá của Việt Nam chỉ phù hợp với thị hiếu thưởng thức cà phê của người Việt. Trong khi đó, đang có 2 tỷ người trên thế giới uống cà phê kiểu Espresso vào mỗi buổi sáng, bởi đây là loại cà phê mạnh, tạo sự hưng phấn cho người uống.

Do đó, chúng ta cần phải nghiên cứu kỹ thị trường cà phê thế giới và làm những sản phẩm cà phê đáp ứng được nhu cầu của những nhóm khách hàng đông đảo.

Ba năm trước, Tập đoàn Central Retail Việt Nam của chúng tôi đã phối hợp cùng 15 thương hiệu sản phẩm cà phê, chuỗi quán cà phê uy tín của Việt Nam tổ chức “Cuộc thi Vietpresso 2019”. Tại cuộc thi này, các đơn vị tham dự sử dụng nguyên liệu là hạt cà phê 100% Việt Nam để pha chế ra những ly cà phê Espresso. Mục đích của cuộc thi là nâng tầm giá trị cà phê Việt, hướng tới xuất khẩu những sản phẩm cà phê giá trị cao ra thị trường thế giới.

Ngoài cà phê, Việt Nam còn rất nhiều loại nông sản, thực phẩm khác có thể hướng tới nhóm khác hàng đông đảo là người Âu, Mỹ…, thay vì chỉ bán cho khách hàng là Việt kiều. Trái vải Việt Nam là trái vải ngon nhất thế giới thì khi sang châu Âu, không thể chỉ bán ở các chợ, siêu thị của người Việt Nam hay chợ, siêu thị phục vụ người gốc Á, mà phải vào cả các siêu thị lớn để đến tay những người châu Âu.

Bán câu chuyện quanh sản phẩm

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan từng phát biểu tại các diễn đàn về nông sản, đại ý rằng chúng ta không chỉ bán một sản phẩm mà phải bán cả những câu chuyện xung quanh sản phẩm đó. Ông cũng thường đề cập tới việc phải kể những câu chuyện về nông sản, thực phẩm Việt Nam. Vậy ông nghĩ sao về phát biểu nói trên của Bộ trưởng?

Tôi rất đồng tình với Bộ trưởng Lê Minh Hoan về việc chúng ta không chỉ bán sản phẩm mà phải bán cả những câu chuyện liên quan tới sản phẩm đó. Với một lịch sử 4.000 năm và một nền nông nghiệp rất lâu đời, nông nghiệp, nông dân Việt Nam có rất nhiều câu chuyện để kể về các loại nông sản, thực phẩm của mình.

Ông Paul Lê, Phó Chủ tịch Tập đoàn Central Retai: Không chỉ bán sản phẩm mà phải bán cả những câu chuyện liên quan tới sản phẩm đó. Ảnh: Minh Sáng.

Ông Paul Lê, Phó Chủ tịch Tập đoàn Central Retai: Không chỉ bán sản phẩm mà phải bán cả những câu chuyện liên quan tới sản phẩm đó. Ảnh: Minh Sáng.

Chẳng hạn, trái vải thiều của Việt Nam, đến nay đã có lịch sử 200 năm. Với một quãng thời gian rất dài như vậy, sẽ có rất nhiều để kể về loại trái cây này. Những câu chuyện ấy sẽ làm tăng nhiều giá trị cho trái vải thiều.

Cây cà phê vào Việt Nam từ năm 1857, do người Pháp mang tới, đến nay cũng gần 200 năm. Do đó, cũng sẽ có rất nhiều câu chuyện quanh hạt cà phê Việt Nam. Con tôm ở Năm Căn, Cà Mau, cũng có những câu chuyện thú vị để kể cho khách hàng.

Không chỉ là những câu chuyện liên quan tới lịch sử, văn hóa, chúng ta còn có thể kể cách làm ra những loại nông sản, thực phẩm của Việt Nam. Như tỏi cô đơn Lý Sơn, thì phải kể cho ngưởi ta biết vì sao loại tỏi này lại ngon và đắt như vậy, vì sao mỗi củ tỏi Lý Sơn lại chỉ có 1 tép. Bên cạnh đó, còn phải “tập” cho người tiêu dùng ở các nước biết cách thưởng thức các loại nông sản, thực phẩm Việt Nam sao cho ngon nhất. Như trái vải Thanh Hà, mình nhai kỹ thêm một chút sẽ thấy 2 vị, một vị ngọt và một vị chua. 2 cái vị đó làm cho trái vải rất là thơm.

Trong một chương trình lễ hội Việt Nam mà chúng tôi thường xuyên tổ chức ở Thái Lan trong những năm gần đây, chúng tôi luôn đem những gì hay nhất, ngon nhất của Việt Nam sang đó để cho người Thái Lan dùng thử. Ngoài những sản phẩm chế biến mới, độc đáo, còn có cả các sản phẩm truyền thống. 5 năm qua, chúng tôi luôn mang phở Nam Định là đại diện cho phở Việt Nam sang bán ở chương trình. Chúng tôi bán được tới 600 tô phở mỗi ngày. Để bán được số lượng phở lớn như vậy, mình phải kể cho người Thái Lan biết vì sao miếng gầu trong tô phở Nam Định nó lại ngon như vậy, vì sao nhai miếng mỡ thấy giòn và cái vị của nó hợp với nước lèo tạo thành một tô phở đặc biệt như vậy.

Xin cảm ơn ông!

(thực hiện)

Xem thêm
Bình Thuận có Tân Bí thư Tỉnh ủy

Ông Nguyễn Hoài Anh được Bộ Chính trị chuẩn y chức danh Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Hạ Long cải cách hành chính tốt nhất tỉnh Quảng Ninh

Thành phố Hạ Long đã xuất sắc dẫn đầu bảng xếp hạng 3 chỉ số PAR-Index, DDCI, DTI của tỉnh Quảng Ninh năm 2023.

Lão nông U70 với tham vọng đưa bưởi Diễn xuất ngoại

Bằng tình yêu nông nghiệp cùng óc sáng tạo trong sản xuất, ông Lê Hữu Diện đã trở thành người tiên phong làm nông nghiệp hữu cơ tại huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội.

Bình luận mới nhất