| Hotline: 0983.970.780

Kinh tế

Tôi sẽ kể câu chuyện về trái cây, nông sản Việt ra toàn thế giới!

Tôi sẽ kể câu chuyện về trái cây, nông sản Việt ra toàn thế giới!

Đầu năm mới 2022, ông Paul Le, Phó Chủ tịch Tập đoàn Central Retail chia sẻ câu chuyện trở về Việt Nam và hành trình quảng bá thương hiệu cho trái cây, nông sản Việt.

Thay đổi tư duy sản xuất 

Sinh ra tại Việt Nam nhưng tôi chủ yếu sống tại châu Âu và hiện là Phó chủ tịch Tập đoàn Central Retail của Thái Lan chuyên kinh doanh về hệ thống bán lẻ. Tôi cũng từng là giám đốc bán hàng của một công ty thuộc tốp đầu châu Âu về ngành bao bì. Nhờ vậy tôi hiểu tương lai của nền nông nghiệp Việt Nam chắc chắn sẽ lớn mạnh.

Ông Paul Le, Phó Chủ tịch Tập đoàn Central Retail, chia sẻ câu chuyện kinh doanh về hệ thống bán lẻ khi trở về Việt Nam. Ảnh: Minh Sáng.

Ông Paul Le, Phó Chủ tịch Tập đoàn Central Retail, chia sẻ câu chuyện kinh doanh về hệ thống bán lẻ khi trở về Việt Nam. Ảnh: Minh Sáng.

Tôi biết rất rõ ai là người giỏi nhất về rau, quả ở Việt Nam, bản thân tôi cũng hiểu rõ về sản phẩm mình bán trước khi giới thiệu với người mua, từ cây giống, vùng đất nào phù hợp, quy trình sản xuất đến đóng gói, bảo quản. Sản phẩm phải tốt cho người tiêu dùng nhưng cũng phải trúng sản phẩm, trúng giá.

Theo tôi, điểm cộng cho rau, quả Việt Nam là người nông dân rất tích cực trồng sản phẩm ngon, an toàn. Tuy nhiên, họ cần phải xây dựng câu chuyện cho từng sản phẩm từ vùng đất, cách làm đến tình yêu sản phẩm của mình thì chắc chắn người tiêu dùng sẽ tin tưởng. Nông dân cần tính chuyện lâu dài và phải nhớ nằm lòng là đi vào sản xuất sản phẩm phải an toàn, đừng nghĩ trồng cho thiệt nhiều, thiệt rẻ, như thế sẽ rất nguy hiểm.

Những năm qua, nông sản Việt Nam còn quá phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc nên khi bùng phát dịch Covid-19 khiến tình hình xuất khẩu bị tê liệt. Hạn chế lớn nhất là nông dân Việt Nam chưa biết cách bán hàng. Thực tế, nông sản Việt Nam chủ yếu xuất đi Trung Quốc nhưng Việt Nam đâu phải là người bán mà Trung Quốc họ đang đi mua. Họ đến tận nhà vườn tổ chức thu hoạch, đóng gói và tự “làm giá” nên nông dân không nắm rõ được quy trình đóng gói, bảo quản và nếu họ không mua là mình chết.

Ông Paul Le ghé xem các mặt hàng nông sản, trái cây tại hệ thống siêu thị Big C. Ảnh: Minh Sáng.

Ông Paul Le ghé xem các mặt hàng nông sản, trái cây tại hệ thống siêu thị Big C. Ảnh: Minh Sáng.

Hơn nữa, nông dân còn chưa quan tâm nhiều đến làm nhãn hiệu, thương hiệu, đầu tư cho bao bì cũng rất sơ sài. Hiện nhiều mặt hàng nông sản tươi của Việt Nam chỉ đóng gói vào thùng carton rồi chất lên xe hàng chở đi tiêu thụ. Cụ thể như trái vải đóng gói chở từ Bắc vào Nam chỉ một ngày đã mất độ tươi ngon, tỷ lệ hư hao cao. Do vậy, cần phải làm bao bì, đặt tên cho sản phẩm, chính tôi mỗi khi có khách hàng chào sản phẩm thì luôn yêu cầu họ cho xem bao bì, nhãn mác hàng hóa. Vì giống như “hộ chiếu” với người xuất nhập cảnh, nông sản cũng vậy, không có tên, không bao bì làm sao xuất khẩu?

Nông dân nên tìm hiểu, nhìn vào nhu cầu của người tiêu dùng khi sản xuất và cả khi bán hàng. Sản phẩm từ đầu vụ đến cuối vụ chất lượng ngon đồng đều như nhau thì mới dễ vào kênh siêu thị. Để trở thành đối tác của siêu thị với sản lượng tiêu thụ tăng đều hằng năm, nông dân phải đảm bảo là dù người mua có nhắm mắt chọn thì sản phẩm của họ vẫn ngon.

Ngoài ra, trước khi sản xuất, nông dân cũng phải xác định rõ sản phẩm thế mạnh, mục tiêu sẽ bán cho rất nhiều người hay chỉ bán cho số ít. Tôi lấy ví dụ, hiện ai cũng nói sản phẩm organic, vậy bản thân bạn phải tự hỏi trong số những người thân quen nhất của mình thì ai là người mua sản phẩm này để từ đó sẽ có câu trả lời trước khi bạn quyết định đầu tư.

Tập đoàn Central hiện có rất nhiều chuỗi siêu thị nhữ Go!, Big C, LanChi Mart…và chúng tôi luôn có những suy nghĩ giống như người tiêu dùng Việt Nam. Khoảng mấy chục năm qua chúng tôi để ý thấy có rất nhiều khách hàng, nhiều công ty trên thế giới tìm đến Việt Nam để mua hàng, với chúng tôi cũng thấy hàng hóa nông sản Việt Nam rất tốt. Do vậy, chúng tôi rất muốn đóng góp điều gì giúp cho nông sản Việt vươn ra thế giới.

Cần học cách bán hàng 

Theo tôi, nhiều loại trái cây như thanh long, vải, xoài, bơ... đều có cơ hội xuất khẩu tốt. Tôi rất tin tưởng vào trái vải vì có thể nói trái vải Việt Nam ngon nhất thế giới. Nông dân mình trồng ra trái cây rất ngon nhưng nếu không biết biết bán hàng thì ai mà mua được. Cho nên yêu cầu đầu tiên nông dân hãy trồng cho thiệt ngon, thứ nhì là phải biết cách bán hàng.

Ông Paul Le khẳng định 'Tôi sẽ kể câu chuyện về trái cây, nông sản Việt ra toàn thế giới'. Ảnh: Minh Sáng.

Ông Paul Le khẳng định "Tôi sẽ kể câu chuyện về trái cây, nông sản Việt ra toàn thế giới". Ảnh: Minh Sáng.

Chúng tôi cũng quan tâm về mặt hàng chuối xuất khẩu, nhưng nếu nông dân chỉ trồng được quy mô nhỏ khoảng 40 ha thì xuất khẩu khó, còn nếu trồng được 400 ha hay 4 ngàn ha thì lại là câu chuyện khác. Tuy nhiên, khởi đầu với quy mô này là điều rất tốt để mở rộng cơ hội xuất khẩu vì nông dân đã bắt đầu có tư duy sản xuất lớn, cho thấy nông nghiệp Việt Nam đang thay đổi so với cách làm manh mún, nhỏ lẻ, mỗi người làm một kiểu như trước đây.

Tôi thấy những đóng góp từ Việt kiều rất đáng ghi nhận, vì tôi đã từng đến các chợ đầu mối ở Pháp, Úc, châu Âu, Mỹ và được những Việt kiều tại đây hỗ trợ tôi tìm hiểu rõ hơn về các sản phẩm ngon. Đây cũng là kênh phân phối các sản phẩm trái cây của chúng ta sẽ nhanh chóng phân phối ra nhiều nơi trên thế giới

Ông Paul Le

 

Thực ra tôi trở về làm việc với Việt Nam hơn 20 năm rồi và đã đi rất nhiều địa phương như Bình Thuận, Long An, Đồng Tháp, An Giang, Tiền Giang…tôi để ý rất nhiều nhà cung cấp, nhà xuất khẩu mua hàng từ Việt Nam đều muốn lựa hàng tốt, mẫu mã đẹp.

Các mặt hàng nông sản của Việt Nam cần phải có câu chuyện giới thiệu về nó ngon làm sao không chỉ cho người tiêu dùng trong nước mà còn kể cho cả Thế giới biết đến thì chắc chắn mình sẽ đi bán được hàng.

Các mặt hàng từ trái thanh long, xoài, bưởi và sầu riêng…chắc chắn sẽ có nhiều cơ hội và có thể cạnh tranh với sản phẩm trên thế giới. Hơn nữa, Việt Nam có truyền thống văn hóa hơn 4 ngàn năm lịch sử rất hào hùng, tôi cũng đã tìm hiểu kỹ về đất đai và những tiềm năng thế mạnh, nông sản, trái cây của ta ngon như thế nào để kể cho người tiêu dùng thế giới biết, nhằm tạo ra nhiều cơ hội đầu ra cho nông sản Việt. Khi trở về Việt Nam, tôi đã có cái nhìn rất khác, có thể tôi sẽ ở lại đây, không về nước ngoài sống nữa.

Tập đoàn Central sẽ đóng góp thêm về bao bì sản phẩm và tiếp xúc gần hơn với nông dân để giúp họ thay đổi tư duy và phát triển sản phẩm chất lượng xuất khẩu. Tôi làm việc bên nước ngoài thấy các sản phẩm “ngoại” đều có chữ ký xác nhận của địa phương sản xuất cũng như thương hiệu quốc gia. Sản phẩm của mình cũng nên học theo để thế giới biết là mặt hàng của Việt Nam.

Hiện chúng tôi đang tích cực đi xuống các tỉnh để tìm hiểu sâu hơn về các sản phẩm chủ lực và có tầm chiến lược xuất khẩu của Việt Nam để giúp đầu ra cho nông dân và đem những sản phẩm tốt nhất cho người tiêu dùng trong nước cũng như quốc tế.

Ông Paul Le và Phóng viên Báo NNVN trong dịp gặp đầu Xuân Nhâm Dần 2022. Ảnh: Central Retail.

Ông Paul Le và Phóng viên Báo NNVN trong dịp gặp đầu Xuân Nhâm Dần 2022. Ảnh: Central Retail.

Chúng tôi rất cảm ơn Bộ NN-PTNT, đặc biệt là Tổ công tác 970, đã giúp chúng tôi đến gần với người nông dân để tìm hiểu kỹ hơn và kết nối tất cả những sản phẩm tốt, ngon, đặc biệt của Việt Nam. Nhất là trong mùa dịch vừa qua chúng tôi đã có nhiều thông tin từ các sản phẩm, trái cây, nông sản ở các địa phương để xây dựng cho chuỗi hệ thống siêu thị.

Đến nay chúng tôi đã có bề dày kinh nghiệm 75 năm bán hàng và hiện đã có hệ thống trung tâm mua sắm ở 2/3 tỉnh thành của Việt Nam, mới đây nhất là xây dựng thêm các trung tâm tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Thái Bình…Thời gian tới chúng tôi sẽ tiếp tục phát triển thêm nhiều trung tâm ở tất cả các tỉnh thành trong nước.   

Paul Le, Phó Chủ tịch Tập đoàn Central Retail

Minh Sáng (ghi)
Xem thêm

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm