| Hotline: 0983.970.780

'Nông tặc' hoành hành

Thứ Sáu 26/11/2021 , 07:00 (GMT+7)

ĐẮK LẮK Các đối tượng trộm cắp nông sản ngày càng tinh vi, chuyên nghiệp và liều lĩnh. Không chỉ hái trộm ở vườn, chúng còn táo tợn đột nhập cả vào nhà lấy trộm nông sản.

Thời gian qua, tình hình trộm cắp tài sản, nhất là trộm cắp nông sản trên địa bàn huyện Cư M’gar (tỉnh Đắk Lắk) diễn biến khá phức tạp với hành vi ngày càng chuyên nghiệp và liều lĩnh, gây thiệt hại nặng và bức xúc cho nông dân.

Gia đình Nguyễn Tân ở thôn Tiến Đạt, (xã Quảng Tiến, huyện Cư M’gar) có 350 cây cau, trong đó có 150 cây đang trong giai đoạn thu hoạch. Do rẫy ở xa nhà và không có người trông coi, lợi dụng sơ hở này, nhiều đối tượng đã lẻn vào hái trộm cau của gia đình đem bán.

Vườn cau của ông Vũ Trung Thiện chỉ còn trơ cuống sau khi bị các đối tượng trộm cắp 'ghé thăm'. Ảnh: T. Dũng.

Vườn cau của ông Vũ Trung Thiện chỉ còn trơ cuống sau khi bị các đối tượng trộm cắp “ghé thăm”. Ảnh: T. Dũng.

Đáng chú ý, chỉ trong một thời gian ngắn, vườn cau của gia đình đã bị trộm đột nhập nhiều lần. Không chỉ hái một vài cây rồi bỏ đi, các đối tượng còn manh động hái gần như sạch cả vườn cây, với khoảng 2 tạ cau, gây thiệt hại nặng cho gia đình.

Khi phát hiện mất trộm, gia đình đã trình báo vụ việc với Công an xã nhưng đến nay vẫn chưa tìm được thủ phạm… Dẫn chúng tôi đi thăm vườn cau của gia đình, ông Tân vẫn chưa hết bức xúc khi nhắc lại câu chuyện bị kẻ gian hái trộm cau: “Lần thứ nhất gia đình bị trộm khoảng 1 tạ cau, 2 lần sau thêm 1 tạ nữa. Thú thật, để bắt được các đối tượng này rất là khó, người nông dân chúng tôi không thể làm gì được…”.

Tương tự, vườn cau của gia đình ông Vũ Trung Thiện (cùng thôn) cũng bị các đối tượng trộm cắp liên tục ghé thăm. Thời gian đầu, chúng chỉ trộm những buồng cau lớn, còn bây giờ, khi đột nhập vào vườn, các đối tượng hái sạch, không chừa một cây nào.

Theo ước tính của gia đình ông Thiện, số lượng cau mất trộm trong vụ này vào khoảng 2 tạ, với giá bán từ 80.000 - 100.000 đồng/kg tùy chất lượng quả, gia đình thiệt hại khoảng 16 đến 20 triệu đồng.

Ông Nguyễn Tân đang thông tin lại việc bị các đối tượng trộm cau đột nhập với công an viên của thôn. Ảnh: T. Dũng.

Ông Nguyễn Tân đang thông tin lại việc bị các đối tượng trộm cau đột nhập với công an viên của thôn. Ảnh: T. Dũng.

Đứng bần thần bên vườn cau bị các đối tượng cắt trộm, ông Thiện ngao ngán kể: “Không chỉ năm nay mà hầu như năm nào gia đình tôi cũng bị bọn trộm “thăm vườn”. Năm nay, giá cau trên thị trường cao, cộng với ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên bọn trộm càng hoành hành. Thú thật, cũng không biết được các đối tượng trộm cau vào thời điểm nào, có mình ở vườn thì không mất, khi về rồi, hôm sau phát hiện đã mất…”.

Không riêng địa bàn xã Quảng Tiến mà tình hình trộm cắp nông sản cũng liên tục xảy ra ở nhiều xã, thị trấn trên địa bàn huyện Cư M’gar. Không chỉ hái trộm ở vườn, các đối tượng còn táo tợn đột nhập cả vào nhà để lấy trộm nông sản của người dân đã thu hái.

Vì lo sợ bị trả thù nên nhiều người dù tận mắt chứng kiến các vụ trộm nhưng không dám tri hô, báo công an, từ đó đã vô tình tạo điều kiện cho bọn trộm lộng hành, gây khó khăn cho lực lượng công an trong việc nắm bắt thông tin, điều tra, truy bắt đối tượng.

Trước tình trạng nạn trộm cắp hoành hành, Công an huyện Cư M’gar đã triển khai cho công an các xã, thị trấn đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong nhân dân về phương thức hoạt động của bọn tội phạm bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng, từ đó nâng cao tinh thần cảnh giác, tự bảo vệ tài sản của chính mình.

Một người dân ở xã Ea Tul (huyện Cư M’gar) đang thu nhặt những quả cà phê còn sót lại sau khi bị trộm. Ảnh: T.Dũng.

Một người dân ở xã Ea Tul (huyện Cư M’gar) đang thu nhặt những quả cà phê còn sót lại sau khi bị trộm. Ảnh: T.Dũng.

Đồng thời, tăng cường các giải pháp tuần tra bảo vệ an ninh trật tự ở các khu dân cư, nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm an ninh trật tự, đặc biệt nạn trộm cắp nông sản… Với sự quyết liệt trong đấu tranh, phòng chống tội phạm, từ đầu năm 2021 đến nay, Công an huyện Cư M’gar đã phát hiện và làm rõ được 9 vụ trộm cắp nông sản, với 20 đối tượng.

Trung tá Dương Thế Bình, Đội trưởng Đội Điều tra tổng hợp Công an huyện Cư M’gar cho biết: Từ nhiều vụ trộm được xử lý cho thấy, các loại nông sản mà người dân hay bị mất trộm là hồ tiêu, cà phê, cau tươi và sầu riêng.

Thủ đoạn của các đối tượng trộm cắp thời gian qua có xu hướng ngày càng tinh vi, manh động. Các đối tượng chủ yếu lợi dụng sự chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, thiếu sự quản lý tài sản của chủ nhà trong việc bảo quản tài sản để thực hiện hành vi trộm cắp.

Thời điểm ra tay thường là ban đêm, lúc người dân đang ngủ say hoặc thời điểm buổi trưa không có người trông coi tại vườn, rẫy để chiếm đoạt. Đáng chú ý, đối tượng gây ra các vụ trộm cắp chủ yếu là các thanh, thiếu niên bỏ học trên địa bàn, không có công ăn việc làm, đua đòi, ăn chơi, hoặc nghiện ngập...

Lực lượng công an tuyên truyền người dân cảnh giác với nạn trộm cắp trong thời kỳ dịch bệnh Covid-19. Ảnh: T.Dũng.

Lực lượng công an tuyên truyền người dân cảnh giác với nạn trộm cắp trong thời kỳ dịch bệnh Covid-19. Ảnh: T.Dũng.

Những tháng cuối năm là thời điểm các loại tệ nạn xã hội dẫn đến trộm cắp tài sản, nhất là trộm cắp nông sản sẽ gia tăng. Do vậy, để hạn chế loại tội phạm này, ngoài sự nỗ lực của các ngành chức năng, mỗi người dân cần nêu cao tinh thần cảnh giác, ý thức tự bảo vệ tài sản, tuyệt đối không chủ quan, có biện pháp phù hợp để bảo vệ tài sản của mình. Đồng thời, khi phát hiện đối tượng có biểu hiện nghi vấn, cần báo ngay cho cơ quan công an gần nhất để điều tra, truy bắt đối tượng. 

"Qua công tác theo dõi, nắm tình hình, nguyên nhân dẫn đến các vụ trộm cắp nông sản thời gian qua gia tăng mạnh có phần do dịch Covid-19 kéo dài, giãn cách xã hội lâu, dẫn đến một bộ phận người dân không có công ăn việc làm nên nhất thời phạm tội. Bên cạnh đó, các đối tượng lười lao động, đối tượng nghiện ma tuý trộm cắp để thoả mãn cơn nghiện…", Trung tá Dương Thế Bình, Đội trưởng Đội Điều tra tổng hợp Công an huyện Cư M’gar cho biết. 

Xem thêm
Thông tin đối ngoại về quyền con người trong tình hình mới

Hiện nay, truyền thông về quyền con người, thông tin đối ngoại đã được triển khai mạnh mẽ với sự quan tâm chỉ đạo, tham gia đóng góp của cả hệ thống chính trị.

Số hóa thị trường nông sản thông qua phần mềm AgriDataGo

AgriDatatGo là phần mềm giúp bà con nhanh chóng tiếp cận với thị trường mà sản phẩm hướng tới, cũng như cách thức để sản phẩm đáp ứng các yêu cầu của thị trường đó.

3 hộ dân Làng Nủ viết đơn xin... nhường nhà cho người khác

Thân nhân của 3 hộ dân thôn Làng Nủ viết đơn xin không nhận nhà tái định cư, nhường ngôi nhà khang trang cho các trường hợp có hoàn cảnh khó khăn hơn.