Thời gian gần đây ở ĐBSCL liên tục xảy ra nạn chặt phá vườn cây ăn trái, đốt mía, thuốc tôm, thuốc cá. Nông dân khốn đốn, thiệt hại nhiều vô kể. Vậy nhưng, tình trạng "khủng bố" nhà nông kiểu này không những không đẩy lùi mà đang có xu hướng gia tăng.
Chặt cây, phá trái
Ngày hôm trước, ông Nguyễn Văn Khải, ấp Bảy Thưa, xã Tân Thành (thị xã Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang) còn đi chăm bẵm vườn trái tốt tươi. Sáng hôm sau, mở mắt ra đã chứng kiến 473 gốc cam sành 6 tháng tuổi của ông bị đốn ngang thân, tổng thiệt hại gần 10 triệu đồng. Cơ quan công an sau đó đã vào cuộc nhưng chẳng tìm ra hung thủ. Tương tự, tại ấp Phú An 2, xã Bình Hòa Phước, Long Hồ, qua một đêm, 321 cây đu đủ, 85 cây chôm chôm, 15 cây nhãn của hộ ông Nguyễn Văn Phong bị chặt ngã như bom rải thảm. Chứng kiến cảnh này, ông Phong đứng chết lặng như người mất hồn và chỉ biết khóc.
Một nạn nhân bên khu vườn bị "nông tặc" chặt phá ngày 1/1/2011 |
Những vụ việc không phát hiện được hung thủ, nhà vườn phải cắn răng chịu thiệt hại đã đành, nhưng có vụ đã xác định được thủ phạm, việc xử lý không nghiêm đang gây bức xúc dư luận địa phương. Đơn cử như đầu tháng 1/2010, khu vườn trên đất ông Đào Duy Tân, khu vực Tân Phước I, phường Thuận Hưng, Thố Nốt, TP Cần Thơ bị phá. 2 cây xoài, 2 cây mít đang cho trái và 165 cây chuối bị chặt; cột hàng rào lưới B40 bảo vệ cũng bị cắt dỡ. Thiệt hại lên đến hàng triệu đồng. Thủ phạm được xác định là ông Nguyễn Phi Hùng, ở nhờ trên đất ông Tân lâu nay, cùng 4 người khác.
Ngay khi sự việc xảy ra, ông Tân đã trình báo chính quyền, nhưng khi cán bộ khu vực đến hiện trường yêu cầu ngưng chặt phá, thì 5 người nhà ông Hùng vẫn không dừng. Vụ việc đã xảy ra gần 2 tháng nhưng đến nay vẫn chưa được xử lý. Trao đổi với NNVN, ông Võ Thanh Vinh, Phó Công an phường Thuận Hưng, quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ nói như bất lực: "Công an phường đã mời phía chặt phá lần thứ ba, nhưng họ không đến. Chúng tôi sẽ cho cán bộ đến tận nhà làm việc”- ông Vinh khẳng định.
Thuốc tôm, diệt cá
Không chỉ chặt phá vườn cây, tại ĐBSCL còn diễn ra tình trạng phá hoại tài sản của nông dân bằng cách đánh thuốc đầm tôm, ao cá. Ngày 20/1/2011, tại vùng quy hoạch nuôi tôm càng xanh, ấp Bình Dân, xã Nhị Mỹ, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp, 350.000 con tôm được thả nuôi trên diện tích 2,5 ha của ông Nguyễn Thanh Cao đã bị đánh thuốc. Vợ ông Cao là bà Đặng Thị Dơn thuật lại: Đêm hôm đó tui ra thăm ao tôm thì phát hiện tôm bò lên bờ và nhảy chết. Khi chồng và các con ra xem, phát hiện có mùi hôi của thuốc trừ sâu, rọi đèn ra giữa ao thì muốn ngã quỵ trước cảnh bạt ngàn con tôm lờ đờ nổi trắng.
Dịp này, những ao bên cạnh như ao hộ anh Võ Minh Tâm (SN 1978) với diện tích 14.000 m2, thả tôm đã trên năm tháng, chuẩn bị thu hoạch, tôm cũng chết nổi đầy ao. Hộ ông Bùi Văn Nắm có ao tôm trên 10.000 m2 gần đến ngày thu hoạch cũng cùng cảnh ngộ…
Ông Nguyễn Thanh Thuấn, Chủ tịch UBND xã Nhị Mỹ cho biết: Nhận được tin báo, chính quyền địa phương đã cử lực lượng công an đến hiện trường điều tra nguyên nhân và đã phát hiện 4 chai thuốc trừ sâu dưới 4 ao tôm của nông dân. Tổng cộng có 4,9 ha bị bỏ thuốc trừ sâu. Lượng tôm chết khoảng 1,2 tấn, giá trị thiệt hại hơn 200 triệu đồng. Sau gần 2 ngày vào cuộc, công an đã bắt được thủ phạm là tên Huỳnh Văn Hùng, SN 1979, ấp Bình Nhứt, xã Nhị Mỹ.
Cach đây không lâu, tại khu vực cồn Sơn, phường Bùi Hữu Nghĩa (Bình Thuỷ - Cần Thơ), 30 tấn cá tra của ông Nguyễn Văn Năm đã bị đánh thuốc chết nổi trắng đầm, thiệt hại trên 400 triệu đồng. Một vụ khác là anh Nhất, chủ hầm cá tra ở ấp Tân Lập, xã Thạnh Lộc, huyện Vĩnh Thạnh cũng bị kẻ xấu thuốc cá chết gần 24 tấn, ước trị giá thiệt hại khoảng 300 triệu đồng.
Có những vụ cơ quan công an đã cố gắng truy tìm thủ phạm nhưng truy chẳng ra. Cũng có những vụ đã xác định được đối tượng thủ ác nhưng xử lý lại chưa đến đầu đến đũa. Chỉ có một thực tế là sau những vụ "khủng bố" như vậy, nhiều nhà nông đã tán gia, bại sản.