Trong gần 50 năm làm thành viên của Cộng đồng Kinh tế châu Âu (EEC), tiền thân của Liên minh châu Âu (EU), tính từ năm 1973 đến nay, chính sách canh tác của Anh chịu nhiều tác động từ lục địa già.
Một trong số đó, là khoản tiền trợ cấp nông dân nhận hàng năm sẽ dựa vào diện tích đất canh tác. Trong nhiều trường hợp, chính sách này khiến ngân sách thường chảy về túi những chủ trang trại lớn, trong khi lẽ ra nó phải được dùng để kích thích sản xuất ở các nông trại nhỏ.
Martin Hole, một nông dân ở hạt Sussex, là nạn nhân trực tiếp của những chính sách bị BBC gọi là "kỳ quặc" của EU. Khác với đa số nông dân khác, Hole không chăn thả gia súc cũng như trồng trọt trên mảnh đất rộng hàng chục hecta của mình. Thay vào đó, anh quyết định sử dụng quỹ đất để bảo tồn các loài động vật hoang dã, bằng cách để những cánh đồng ngập nước, mặc cho cây cối và bụi rậm mọc lên tự nhiên như trong rừng nguyên sinh.
Tuy nhiên, hành động này bị chính quyền quy vào tội lừa đảo. "Sau vài năm, họ đến đo đạc trên mảnh đất của tôi, khấu trừ những diện tích sử dụng cho bảo tồn, rồi trừ khoản trợ cấp một cách vô tội vạ. Thật điên rồ. Tại sao lại có sự phân biệt trong việc trồng gì trên đất của mình?", Hole bày tỏ.
Hole không phải trường hợp duy nhất được các thành viên Chính phủ Anh liệt vào diện "sai lầm đạo đức" trong quản lý đất nông nghiệp thời EU. Theo họ, miếng bánh trợ cấp luôn dành những phần béo bở cho người giàu. Một tỷ phú Ảrập thậm chí vẫn nhận tiền đều đặn hàng tháng, nếu như ông ta chỉ dùng đất để nuôi ngựa đua.
Để chống lại, nước Anh đã đề ra một chương trình mới, có tên Quản lý Đất đai & Môi trường (ELM), trong đó quy định rõ 7 trường hợp nông dân được nhận trợ cấp. Bao gồm: bảo vệ các di sản nông nghiệp, mở rộng quỹ đất đai, giữ cacbon trong đất, giảm thuốc trừ sâu, phòng ngừa lũ lụt, phục hồi cảnh quan thiên nhiên, và cải thiện sức khỏe cho động vật hoang dã.
Bộ trưởng Môi trường George Eustice cho biết: “Chúng tôi kỳ vọng, hệ thống mới sẽ mang tới một bước tiến trong tương lai dài hạn. Mặc dù vậy, chúng tôi cũng cảnh báo người dân về một vài bất trắc, ngay sau thời điểm Brexit vào 31/12 năm nay tại các siêu thị. Một số quy tắc quen thuộc hàng chục năm có thể bị phá bỏ, chẳng hạn đàn gia súc sẽ ít cừu và bò hơn. Ngược lại, chúng ta sẽ có thêm rất nhiều cây xanh".
BBC phỏng đoán, những khoản trợ cấp có từ thời EU sẽ bị giảm một nửa từ giờ đến năm 2024, trước khi được bãi bỏ vào năm 2028. Số tiền tiết kiệm sẽ chuyển thẳng vào chương trình ELM, ước tính lên tới 2,4 tỷ USD mỗi năm. Thông qua ELM, nước Anh tin sẽ đổi mới được ngành sản xuất thực phẩm, đồng thời tạo động lực cho những nông dân trẻ dấn thân vào dự án trên các vùng đất mới.
Trong cuộc Trưng cầu dân ý về tư cách thành viên EU của Vương quốc Anh hồi 2016, số người bỏ phiếu thuận theo Brexit chủ yếu thuộc nhóm lớn tuổi. Phân tích từ báo Đức Spiegel cho thấy, 3/4 số người dưới 24 tuổi chống Brexit. Ở lứa tuổi từ 25 đến 49, số người chống Brexit còn 45%, nhưng vẫn nhỉnh hơn số ủng hộ là 39%. Tờ báo này còn mỉa mai rằng: "Xứ Anh Già đã tước mất tương lai châu Âu của giới trẻ Vương quốc Anh - những nguồn lực chính của tăng trưởng kinh tế".
Để "xoa dịu" giới trẻ, cũng là để mềm hóa các chính sách mới từ ELM, Chính phủ Anh đã thỏa thuận với Hội Nông dân Anh (NFU) và Bộ Môi trường, Thực phẩm & Nông thôn Anh, cho ra đời chính sách đệm, có tên Khuyến khích canh tác bền vững (SFI). Ý tưởng của SFI bắt nguồn từ việc, trong ngắn hạn, rất ít nông dân đủ điều kiện nhận trợ cấp ELM.
Vì thế, những ai muốn đi theo ELM, sẽ có lộ trình 3 bước SFI, bao gồm: bảo tồn đất và ngăn chặn hóa chất gây ô nhiễm, phục hồi môi trường đất tự nhiên và đa dạng hóa động vật hoang dã. Bước cuối cùng của SFI là phục hồi cảnh quan cho hệ sinh thái, đặc biệt là ở các khu rừng lớn, đất than bùn, hoặc các vùng ngập nước. Thực hiện tốt, đầy đủ SFI, nông dân sẽ tự khắc được trợ cấp theo ELM.
"Nông dân sẽ hướng tới việc sản xuất những nông sản có cacbon từ tự nhiên. Họ cũng sẽ tự ý thức việc cắt giảm thuốc trừ sâu, phân bón hóa học và bảo vệ sức khỏe gia súc. Dù vậy, chúng ta vẫn cần có những biện pháp khuyến khích, nhất là với những vùng nuôi bò và cừu. Nông dân tại đấy đang có cảm giác bị đánh cắp từ 4 năm qua, và không dễ thay đổi", Chủ tịch NFU Minette Batters nói.
Chưa đầy một tháng nữa, nông thôn Anh sẽ bước vào kỷ nguyên hậu Brexit, nhưng những người trực tiếp làm nông nghiệp vẫn cho rằng các chính sách hiện tại thiếu rõ ràng và chi tiết cho từng ngành.
Giáo sư Jane Rickson từ Đại học Cranfield phân tích: "Có độ vênh lớn giữa ước tính của Chính phủ và NFU về những tác động với nông dân. Rất khó để xác định những vấn đề như bảo tồn đất để cải thiện năng suất, bởi chúng ta phải thống nhất với nhau rằng đặc tính nào của đất nên được dùng để đo lường, giám sát. Hay các loại đất khác nhau sẽ có khả năng lưu giữ cacbon khác nhau, bất kể chúng được quản lý như nào. Ngoài tái tạo đất, những biện pháp khác như giảm ô nhiễm nguồn nước cũng phải được áp dụng".
Một điểm bất cập nữa khi Anh đề ra SFI và ELM trong giai đoạn hậu Brexit, đó là những chính phủ láng giềng là Xứ Wales, Scotland và Bắc Ireland lại hành động riêng rẽ. Họ không có sự tương hỗ trong hành trình từ giờ đến năm 2028. Chẳng hạn, Scotland có thể giữ những khoản thanh toán trực tiếp cho nông dân, nếu quốc gia này độc lập về kinh tế và tự do gia nhập EU. Khi ấy, những nông dân dọc biên giới Anh và Scotland chắc chắn sẽ hoang mang và tìm cách ngả theo phe nào có lợi hơn, bất kể đi ngược với đường lối chung của Chính phủ nước họ.