| Hotline: 0983.970.780

Nông thôn mới ở biên giới Tây Nam [Bài 2]: Điểm tựa vững chắc của người dân

Thứ Năm 20/04/2023 , 09:45 (GMT+7)

Tây Ninh có 20/20 xã biên giới đều về đích nông thôn mới và đang tiếp tục xây dựng nâng cao. Trái ngọt ấy không thể thiếu sức, lòng của lực lượng bộ đội biên phòng.

Xã nghèo “thay áo” mới

Nằm ở phía Tây thị xã Trảng Bảng (tỉnh Tây Ninh), với hơn 90% người dân sống bằng nghề nông, hơn 10 năm về trước, khi nhắc đến xã Phước Chỉ, ai cũng nghĩ tới mảnh đất nghèo khó nơi biên cương. Đường sá đi lại hết sức khó khăn, đời sống người dân thiếu thốn đủ bề, sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, mang nặng tính tự cung tự cấp…

Về xã Phước Chỉ hôm nay, vùng quê nghèo ấy đã có nhiều đổi thay, đường giao thông đi lại, vận chuyển hàng hoá nông sản thuận tiện, sạch đẹp làm cho người dân hết sức phấn khởi. Với sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền, nhân dân địa phương, sự tham gia tích cực của lực lượng vũ trang, năm 2020, xã Phước Chỉ được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới trong sự hân hoan của cả hệ thống chính trị và người dân nơi đây.

Theo UBND xã Phước Chỉ, để thành công trong xây dựng nông thôn mới, ngoài việc phát huy tối đa các nguồn lực từ Trung ương, địa phương trong đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, thì nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân còn có sự tham gia tích cực của lực lượng vũ trang, trong đó hình ảnh người lính đeo quân hàm xanh thuộc Đồn biên phòng Phước Chỉ - Bộ chỉ huy Biên phòng tỉnh đã để lại nhiều dấu ấn với chính quyền và trong lòng dân.

Cán bộ BĐBP Phước Chỉ cùng PV Báo NNVN thăm hỏi tình hình sản xuất bà con nông dân biên giới - Le Binh

Cán bộ bộ đội biên phòng Phước Chỉ cùng PV Báo Nông nghiệp Việt Nam thăm hỏi tình hình sản xuất bà con nông dân xã nông thôn mới Phước Chỉ. Ảnh: Lê Bình.

Ông Phạm Chí Vương - Phó Bí thư, Chủ tịch HĐND xã Phước Chỉ cho biết, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền và bà con nhân dân trên địa bàn luôn được cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Phước Chỉ đồng hành, hỗ trợ trong xây dựng nông thôn mới. Nhiều phần việc đòi hỏi về sức người đã được cán bộ, chiến sỹ giúp đỡ tận tình, hiệu quả và sớm về đích.

Bằng những việc làm thiết thực, cụ thể như tham gia xây dựng, củng cố, nâng cấp đường giao thông nông thôn, công trình thủy lợi, xây dựng các công trình phúc lợi… Cùng với đồng hành xây dựng NTM, các chiến sĩ đeo quân hàm xanh cũng đang ngày đêm bám địa bàn, gần gũi với nhân dân để đưa các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về với cuộc sống.

“Họ cũng chính là những nhân tố tích cực trong đảm bảo trật tự trị an, là chốt chặn ngăn ngừa tội phạm nội ngoại biên…, qua đó góp sức đưa địa phương về đích nông thôn mới và đang trên đường thực hiện mục tiêu nông thôn mới nâng cao”, ông Phạm Chí Vương chia sẻ.

Vững chắc điểm tựa cho đồng bào biên cương

Trong năm 2022, công tác dân vận của BĐBP Tây Ninh cũng đạt được nhiều thành tích tại các địa phương, góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn mới, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân.

Đi dọc các xã nghèo biên giới, nhiều căn nhà “Mái ấm Biên cương” được mọc lên như một “tượng đài sống” cho khẩu hiệu “thế trận lòng dân”. Qua đó, chỉ trong năm 2022, có 3 căn nhà “Mái ấm Biên cương” được Đồn Biên phòng Phước Tân, Đồn Biên phòng Tân Hà, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh phối hợp với các mạnh thường quân, cùng chính quyền địa phương xã Hòa Hội (huyện Châu Thành), xã Tân Hội (huyện Tân Châu) trao tặng cho 3 hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn.

UBND tỉnh Tây Ninh và Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đang phối hợp, đẩy mạnh các “điểm khu dân cư biên giới”, bố trí xen kẽ với các trạm biên phòng, tạo thế trận liên hoàn vững chắc. Từ năm 2019, thực hiện đề án “Điểm cư dân liền kề chốt dân cư biên giới”, tỉnh Tây Ninh đã thực hiện 21 điểm với 115 căn nhà. Nhiều điểm dân cư đã phát triển thành cụm dân cư biên giới. Hiệu quả của đề án đã tạo ra sức sống mới trong vùng biên.

BĐBP Tây Ninh tham gia phát quang đường

Lực lượng BĐBP tỉnh Tây Ninh chung sức xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Ảnh: Trần Trung.

Với chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”, tính đến cuối tháng 1 năm nay, các cấp Hội Phụ nữ và các đơn vị BĐBP tỉnh đã phối hợp tổ chức các hoạt động hỗ trợ trên địa bàn các xã biên giới với tổng số tiền trên 25 tỷ đồng.

Cụ thể, chương trình đã hỗ trợ 120 suất khởi nghiệp; hơn 500 thẻ bảo hiểm y tế, xây dựng 51 nhà "Mái ấm tình thương", trao tặng trên 48.000 suất quà cho các gia đình chính sách, phụ nữ nghèo, trên 5.000 suất học bổng cho học sinh sinh nghèo vượt khó; trao tặng dàn nhạc Ngũ âm, bộ trống Chhay-dăm cho đồng bào dân tộc thiểu số xã Tân Đông, huyện Tân Châu...

Trong những năm qua, BĐBP Tây Ninh luôn quan tâm, bám sát nhu cầu đời sống của người dân địa phương. Điển hình, duy trì thực hiện chương trình “Nâng bước em tới trường” và “Con nuôi đồn biên phòng” nhận đỡ đầu 73 cháu học sinh có hoàn cảnh khó khăn với tổng kinh phí 438 triệu đồng, nhận nuôi 10 cháu học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại 8 đồn biên phòng.

Những con số biết nói

Được biết, thời gian qua, ngoài nhiệm vụ chính trị trung tâm, BĐBP tỉnh Tây Ninh luôn chủ động, tích cực tham gia các cuộc vận động, phong trào hành động của địa phương. Trong đó, phong trào “Lực lượng vũ trang tỉnh chung sức xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Đồng hành cùng dân, chung sức với dân để góp phần lo cho dân, giúp bà con có đời sống kinh tế xã hội, văn hóa ngày càng tốt đẹp hơn”…

Trong năm 2022, BĐBP tỉnh Tây Ninh còn chủ động phối hợp với các đơn vị, các bệnh viện trong và ngoài tỉnh hỗ trợ kinh phí, cử lực lượng y, bác sĩ khám bệnh, cấp thuốc miễn phí kết hợp thăm, tặng quà đối tượng chính sách, nhân dân nghèo trên địa bàn tỉnh cho 21.840 đối tượng và nhiều việc làm có ý nghĩa khác thiết thực, góp phần chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.

Điểm nổi bật trong đợt ra quân phối hợp làm công tác dân vận năm 2022, đã huy động 192.565 ngày công lao động và 920 lượt phương tiện cơ giới hỗ trợ vận chuyển đổ đất, đá làm đường giao thông nông thôn, vận động vật chất quy thành tiền gần 42 tỷ đồng…

"Với phương châm "Quân đội từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, hy sinh và phục vụ", BĐBP tỉnh sẽ tiếp tục hưởng ứng phong trào ‘Quân đội chung sức xây dựng NTM’ bằng cách đảm nhận những công trình, phần việc thiết thực, cụ thể để vừa chung tay cùng chính quyền địa phương thực hiện nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, các chương trình nhằm tạo điều kiện cho cán bộ, chiến sĩ hoàn thiện, giữ vững và phát huy phẩm chất "Bộ đội Cụ Hồ", luôn vì dân hy sinh, phục vụ”, đại tá Nguyễn Văn Dũng, Phó Chính ủy Bộ chỉ huy Biên phòng tỉnh chia sẻ.

Ông Nguyễn Đình Xuân, Giám đốc Sở NN-PTNT Tây Ninh nhìn nhận, nhờ chung tay của lực lượng vũ trang trong thực hiện Chương trình xây dựng NTM, những năm qua diện mạo nông thôn ở Tây Ninh có nhiều khởi sắc. Từ những kết quả đạt được, các địa phương tăng cường triển khai các giải pháp phát triển đồng bộ và bền vững trên tất cả các lĩnh vực, qua đó làm cơ sở phấn đấu xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.

Điểm nổi bật nhất sau 13 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của tỉnh Tây Ninh là 20/20 xã biên giới đều đã hoàn thành xây dựng NTM và đang trên đà xây dựng NTM nâng cao.

Từ những thành công trên, tỉnh đề ra mục tiêu đến năm 2030 tất cả các xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 100% số đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới trong đó, 50% số đơn vị cấp huyện được công nhận nông thôn mới nâng cao.

Đến năm 2050, phấn đấu đưa Tây Ninh trở thành tỉnh có nền nông nghiệp tiên tiến, hiện đại sản xuất có hiệu quả và thân thiện với môi trường. Đời sống người dân nông thôn không ngừng được nâng cao, không còn hộ nghèo, trở thành nơi đáng sống, văn minh, sạch đẹp với điều kiện sống, thu nhập dân cư nông thôn tiệm cận và kết nối chặt chẽ, hài hoà với đô thị.

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Hà Nội có hơn 2.700 sản phẩm OCOP, nhiều nhất cả nước

Tính đến tháng 4/2024, 63 tỉnh/thành trên phạm vi toàn quốc đã đánh giá, phân hạng được 12.075 sản phẩm OCOP, trong đó Hà Nội có 2.711 sản phẩm, chiếm số lượng nhiều nhất.