| Hotline: 0983.970.780

Nông thôn mới ở biên giới Tây Nam [Bài 1]: Những người tạo 'thế trận lòng dân'

Thứ Tư 19/04/2023 , 14:30 (GMT+7)

Dọc biên giới Tây Ninh, người ta râm ran kể về người lính cụ Hồ tham gia cùng người dân xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an ninh trật tự, giúp dân thoát nghèo…

Thế trận bất khả xâm phạm

Từ khi được Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Mộc Bài tặng cặp bò để sinh kế, cuộc sống của mẹ con chị Lê Thị Bông (ấp Long Hưng, xã Long Hậu, huyện Bến Cầu) như bước sang trang mới. Năm 2019, chị là một trong ba hộ gia đình được Đồn biên phòng Mộc Bài trao tặng 1 con bò và 1 con bê để ổn định cuộc sống, thoát nghèo. Không còn lang bạt ở đậu, giờ đây chị Bông đã cất được nhà kiên cố, ổn định cuộc sống.

"Thấy mình khổ quá, nhà chỉ có 3 mẹ con nên các anh biên phòng cũng cảm thương, tặng cho cặp bò. Con bê thì mình nuôi, vỗ béo được khoảng hơn 1 năm thì bán, vay mượn thêm chút đỉnh để dựng căn nhà đàng hoàng, đỡ lo nắng mưa...", chị Bông chia sẻ.

Bò Mộc Bài

Con bò giống mà bộ đội biên phòng Mộc Bài tặng gia đình chị Bông đang được chăm sóc, vỗ béo hàng ngày với mong muốn "sinh đàn". Ảnh: Lê Bình.

Hiện, mỗi ngày chị Bông đều chăm sóc bò kĩ lưỡng, luôn ra sức vỗ béo để con bò cái duy nhất của gia đình sớm cho lứa bê đầu tiên. Chị trân quý món quà này của các chiến sĩ biên phòng và coi nó như thành viên của gia đình chứ không chỉ là “cần câu cơm”. Chị Bông cũng quả quyết: “Thiếu gì thì thiếu chứ không để bò thiếu ăn. Khó mấy cũng không thể bán món quà vô giá này”.

Mô hình nằm trong chương trình “Tặng 1.000 bò giống cho bà con nông dân” được Bộ Chỉ hủy bộ đội biên phòng (BĐBP) Tây Ninh triển khai từ năm 2019, nhằm giúp người dân ở vùng biên giới Tây Nam có hoàn cảnh khó khăn an cư lạc nghiệp.

Ở khu vực biên giới Phước Chỉ (thị xã Trảng Bàng), người dân tự hào vì hiếm có đâu như đây, khi mà: ngủ chẳng cần đóng cửa. Lý giải điều này, ông Lê Văn Tiền (ấp Phước Thuận, xã Phước Chỉ) cho biết, lực lượng BĐBP ở đây đi tuần liên tục, bất kể ngày đêm. “Từ nào giờ tại chỗ tôi hiếm xảy ra tình trạng trộm cắp, cướp giật lắm, cũng nhờ các anh em BĐBP Phước Chỉ đi tuần liên tục, mưa to đến mấy cũng đội áo mưa để đi”, ông Tiền chia sẻ.

Tại khu vực biên giới, cư dân biên giới cũng không được phép lưu thông qua trạm kiểm soát. Tuy nhiên, cũng có khi trâu bò từ phía bên kia biên giới tràn qua, phá hoa màu của người dân. Nhiều lần, BĐBP Phước Chỉ phối hợp với lực lượng biên phòng nước bạn để nhắc nhở bà con biên giới Campuchia nhưng khó tránh khỏi việc tái diễn. Thế nên, nhờ việc đi tuần 24/24, nhiều khi chính lực lượng BĐBP phải xuống xua đuổi bò về lại bên kia bên giới.

Theo trung tá Nguyễn Văn Hậu - Chính trị viên phó Đồn biên phòng Phước Chỉ, ngoài nhiệm vụ giữ vững chủ quyền quốc gia, hành động này của lực lượng nhằm giúp bà con yên tâm phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống. Đây là yếu tố quan trọng để giúp dân cùng lực lượng BĐBP tham gia tích cực bảo vệ chủ quyền quốc gia. “Dân yên tâm phát triển kinh tế cũng chính là yếu tố then chốt ngăn chặn sự lôi kéo của tội phạm, thế lực chống phá hoặc sang biên giới làm việc bất hợp pháp. Thế trận lòng dân cũng giúp chính BĐBP bảo vệ biên cương, giữ vững chủ quyền quốc gia”, trung tá Nguyễn Văn Hậu chia sẻ.

Đường biên giới do Đồn biên phòng Phước Chỉ phụ trách dài 14,3km, đa số là bằng phẳng, liền kề. Để hoàn thành nhiệm vụ, Đồn cũng tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp được tham gia sản xuất trong khu vực gần chốt trạm, an gia sản xuất. Hiện có 83 hộ dân và 1 doanh nghiệp tham gia chương trình này của Đồn biên phòng Phước Chỉ. Các hộ dân được tạo điều kiện ra vào khu vực sản xuất, trông nom hoa màu… Ngược lại, công tác bảo vệ chủ quyền biên giới của BĐBP Phước Chỉ có thêm 1 lớp kiểm soát nữa - lòng dân!

Chặn “cửa” nhập lậu hàng hóa, nông sản

PV Báo NNVN có mặt tại cửa khẩu quốc tế Mộc Bài (huyện Bến Cầu) vào sáng sớm giữa tháng 3, những chiếc container hàng hóa xuất nhập khẩu nối đuôi nhau chờ thông quan. Các công chức Hải quan cửa khẩu Mộc Bài luôn tay để hàng hóa kịp lưu thông. Thế nhưng, khi giao thương của Việt Nam và Campuchia dần hồi phục sau dịch COVID-19 cũng là lúc tình trạng buôn lậu trở nên phức tạp trở lại.

Hồi đầu tháng 3, BĐBP Vàm Trảng Trâu đã phối hợp với Công an huyện Châu Thành phát hiện, bắt giữ năm người để điều tra về tội buôn lậu 55 con bò qua biên giới, từ Campuchia về Việt Nam để bán kiếm lời. Những người bị bắt khai nhận số bò trên sẽ được chở đến các tỉnh Đồng Nai, Long An và TP. HCM bán lại. Vụ việc gây chấn động cho người chăn nuôi bò Tây Ninh nói riêng và cả nước nói chung khi mà dịch bệnh trên trâu bò đang có dấu hiệu bùng phát. Việc ngang nhiên buôn lậu số lượng lớn trâu, bò qua biên giới tiềm ẩn mối nguy về dịch bệnh rất cao.

Theo đại tá Nguyễn Văn Dũng - Phó Chính ủy, Bộ chỉ huy BĐBP Tây Ninh: Việc bắt giữ bò lậu với số lượng 55 con qua biên giới là vụ việc đầu tiên trong nhiều năm qua. Điều này càng đặt lực lượng BĐBP vào tâm thế cảnh giác hơn. Đặc biệt, tại các điểm “nóng” địa bàn cửa khẩu quốc tế Mộc Bài, Xa Mát từ lâu là những điểm nóng về buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, các đối tượng luôn chọn nơi đây làm địa bàn hoạt động.

BĐBP Tây Ninh trực chốt, kiểm tra 24

Bộ đội Biên phòng Tây Ninh triển khai tăng cường kiểm tra dọc tuyến biên giới nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn tình trạng nhập lậu hàng hóa, nông sản. Ảnh. Lê Bình.

Theo Bộ chỉ huy BĐBP Tây Ninh, công tác kiểm tra, kiểm soát chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả còn gặp nhiều khó khăn, nhất là khu vực biên giới chung do với Campuchia có đường biên giới kéo dài, nhiều đường mòn lối mở… Chưa kể, đối tượng thường xuyên thay đổi quy luật, sử dụng nhiều phương thức, thủ đoạn khác nhau để vận chuyển trái phép hàng hoá qua biên giới; lực lượng chức năng thực hiện nhiệm vụ còn mỏng!

Phát biểu tổng kết tại lễ “Tổng kết công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả năm 2022”, ông Trần Văn Chiến - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh cho rằng: “Chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả không chỉ là nhiệm vụ quốc gia, vì kinh tế chung… mà đây còn là hành động thiết thực để chung tay, đảm bảo quyền lợi của bà con nông dân Việt không bị ảnh hưởng”.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Đình Xuân, Giám đốc Sở NN-PTNT Tây Ninh cho hay, nhiều thương hiệu đặc trưng của Tây Ninh đang bị lợi dụng, đặc biệt là bò tơ. “Bằng cách nhập lậu bò từ Campuchia về Việt Nam, nhiều đối tượng đã vỗ béo bò bằng chất cấm rồi bán ra thị trường, quảng bá là thương hiệu bò tơ Tây Ninh.

Điều này không chỉ nguy hại đến sức khỏe mà ảnh hưởng đến việc chăn nuôi của bà con. Sở NN-PTN kiến nghị các cấp, ngành cần mạnh tay hơn nữa để bà con an tâm sản xuất, giữ vững được thương hiệu”, ông Nguyễn Đình Xuân chia sẻ.

Năm 2022, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh chỉ đạo các thành viên thực hiện nghiêm túc công tác phòng, chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại trên địa bàn tỉnh đạt kết quả khả quan. Lực lượng chức năng và Ban Chỉ đạo 389 các huyện, thị xã, thành phố phát hiện và bắt giữ 1.284 vụ/1.145 đối tượng, tăng 12,38% vụ và 31,79% đối tượng so với cùng kỳ; tang vật vi phạm trị giá khoảng 224,3 tỷ đồng, tăng 87,76% so với cùng kỳ.

Thống kê của Bộ chỉ huy BĐBP Tây Ninh, về nông sản, các mặt hàng lợi dụng để buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn tỉnh chủ yếu là hàng tiêu dùng, thiết yếu về nông nghiệp như: phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, gỗ và sản phẩm từ gỗ, vật tư nông nghiệp, sản phẩm và nguyên liệu sản phẩm dược phẩm, động vật hoang dã....

Xem thêm
Tỉnh Phú Thọ còn 15.983 hộ nghèo

Nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Phú Thọ do các hộ thiếu vốn sản xuất, kinh doanh, không có lao động, gia đình có người ốm đau, bệnh tật...

Cao Bằng xóa gần 7.000 nhà tạm, nhà dột nát

Năm 2024, tỉnh Cao Bằng đã xóa được gần 7.000 nhà tạm, nhà dột nát, kinh tế của địa phương có bước tăng trưởng quan trọng. 

5 điểm bán sản phẩm OCOP phục vụ giỏ quà tết tại Kiên Giang

Trên địa bàn tỉnh Kiên Giang, đến nay đã thành lập được 5 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, với hàng trăm giỏ quà tết được tiêu thụ mỗi ngày.