| Hotline: 0983.970.780

Xã kiểu mẫu vươn mình từ những khay mạ non

Thứ Năm 20/02/2025 , 10:29 (GMT+7)

Là một trong 4 xã điểm của huyện Bình Giang (Hải Dương), Long Xuyên đang từng bước chuyển mình, bắt nhịp với quy hoạch sắp tới của huyện lên thị xã giai đoạn 2025-2030.

Thay da đổi thịt

Về Bình Giang những ngày đầu năm 2025, thấy ngợp một bầu không khí phấn khởi, tươi mới. Tuyến đường tỉnh 395 được cải tạo rộng gấp đôi đã dần thành hình. Tuyến đường trục chính của thị trấn Kẻ Sặt - Trần Hưng Đạo và Phạm Ngũ Lão – thêm nhiều cây xanh. Vỉa hè đường tỉnh 392 cũng được sửa chữa, nâng cấp, tạo không gian cho người đi bộ.

“2024 là năm đầu tiên thu ngân sách huyện cán mốc 1.365 tỷ đồng, cao gần gấp 2,5 lần so với chỉ tiêu tỉnh giao”, Chủ tịch huyện Trương Mạnh Long tâm sự. Đây cũng là một trong những nguồn lực chính, tạo đà cho địa phương đầu tư nhiều dự án chỉnh trang đô thị, nhằm đưa Bình Giang lên thị xã trước năm 2030. Đồng thời hình thành 3 tiểu vùng động lực, với vùng lõi là thị trấn Kẻ Sặt, xã Thái Minh và xã Long Xuyên.

Để làm được điều ấy, huyện đặt kế hoạch giảm diện tích đất nông nghiệp từ hơn 7.200ha hiện nay xuống còn 5.400ha vào năm 2030 và 4.500ha vào 2050, theo xu hướng chung trong Quy hoạch sử dụng đất quốc gia. Những phần diện tích ngoài chuyển đổi, Bình Giang sẽ xây dựng vùng hàng hóa tập trung, ứng dụng công nghệ cao, cơ giới hóa vào sản xuất để đảm bảo thu nhập, đời sống cho người nông dân.

Bà bảo, từ khi nhà văn hóa lắp đặt các máy tập thể dục ngoài trời, chiều nào bà cũng dành khoảng nửa tiếng để rèn luyện sức khỏe, hoặc hàn huyên cùng các đồng niên cao tuổi. Ảnh: Bảo Thắng.

Bà bảo, từ khi nhà văn hóa lắp đặt các máy tập thể dục ngoài trời, chiều nào bà cũng dành khoảng nửa tiếng để rèn luyện sức khỏe, hoặc hàn huyên cùng các đồng niên cao tuổi. Ảnh: Bảo Thắng.

Sự chuyển mình ấy không nằm trên giấy mà thực sự được người dân cảm nhận. Nhà nằm cách trung tâm huyện khoảng 15km, bà Lê Thị Minh, thôn Bá Thủy, xã Long Xuyên không giấu nụ cười khi nhìn về nhà văn hóa thôn mới được cải tạo khang trang nằm ngay cạnh. Bà bảo, từ khi nhà văn hóa lắp đặt các máy tập thể dục ngoài trời, chiều nào bà cũng dành khoảng nửa tiếng để rèn luyện sức khỏe, hoặc hàn huyên cùng các đồng niên cao tuổi.

Nếu không để ý dòng chữ “nhà văn hóa”, hẳn nhiều người sẽ nghĩ đây là một công viên nào đó, được thiết kế theo kiểu thân thiện với thiên nhiên khi nằm sát cánh đồng, đủ không gian để chơi 2 sân cầu lông, hoặc bóng chuyền.

Có được bộ mặt khang trang như vậy là nhờ quyết tâm của cả chính quyền và người dân địa phương. Ông Vũ Đình Ngọc, Phó Chủ tịch UBND xã chia sẻ, Long Xuyên được chọn để triển khai thí điểm chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-2015, rồi tiếp tục đầu tư, nâng cao các tiêu chí, cải thiện cơ sở hạ tầng để đạt xã nông thôn mới nâng cao vào năm 2021. Cùng với đó, người dân địa phương không tiếc công, tiếc của khi hiến đất, làm đường, tạo diện mạo khang trang để tiến lên đô thị loại IV trước năm 2030.

Cánh đồng 'không dấu chân' ấy là tâm huyết của nhiều thế hệ người Long Xuyên. Ảnh: Bảo Thắng.

Cánh đồng “không dấu chân” ấy là tâm huyết của nhiều thế hệ người Long Xuyên. Ảnh: Bảo Thắng.

Đứng từ cổng UBND xã, ông Ngọc chỉ ra cánh đồng lúa rộng ngút tầm mắt trước mặt. Cánh động rộng đến hàng chục mẫu (Bắc bộ), nhưng tuyệt nhiên rất ít bờ vùng, bờ thửa. Dù đang trong giai đoạn gieo cấy tập trung lúa đông xuân, phải kiên nhẫn lắm mới bắt gặp một vài người dân ra đồng. Nhưng ngạc nhiên nhất là tuyến đường bao xung quanh ruộng, bằng bê tông, phẳng lì, rộng tới 3m, đủ để xe tải gỡ 1,5 tấn có thể đi ra vào.

Cánh đồng “không dấu chân” ấy là tâm huyết của nhiều thế hệ người Long Xuyên. Vị phó chủ tịch nhớ lại, từ khi phong trào xây dựng nông thôn mới manh nha về đến đây, chính quyền và người dân đã thống nhất phải nâng cấp, cải tạo các tuyến đường nội đồng. Do đặc thù huyện Bình Giang có nhiều cụm công nghiệp, thanh niên trong độ tuổi lao động chủ yếu làm ăn xa, nên nông dân chủ yếu là các cụ cao tuổi. Muốn đảm bảo cuộc sống và khai thác đất hiệu quả, buộc phải đưa máy móc, cơ giới vào.

Từ những mét đầu tiên, lớp lớp người Long Xuyên mở rộng các tuyến đường bê tông dài mãi ra. Sau chừng 4 năm (khoảng năm 2018), xã có hệ thống giao thông cơ bản như hiện nay, đủ sức phục vụ đưa máy cấy đến tận chân ruộng. Nhiều năm trở lại đây, Long Xuyên luôn là xã đi đầu trong việc ứng dụng cơ giới hóa của huyện Bình Giang nói riêng và tỉnh Hải Dương nói chung, với tỷ lệ lên tới 70-80%.

Làm nghề nông từ tuổi thanh niên, ông Phạm Văn Đệ, Trưởng thôn Cậy, xã Long Xuyên vẫn nhớ như in con đường đất từng khiến ông khổ sở mỗi khi trời mưa. Ngày ấy, phương tiện gần như duy nhất có thể vào ruộng là xe bò kéo, mỗi vụ thu hoạch là ông phải tất bật từ tinh mơ đến tối mịt, lúc thì tranh thủ gặt, khi thì chất lúa lên xe để kéo về sân hợp tác.

Mọi chuyện đổi thay khi ông được cán bộ xã đến nhà tuyên truyền, vận động thực hiện dồn điền đổi thửa và xây dựng nông thôn mới. Ông vẫn nhớ như in, rằng chuyện hiến đất, đào mương, lắp đặt hệ thống tưới tiêu… mọi người đều “thông suốt” hết. Nhưng để làm gì? Câu hỏi ấy không dễ trả lời bởi người nông dân cả đời ở sau lũy tre làng, nhu cầu đi ô tô và đi đây đó thực sự cũng không nhiều. “Thỉnh thoảng mới đi lại một chút, chắc chịu khổ được”, nhiều người trạc tuổi ông Đệ đã nghĩ như vậy.

Nghe nói chương trình của Trung tâm Khuyến nông tỉnh hỗ trợ cấy mạ khay bằng máy, xong tận mắt chứng kiến sự hiệu quả của việc tăng năng suất, giảm chi phí đầu vào bằng cơ giới hóa, người dân trong xã quyết tâm để 'cái lưng' nghỉ ngơi. Ảnh: Bảo Thắng.

Nghe nói chương trình của Trung tâm Khuyến nông tỉnh hỗ trợ cấy mạ khay bằng máy, xong tận mắt chứng kiến sự hiệu quả của việc tăng năng suất, giảm chi phí đầu vào bằng cơ giới hóa, người dân trong xã quyết tâm để “cái lưng” nghỉ ngơi. Ảnh: Bảo Thắng.

Chỉ tới khi những khay mạ non xuất hiện, ý kiến trái chiều mới không còn. Số là do nông dân Long Xuyên hầu hết trồng 2 vụ lúa/năm và không trồng màu nên mỗi lần còng lưng cấy ngoài đồng, những người cao tuổi như ông Đệ lại đau lưng rã rời. Nghe nói chương trình của Trung tâm Khuyến nông tỉnh hỗ trợ cấy mạ khay bằng máy, xong tận mắt chứng kiến sự hiệu quả của việc tăng năng suất, giảm chi phí đầu vào bằng cơ giới hóa, người dân trong xã quyết tâm để “cái lưng” nghỉ ngơi. Thế là đường bê tông từ từ vào thôn Cậy, rồi lan ra khắp các thôn còn lại.

Cùng với đường giao thông, diện tích gieo cấy bằng máy tại xã Long Xuyên tăng tỷ lệ thuận, trung bình khoảng 5-10% mỗi năm. Theo ông Hoàng Hữu Bắc, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Long Xuyên, đơn vị cho thuê máy cấy tại xã, cách đây vài năm, HTX đã mạnh dạn đầu tư 1 tỷ đồng để đầu tư 2 máy cấy, đồng thời thuê khoảng 5.000m2 đất để làm mạ non cho vào khay cấy. Những ngày cao điểm, hơn 10 lao động thời vụ của HTX gần như hoạt động hết công suất. Không những phục vụ nhu cầu nội tại, thành viên HTX còn đưa máy cấy đi phục vụ một số huyện lân cận như Gia Lộc, Cẩm Giàng.

Bên cạnh hiệu quả kinh tế, yếu tố giúp Long Xuyên nhanh chóng “phổ cập” máy cấy là việc chuyển đổi đồng bộ cơ cấu giống lúa. Toàn xã gieo cấy trà xuân muộn 100%, tập trung vào các giống chất lượng như nếp 415, Bắc thơm 7... giúp người dân thuận lợi tiêu thụ ngay tại ruộng. Chẳng thế mà, tỷ lệ cấy máy ở Long Xuyên vượt trội so với các xã lân cận như Hồng Khê, Tân Việt, Hùng Thắng, Thái Học, nơi có diện tích cấy máy đạt từ 20-30%.

Một vài năm nữa, Long Xuyên sẽ lên phường của thị xã mới. Và những khay mạ trong câu chuyện của ông Đệ, ông Bắc đã vô tình trở thành “chứng nhân” cho sự chuyển dịch này.

Bên cạnh những thuận lợi, xã Long Xuyên thừa nhận gặp không ít khó khăn, đặc biệt là thiếu hướng dẫn cụ thể về quá trình xây dựng đô thị. Chính quyền xã kiến nghị các cấp có thẩm quyền, nhằm sớm nhận chỉ đạo và hỗ trợ trong việc thực hiện các tiêu chí đô thị hóa. “Việc xác định lộ trình, tiêu chí đánh giá và nguồn lực đầu tư là những yếu tố quan trọng để xã hoàn thành mục tiêu”, Phó chủ tịch Vũ Đình Ngọc chia sẻ.

Xem thêm
TP.HCM đẩy mạnh cho vay cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn

UBND TP.Hồ Chí Minh vừa ban hành văn bản triển khai chính sách tín dụng thực hiện cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tại 5 huyện ngoại thành.

Biến rác thải thành điểm tham quan hấp dẫn

QUẢNG NINH HTX Green Life Hạ Long đã trở thành điểm tham quan, trải nghiệm lối sống xanh của rất nhiều du khách, đặc biệt là du khách nước ngoài khi đến với Quảng Ninh.

An Giang có 184 sản phẩm OCOP đạt từ 3 đến 5 sao

UBND tỉnh An Giang đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển sản xuất các sản phẩm OCOP. Đến nay, tỉnh có 184 sản phẩm OCOP từ 3-5 sao.

Bình luận mới nhất