| Hotline: 0983.970.780

Đồng Tháp: Xây dựng nông thôn mới là hành trình không có điểm dừng

Thứ Hai 17/02/2025 , 11:16 (GMT+7)

Tính đến năm 2024, toàn tỉnh Đồng Tháp có 115/115 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 100% chỉ tiêu đề ra. Trong đó, có 38 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Đến cuối năm 2024, toàn tỉnh Đồng Tháp có 115/115 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt tỷ lệ 100% và vượt chỉ tiêu đề ra. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Đến cuối năm 2024, toàn tỉnh Đồng Tháp có 115/115 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt tỷ lệ 100% và vượt chỉ tiêu đề ra. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Những năm gần đây, tỉnh Đồng Tháp đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể trong việc thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới. Không chỉ thay đổi diện mạo làng quê, đời sống vật chất và tinh thần của người dân cũng được nâng cao rõ rệt.

Theo Sở NN-PTNT Đồng Tháp, đến năm 2024 toàn tỉnh có 115/115 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt tỷ lệ 100% và vượt chỉ tiêu đề ra. Trong số đó, có 38 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Các huyện Thanh Bình, Tam Nông và Tân Hồng đang trong quá trình đề nghị xét công nhận huyện nông thôn mới. Sau khi hoàn thành, toàn tỉnh sẽ có 11 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 92% tổng số đơn vị cấp huyện, vượt chỉ tiêu 10 đơn vị trong nhiệm kỳ. Đồng thời, huyện Tháp Mười đang phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Trong giai đoạn 2021 – 2025, Đồng Tháp không chỉ chú trọng tăng số lượng xã đạt chuẩn mà còn tập trung phát triển các huyện theo tiêu chí nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao. UBND tỉnh Đồng Tháp đã đề ra 6 chương trình chuyên đề trọng tâm và các giải pháp thực hiện, nhằm giải quyết những vấn đề tồn tại và cải thiện chất lượng sống của người dân.

Ông Nguyễn Văn Vũ Minh, Giám đốc Sở NN-PTNT Đồng Tháp, cho biết: Đồng Tháp đã triển khai nhiều nội dung về phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn, hỗ trợ vốn và kỹ thuật. Nhờ đó, hạ tầng cơ sở ngày càng được cải thiện, các công trình giao thông, y tế, giáo dục và văn hóa được đầu tư xây dựng, đảm bảo tiện nghi cho sinh hoạt của người dân.

Việc xây dựng nông thôn mới ở Đồng Tháp đã giúp thay đổi diện mạo làng quê, đời sống vật chất và tinh thần của người dân cũng được nâng cao rõ rệt. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Việc xây dựng nông thôn mới ở Đồng Tháp đã giúp thay đổi diện mạo làng quê, đời sống vật chất và tinh thần của người dân cũng được nâng cao rõ rệt. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Song song với chính sách hỗ trợ từ chính quyền, các địa phương cũng nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp và mô hình phù hợp để đạt chuẩn nông thôn mới. Điển hình, huyện Tam Nông đang phấn đấu đạt chuẩn huyện nông thôn mới, chú trọng triển khai các chính sách giải quyết việc làm và giảm nghèo, đặc biệt là Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Toàn huyện hiện có 35 sản phẩm OCOP đạt từ 3-4 sao, được chế biến từ các nông sản đặc trưng, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn.

Nhờ chú trọng tạo việc làm và hỗ trợ khởi nghiệp, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn của huyện năm 2024 đạt 64,7 triệu đồng/người/năm, tăng 47 triệu đồng so với năm 2011.

Về thu nhập bình quân đầu người trong tỉnh Đồng Tháp đạt 76,67 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,08%, giảm 0,43% so với cuối năm 2023.

Huyện Tháp Mười, đơn vị cấp huyện đầu tiên của tỉnh được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2019, tiếp tục phấn đấu xây dựng huyện nông thôn mới nâng cao. Huyện tập trung khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh địa phương để đẩy mạnh thực hiện mục tiêu này.

Từ một huyện thuần nông với xuất phát điểm thấp, đến nay huyện Tháp Mười đã có 8/12 xã đạt 19/19 tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao, trong đó 6 xã được công nhận; thị trấn Mỹ An đạt chuẩn đô thị văn minh; hoàn thành 9/9 tiêu chí huyện nông thôn mới nâng cao.

Huyện Cao Lãnh, sau khi đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2020, tiếp tục nỗ lực xây dựng nông thôn mới nâng cao bằng nhiều giải pháp. Huyện chú trọng phát huy vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên và vận động người dân tham gia các phong trào xây dựng nông thôn mới tại địa bàn.

Năm 2025 là năm cuối trong lộ trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025. Bên cạnh chỉ tiêu về số xã, huyện đạt chuẩn, tỉnh cũng tập trung nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Mục tiêu đặt ra là giảm 0,4% tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 – 2025, đạt 93,89% người dân tham gia bảo hiểm y tế, 96% hộ dân sử dụng nước sạch và 77,2% lao động qua đào tạo.

Tại xã Đốc Binh Kiều (huyện Tháp Mười), địa phương đã hoàn thành 6/6 tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu và đang trong quá trình thẩm định. Xã tập trung phát triển kinh tế nông nghiệp, vận động người dân chuyển đổi diện tích đất sản xuất kém hiệu quả sang các mô hình kinh tế cho lợi nhuận cao hơn. Nhờ đó, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 80 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,72%.

Gia đình ông Nguyễn Duy Hưng là một điển hình trong việc chuyển đổi hình thức sản xuất nông nghiệp. Trước đây, ông trồng mít trên 4 công đất nhưng thu nhập không ổn định. Sau khi chuyển sang nuôi ốc bươu đen trong 2 năm gần đây, kinh tế gia đình ông đã khá giả hơn, mỗi năm thu lãi 100 - 150 triệu đồng.

Các địa phương trong tỉnh Đồng Tháp nêu cao tinh thần xây dựng nông thôn mới là hành trình không có điểm dừng. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Các địa phương trong tỉnh Đồng Tháp nêu cao tinh thần xây dựng nông thôn mới là hành trình không có điểm dừng. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Ông Nguyễn Phước Thiện, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, cho biết để đạt các mục tiêu đề ra, UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương phải luôn rà soát, duy trì các tiêu chí đã đạt, nâng chất các tiêu chí vừa ở ngưỡng đạt đối với các xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao. Ngoài ra, các địa phương phải nêu cao tinh thần xây dựng nông thôn mới là hành trình không có điểm dừng, không ngừng phấn đấu, thường xuyên cập nhật chuẩn các tiêu chí, chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 do UBND tỉnh ban hành.

Xem thêm
TP.HCM đẩy mạnh cho vay cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn

UBND TP.Hồ Chí Minh vừa ban hành văn bản triển khai chính sách tín dụng thực hiện cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tại 5 huyện ngoại thành.

Biến rác thải thành điểm tham quan hấp dẫn

QUẢNG NINH HTX Green Life Hạ Long đã trở thành điểm tham quan, trải nghiệm lối sống xanh của rất nhiều du khách, đặc biệt là du khách nước ngoài khi đến với Quảng Ninh.

An Giang có 184 sản phẩm OCOP đạt từ 3 đến 5 sao

UBND tỉnh An Giang đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển sản xuất các sản phẩm OCOP. Đến nay, tỉnh có 184 sản phẩm OCOP từ 3-5 sao.

Bình luận mới nhất