Nữ sĩ Xuân Quỳnh ra đi đột ngột cùng chồng và đứa con, trong một tai nạn giao thông vào ngày 29/8/1988, để lại nhiều tiếc thương cho giới mộ điệu. Cuộc đời 46 năm của nữ sĩ Xuân Quỳnh vẫn được độc giả nhắc nhớ qua những tác phẩm còn nguyên giá trị với thời gian.
Nữ sĩ Xuân Quỳnh tên thật Nguyễn Thị Xuân Quỳnh, sinh ngày 6/10/1942 tại làng lụa La Khê nức danh xứ Hà Đông. Người mẹ của Xuân Quỳnh mất sớm, người cha của Xuân Quỳnh là một nhà giáo cũng cưới vợ khác. Tuổi thơ Xuân Quỳnh và người chị Đông Mai chủ yếu sống với bà nội.
Năm 1955, Xuân Quỳnh trở thành vũ công của Đoàn ca múa Trung ương. Khoảnh khắc ấy được Xuân Quỳnh miêu tả trong bài thơ “Cô diễn viên mới” rất thật thà: “Mới hôm qua cùng bạn/ Em ngồi ghế nhà trường/ Hôm nay diễn viên mới/ Nhớ cây bàng, cửa gương.../ Bước chân còn bỡ ngỡ/ Đưa con mắt rụt rè/ Nhìn xung quanh vui quá/ Rộn lòng em say mê/ Muôn tiếng đàn dìu dặt/ Theo những cánh tay mềm/ Trong áo quần gọn ghẽ/ Nhiều chị đẹp như tiên”.
Năm 1962, Xuân Quỳnh đi học trường viết văn. Tập thơ đầu tiên của Xuân Quỳnh in chung với Cẩm Lai vào năm 1963, do Nhà xuất bản Văn Học ấn hành, có tên gọi “Tơ tằm – Chồi biếc”. Nữ sĩ Xuân Quỳnh làm biên tập viên báo Văn Nghệ từ năm 1963 đến năm 1980, sau đó chuyển sang làm biên tập viên Nhà xuất bản Hội Nhà Văn cho đến khi qua đời.
Nhân dịp kỷ niệm 80 năm ngày sinh của nữ sĩ Xuân Quỳnh, cùng với đêm thơ nhạc “Hoa cúc xanh”, cuốn sách “Trong đáy mắt trời xanh là vĩnh viễn” cũng được ấn hành nhằm tri ân một nhà thơ tài hoa đã có những đóng góp không nhỏ cho nền văn học Việt Nam hiện đại.
Nữ sĩ Xuân Quỳnh được biết tới như một nhà thơ tình với những vần điệu vừa mộc mạc, sâu lắng, giàu nữ tính, lại vừa cháy bỏng, tha thiết, nồng nàn. Chữ “tình” trong các tác phẩm của Xuân Quỳnh rộng lớn hơn tình yêu đôi lứa, mà bao trùm cả tình yêu cuộc sống, tình yêu đất nước.
Tập di cảo quý giá “Trong đáy mắt trời xanh là vĩnh viễn” hé lộ những chất liệu đã góp phần làm nên chữ “tình” của nữ sĩ Xuân Quỳnh. Lật giở từng trang sách, người đọc bắt gặp một Xuân Quỳnh quá đỗi đời thường và đầy giản dị. Đong đầy ở đấy là hình ảnh của người mẹ với tình mẫu tử thiêng liêng.
Nhiều trang nhật ký chi tiết, tỉ mỉ, ghi lại quá trình sinh ra và lớn lên trong những năm đầu đời của con trai đầu lòng Lưu Tuấn Anh, đã thể hiện được tình thương yêu hết lòng và sự hy sinh vô bờ bến của nữ nhà thơ khi nuôi con trong những năm chiến tranh chống Mỹ ác liệt.
Nữ sĩ Xuân Quỳnh cũng là một người rất chịu khó đi thực tế và sẵn sàng nhập cuộc. Thu xếp tạm ổn việc gia đình, con cái là sửa soạn hành trang để lên đường, không ngại ngần đi đến những vùng đất trọng điểm, đầy khó khăn nguy hiểm để sống, làm việc, trải nghiệm với quân và dân vùng đất lửa Quảng Trị: “Mẹ đi trên con đường chiến tranh. Thức với trăng qua những bến phà, hố bom, vết đạn, pháo sáng dày đặc. Mẹ đi qua như qua những buồn vui của đời mẹ, những con đường chiến tranh này luôn luôn có cái chết rình bên cạnh, nhưng mẹ không sợ bằng lúc mẹ bắt đầu đi, vượt qua cái tình cảm gia đình (xa con). Qua những đêm thức trắng, xe càng đi càng vào miền nóng bức – hằng ngày nhớ con nên mẹ lại cảm thấy gần con hơn”.
“Trong đáy mắt trời xanh là vĩnh viễn” còn có những ghi chép của nữ sĩ Xuân Quỳnh về các sự việc, ấn tượng đặc biệt, những chân dung tiểu biểu... thể hiện qua cách nhìn, cách nghĩ thông minh và tinh tế.
“Trong đáy mắt trời xanh là vĩnh viễn” do Phó Giáo sư Lưu Khánh Thơ (em gái Lưu Quang Vũ) biên soạn, cùng với nhiều tư liệu được cung cấp từ gia đình. “Trong đáy mắt trời xanh là vĩnh viễn” lần đầu tiên công bố một số bức thư Xuân Quỳnh và Lưu Quang Vũ gửi cho nhau trong những năm cuối đời, thư Xuân Quỳnh gửi cho con trai út Lưu Quỳnh Thơ (Mí) khi đi công tác tại Liên Xô....
Nhan đề “Trong đáy mắt trời xanh là vĩnh viễn” đặt cho cuốn sách được lấy từ một câu thơ trong bài “Có một thời như thế” của nữ sĩ Xuân Quỳnh: “Có một thời vừa mới bước ra/ Mùa xuân đã gọi mời trước cửa/ Chẳng ngoái lại vết chân trên cỏ/ Vườn hoa nào cũng ở phía mình đi/ Đường chẳng xa, núi không mấy cách chia/ Trong đáy mắt trời xanh là vĩnh viễn/ Trang nhật ký xé trăm lần lại viết/ Tình yêu nào cũng tha thiết như nhau/ Có một thời ngay cả nỗi đau/ Cũng mạnh mẽ ồn ào không giấu nổi/ Mơ ước viển vông, niềm vui thơ dại/ Tuổi xuân mình tưởng vẫn mãi tươi xanh”.