Nữ tướng Nguyễn Thị Định (1920-1992) được xem như một biểu tượng của phụ nữ Việt Nam trung dũng kiên cường thời đại Hồ Chí Minh. Nữ tướng Nguyễn Thị Định sinh ra và lớn lên tại Giồng Trôm, Bến Tre. Tên tuổi nữ tướng Nguyễn Thị Định gắn bó với những chiến công huyền thoại của đội quân tóc dài Nam bộ trong kháng chiến cứu quốc.
Đã có nhiều câu chuyện đầy cảm hứng yêu nước về nữ tướng Nguyễn Thị Định. Thế nhưng, hình ảnh nữ tướng Nguyễn Thị Định chỉ thực sự được nghệ thuật hóa qua truyện ký “Không còn đường nào khác” của nhà văn Văn Phác.
Nhà văn Văn Phác (1926-2012) cũng có quân hàm thiếu tướng như nữ tướng Nguyễn Thị Định. Nhà văn Văn Phác nguyên là Tổng Biên tập đầu tiên của Tạp chí Văn Nghệ Quân Đội, nguyên Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thông tin. Trong giai đoạn chống Mỹ, nhà văn Văn Phác đã viết truyện ký “Không còn đường nào khác” với bút danh Trần Nam Hương.
Truyện ký “Không còn đường nào khác” viết trực diện về nữ tướng Nguyễn Thị Định và cuộc đồng khởi Bến Tre. Tác giả Văn Sửu đã dựa theo tác phẩm của nhà văn Văn Phác để xây dựng kịch bản sân khấu “Không còn đường nào khác”.
Hơn 20 năm trước, vở diễn “Không còn đường nào khác” đã được Nhà hát Tuồng Việt Nam dàn dựng, qua bàn tay của đạo diễn Đoàn Anh Thắng. Bây giờ, vở diễn “Không còn đường nào khác” được tái ngộ ở Nhà hát Tuồng Việt Nam do đạo diễn – Nghệ sĩ Nhân dân Lê Tiến Thọ cầm trịch.
So với bản cũ, thì lần này “Không còn đường nào khác” được Nghệ sĩ Nhân dân Lê Tiến Thọ thêm thắt vài cảnh để tăng tính thời sự và làm rõ thêm thông điệp lịch sử.
Vai nữ tướng Nguyễn Thị Định trong vở diễn “Không còn đường nào khác” cách đây 20 năm do Nghệ sĩ Nhân dân Mẫn Thu đảm nhận, còn vai nữ tướng Nguyễn Thị Định bây giờ do Nghệ sĩ Ưu tú Lộc Huyền đảm nhận. Mỗi người một vẻ riêng, hai thế hệ nghệ sĩ tiếp nối nhau làm rực rỡ thêm chân dung nữ tướng Nguyễn Thị Định.
Nhà nghiên cứu sân khấu Nguyễn Thế Khoa cho rằng: “Vở diễn “Không còn đường nào khác” rất xúc động và có giá trị giáo dục sâu sắc. Thay vì tổ chức những lễ hội kỷ niệm tốn kém về phong trào đồng khởi, thì nên đưa những vở diễn như thế này về phục vụ cho bà con xứ dừa Bến Tre”.