| Hotline: 0983.970.780

Nghệ sĩ Nhân dân Lê Tiến Thọ tái ngộ sân khấu kể chuyện án oan

Thứ Sáu 08/04/2022 , 10:28 (GMT+7)

Nghệ sĩ Nhân dân Lê Tiến Thọ ở tuổi 71 bắt tay dàn dựng vở kịch “Lá thư thứ 72” về câu chuyện người dân bị án oan phải kêu cứu đến Chủ tịch nước.

Nghệ sĩ Nhân dân Lê Tiến Thọ.

Nghệ sĩ Nhân dân Lê Tiến Thọ.

Nghệ sĩ Nhân dân Lê Tiến Thọ là một nhân vật nổi tiếng hàng đầu trong giới nghệ thuật tuồng của Việt Nam. Nghệ sĩ Nhân dân Lê Tiến Thọ không chỉ xuất sắc với vai trò diễn viên trong các vở tuồng “Suối đất hoa”, “Hoàng hôn đen”, “Lý Phụng Đình”... mà còn thể hiện được năng lực trong vai trò đạo diễn các vở tuồng “Thiếu phụ Nam Xương”, “Lý Chiêu Hoàng, “Dũng khí Đặng Đại Độ”...

Nghệ sĩ Nhân dân Lê Tiến Thọ từng có bằng cử nhân văn chương, nên ông cũng là tác giả của nhiều kịch bản tuồng như “Chuyện tình ông vua”, “Hoàng thúc Lý Long Tường”, “Vụ án Lệ Chi Viên”... Nghệ sĩ Nhân dân Lê Tiến Thọ được trao Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2012.

Sau nhiều năm làm Giám đốc Nhà hát tuồng Việt Nam, Nghệ sĩ Nhân dân Lê Tiến Thọ tiếp tục đảm nhận những vị trí quan trọng như Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao & Du lịch, Chủ tịch Hội Sân khấu Việt Nam... Bây giờ, “lão” mà chưa “an”, Nghệ sĩ Nhân dân Lê Tiến Thọ lại nhảy sang lĩnh vực kịch nói.

Sân khấu kịch Lệ Ngọc vừa công bố dự án mới với khán giả Thủ đô, đó là vở kịch “Lá thứ thứ 71” do Nghệ sĩ Nhân dân Lê Tiến Thọ làm đạo diễn. Tung hoành ở lãnh địa tuồng thì không ai dám nghi ngờ sở trường của Nghệ sĩ Nhân dân Lê Tiến Thọ, nhưng lần đầu tiên ông dàn dựng một vở kịch nói thì cũng là bất ngờ thú vị.

Cựu thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao & Du lịch - Lê Tiến Thọ mời cựu thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao & Du lịch- Vương Duy Biên cộng tác thiết kế mỹ thuật cho vở kịch “Lá thư thứ 72”, thì công chúng có thể chờ đợi một tác phẩm như thế nào? Kịch bản “Lá thư thứ 72” vốn có một cái tên khác là “Vị thánh trong mơ”, được tác giả Hoàng Thanh Du in trong tập “Bài ca người lính” do Nhà xuất bản Sân Khấu ấn hành tháng 10/2021.

'Lá thư thứ 72' là một trong 5 kịch bản từng được in trong tập 'Bài ca người lính'.

"Lá thư thứ 72" là một trong 5 kịch bản từng được in trong tập "Bài ca người lính".

Kịch bản “Lá thư thứ 72” gồm 8 cảnh, được viết lại từ một vụ án có thật, theo lời kể của ông Nguyễn Trọng Tỵ - nguyên Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao. Đó là câu chuyện xảy ra vào năm 1966, của ông Đỗ Văn Chồi ở Hải Phòng. Ông Đỗ Văn Chồi chỉ tình cờ có mặt tại hiện trường một vụ án mạng, nhưng bỗng dưng bị khép tội giết người. Trong tù, ông Đỗ Văn Chồi liên tục kêu oan, nhưng chỉ được trả lời ngắn gọn “Án xử đúng, nên yên tâm cải tạo”.

Không cam tâm với uất ức, ông Đỗ Văn Chồi đã viết đơn kêu cứu gửi Chủ tịch nước Hồ Chí Minh. Những lá thư cứ gửi đi, mang theo hy vọng và lòng kiên trì của một người dân vướng vòng oan khiên. Thật may, lá thư thứ 72 của ông Đỗ Văn Chồi đã đến được tay Bác Hồ, và vụ án đã được xem xét lại.

Khi chuyển nguyên mẫu Đỗ Văn Chồi vào kịch bản “Lá thư thứ 72”, tác giả Hoàng Thanh Du đổi tên nhân vật thành Đỗ Minh. Với thân phận phạm nhân số 003, Đỗ Minh đã nhẫn nại tự kêu oan cho mình, qua những lá thư gửi đến vị lãnh đạo cao nhất của đất nước. Lá thư thứ 72 đến tay Bác Hồ, và Người đã nói với Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân: “Đây, Bác có nhận được một lá thư. Gọi chính xác ra là một lá đơn kêu cứu. Lá đơn kêu oan của một con người đã có 8 năm ngồi tù và đã lần lượt gửi cho Bác tất cả 71 lá thư. Vị chi, mỗi năm con người kêu oan ấy đã phải viết 9 lá thư. Vậy mà lá thư thứ 72 mới đến được tay Bác. Việc này Bác cũng đã phê bình các đồng chí ở văn phòng, và Bác cũng sẽ yêu cầu văn phòng phải làm kiểm điểm”.

Quan điểm của Bác Hồ về vấn đề người dân kêu oan trong “Lá thư thứ 72”, được trình bày khá rõ ràng: “Chuyện của một con người nhưng liên quan đến công lý của một đất nước. Nếu thấy cần thiết thì phải cho mở phiên tòa lại. Phải cử những chuyên viên giỏi, điều tra kỹ lưỡng và không được quan liêu. Vì nếu công dân thực sự bị oan, thì đó là lỗi của chúng ta”.

Đoạn kết có hậu của “Lá thư thứ 72” là phạm nhân Đỗ Minh được giải oan trong niềm vui sướng tột bậc. Bởi lẽ, chính Đỗ Minh cũng không ngờ và phải bật khóc: “Chỉ là giấc mơ, một giấc mơ của một người dân bình thường. Vậy mà Người, Hồ Chủ tịch... Người đã quan tâm đến nhân dân. Người như là một vị thánh có thật trên đời này, để ra tay cứu những con người khốn khổ oan ức như tôi”.

Việt Nam hôm nay, án oan không phải hiếm. Cho nên, dàn dựng vở kịch “Lá thư thứ 72”, không chỉ nhắc lại một dấu son quá khứ, mà còn mang tính cảnh tỉnh cho hoạt động tư pháp. Phía sau mỗi phán quyết là số phận một con người, không thể bất cẩn, không thể vội vàng. Đó cũng là lý do Nghệ sĩ Nhân dân Lê Tiến Thọ ở tuổi nghỉ hưu vẫn quyết định “xuất mã” một chuyến với sân khấu kịch nói.

Xem thêm
Man.City tìm lại cảm giác chiến thắng

Man 'xanh' bắt đầu lấy lại phong độ và quyết không bỏ cuộc khi giành thêm chiến thắng tại vòng 20 giải Ngoại hạng Anh 2024/2025.

Nguyễn Xuân Son nhận thưởng cao nhất đội tuyển Việt Nam

Tiền đạo nhập tịch Nguyễn Xuân Son là cầu thủ nhận thưởng cao nhất đội tuyển Việt Nam, khoảng 3,5 tỷ đồng tính đến thời điểm này.

Người dân Cần Thơ mãn nhãn màn đua thuyền buồm trên sông Hậu

Ngày 29/12, lần đầu tiên TP Cần Thơ tổ chức giải đua thuyền buồm, một hoạt động mới lạ trong chuỗi hoạt động chào mừng Ngày hội Du lịch - Đêm hoa đăng Ninh Kiều.