| Hotline: 0983.970.780

Nước ngập sâu, gần 700 hộ dân tại Ninh Bình bị cô lập

Thứ Ba 10/09/2024 , 17:42 (GMT+7)

Gần 700 hộ dân tại thôn Kênh Gà (Gia Thịnh, Gia Viễn, Ninh Bình) bị cô lập hoàn toàn do nước sông Hoàng Long dâng cao.

Đi thuyền vào nhà

Quá trưa, hàng chục chiếc thuyền bơi ngang dòng, cập bến đón học sinh về nhà sau khi tan trường. Tại bến chờ, vài hộ dân tay xách, nách mang một số nhu yếu phẩm để dự trữ trong những ngày mưa lũ. Quãng sông rộng cả trăm mét như hút chiếc thuyền tôn về phía cuối dòng.

Ở thôn Kênh Gà (xã Gia Thịnh, Gia Viên, Ninh Bình), người dân có vẻ khá quen với cảnh chèo thuyền mỗi khi ngập úng. Có lẽ vậy. Những chiếc thuyền có sức chứa từ 2 - 3 người cứ chòng chành nối đuôi nhau bơi giữa dòng nước chảy xiết mà không cần trang bị an toàn.

Muốn vào thôn Kênh Gà phải di chuyển bằng thuyền qua sông Hoàng Long. Ảnh: Quốc Toản.

Muốn vào thôn Kênh Gà phải di chuyển bằng thuyền qua sông Hoàng Long. Ảnh: Quốc Toản.

Thôn Kênh Gà nằm ngoài đê sông Hoàng Long. Nơi đây được xem là "rốn lũ" của tỉnh Ninh Bình. Trong thôn, hầu hết các hộ gia đình đều trang bị thuyền để tiện di chuyển khi nước sông dâng cao, gây ngập.

Chị Trần Thị Lan ở xóm 2, Kênh Gà có kỹ năng chèo thuyền chuyên nghiệp, nên mặt vẫn tỉnh bơ mỗi khi đưa thuyền qua dòng nước chảy xiết: “Cứ khi nào nước sông lên cao là cả làng bị cô lập hoàn toàn. Từ người lớn, trẻ em đều phải tìm nơi trú ẩn khi mùa mưa bão đến. Học sinh trong làng hầu hết phải nghỉ học, đề phòng rủi ro tính mạng. Gia đình nào nhà cao cửa rộng phải dọn đồ lên cao để tránh thiệt hại tài sản. Gia đình nào ở tạm bợ thì sang hộ bên cạnh gửi nhờ đồ đạc và tránh lũ”.

Hầu hết các hộ dân thôn Kênh Gà đều sắm một chiếc thuyền để tiện di chuyển mùa mưa lũ. Ảnh: Quốc Toản.

Hầu hết các hộ dân thôn Kênh Gà đều sắm một chiếc thuyền để tiện di chuyển mùa mưa lũ. Ảnh: Quốc Toản.

Sau 15 phút đi thuyền, chúng tôi đã tiếp cận được khu dân cư thôn Kênh Gà. Tuy nhiên, để di chuyển vào nhà các hộ dân buộc phải dùng thuyền con trợ giúp. Hiện tại, tuyến đường thôn đã bị ngập sâu khoảng 1,5m. Bên trong nhà các hộ dân ngập từ 40 - 50cm. Toàn bộ đồ đạc của các gia đình sống ven sông đều được di chuyển lên cầu thang, hoặc tầng 2 để tránh bị nước cuốn trôi.

Căn nhà của gia đình chị Nguyễn Thị Thanh (thôn 3, Kênh Gà) đã ngập sâu vào nhà chừng 50cm. Dù đã tôn cao nền nhà khoảng 1m so với mặt đường, thế nhưng nước lũ vẫn tràn vào từng ngách nhỏ của căn nhà. Chị Thanh cùng 2 đứa trẻ vẫn cố thủ trong nhà để giữ tài sản. Tối qua, người phụ nữ đã kịp chuyển mấy bì lúa, đồ gia dụng, quần áo lên cầu tháng để chạy lũ. Do nước ngập, mọi việc sinh hoạt trong gia đình không thể chủ động, bởi vậy 3 mẹ con chị Thanh phải di tản sang hàng xóm để cậy nhờ.

“Đêm qua nước lên nhanh lắm! Chỉ trong vòng 1 đến 2 tiếng là đường bắt đầu ngập và nước tràn vào nhà. Từ năm 2017 đến nay, dân làng mới phải cuống cuồng chạy lũ trong đêm. Nếu nước cứ dâng cao như hôm nay thì mọi thứ trong nhà coi như hư hỏng cả”, chị Thanh chia sẻ.

Đường vào thôn Kênh Gà ngập sâu hơn 1m. Ảnh: Quốc Toản.

Đường vào thôn Kênh Gà ngập sâu hơn 1m. Ảnh: Quốc Toản.

Chiếc xuồng máy của ông Trần Văn Đệ hôm nay đắt khách hơn mọi ngày. Chiếc điện thoại của ông luôn trong tình trạng nóng máy khi nhận được các cuộc gọi “cứu viện” từ bờ bên kia sông. Dù vậy, sức ông cũng chỉ kham nổi chục chuyến trong ngày.

Đêm qua, vợ chồng ông gần như thức trắng đêm để vận chuyển đồ đạc lên tầng 2 tránh lũ. Do sức người có hạn nên chiếc tủ bảo ôn nặng cả tạ đành phải đặt trên bàn tại phòng khách. Nhà hết chỗ cao để đồ đạc, bởi vậy chiếc xe máy trị giá cả chục triệu bạc phải chấp nhận cảnh ngâm mình dưới nước, sống chung với lũ.

Hoàn tất việc bưng bê, kê đặt, ông Đệ chở chúng tôi dọc tuyến sông Hoàng Long để chứng kiến tận mắt đời sống của người dân người dân thôn Kênh Gà mỗi khi mưa lũ tràn về.

Tiếng xuồng máy át cả tiếng người. Ông Đệ nói như thể hét vào tai: “Thôn Kênh Gà chia làm 3 thôn (thôn 1, thôn 2 và thôn 3 với 683 hộ dân). Ở đây, cứ ngập là bị chia cắt với vùng lân cận. Mùa lũ, người dân không dám ra đường, nên nhà nào cũng đóng cửa, tìm chỗ tránh trú trên cao. Phương tiện chủ yếu sử dụng để di chuyển là thuyền. Với tình hình mưa kéo dài như hiện nay, khả năng cả thôn sẽ chìm sâu trong nước một vài ngày tới”, ông Đệ nói.

Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai

Trao đổi với phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam, ông Phạm Văn Tam, Chủ tịch UBND huyện Gia Viễn (Ninh Bình) cho biết, hiện nay mực nước sông Hoàng Long đã lên 4,2m và có khả năng tiếp tục dâng cao nếu mưa lớn.

“UBND huyện đã chỉ đạo địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ. Triển khai các biện pháp để bảo vệ tài sản và tính mạng của người dân. Trường hợp nước sông dâng cao sẽ sơ tán dân đến nơi an toàn", ông Tam nói.

Cũng theo ông Tam, UBND huyện Gia Viễn đã chỉ đạo xã Gia Thịnh và một số địa phương trong vùng ngập lụt cho học sinh nghỉ học để đảm bảo an toàn.

Nước sông Hoàng Long đang dâng cao, gây ngập toàn bộ khu vực thôn Kênh Gà. Ảnh: Quốc Toản.

Nước sông Hoàng Long đang dâng cao, gây ngập toàn bộ khu vực thôn Kênh Gà. Ảnh: Quốc Toản.

Đài Khí tượng thủy văn Ninh Bình cảnh báo tác động của lũ trong sông lên cao, kết hợp với mưa lớn; nguy cơ cao gây lũ quét, sạt lở đất đá ở vùng núi, ngập lụt vùng ven sông, các bãi nổi giữa sông, vùng trũng thấp diện rộng, ảnh hưởng đến an toàn đối với các tuyến đê, sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản và nhiều vùng dân cư của địa phương; có thể gây nguy hiểm đến đời sống sinh hoạt, sản xuất của nhân dân, đe dọa tính mạng, tài sản của nhân dân và các hoạt động kinh tế - xã hội…

Nước ngập sâu trong nhà khoảng 40 - 50cm. Ảnh: Quốc Toản.

Nước ngập sâu trong nhà khoảng 40 - 50cm. Ảnh: Quốc Toản.

Để chủ động ứng phó với mưa lũ, ngày 10/9, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình đã ban hành Công điện số 23 về việc tập trung triển khai ứng phó với mưa lũ trên địa bàn tỉnh. Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các huyện, thành phố thường xuyên theo dõi, cập nhật diễn biến và tình hình mưa lũ, thông tin kịp thời đến các tổ chức và người dân có hoạt động trên sông, ven sông, bãi sông, cơ sở nuôi trồng thủy sản, phương tiện vận tải thủy; các bến đò ngang, đò dọc biết để chủ động các biện pháp phòng tránh đảm bảo an toàn về người, tài sản. 

Nghiêm cấm tàu thuyền neo đậu vào mái đê, kè mái đê, cột điện trên bãi sông gây ảnh hưởng đến an toàn đê và lưới điện. Tạm dừng hoạt động các bến đò ngang, bến phà trên sông cho đến khi lũ rút. Nghiêm cấm xe có tải trọng lớn chạy trên đê. 

Xem thêm
Bộ NN-PTNT làm việc với JICA Việt Nam về các dự án hợp tác nông nghiệp

Sáng 19/9, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp tiếp và làm việc cùng JICA Việt Nam. Lãnh đạo hai bên có những trao đổi quan trọng về các dự án hợp tác nông nghiệp.

Ứng phó bão số 4: Dân không chấp hành lệnh sơ tán sẽ cưỡng chế

Ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, địa phương sẽ cương quyết cưỡng chế trường hợp không chấp hành lệnh sơ tán dân trước sự cố khẩn cấp.

Vì sao đây là thời điểm tốt nhất để mua VinFast VF 7?

Loạt chính sách mới được công bố dành cho khách hàng mua VinFast VF 7 đang khiến nhiều người có ý định chốt cọc VF 7 hồ hởi.

Bản Quây lo ngại với vết sạt lở đang to dần

SƠN LA Người dân bản Quây, xã Chiềng Ngàm, huyện Thuận Châu đang hồi hộp, lo lắng từng phút bởi một vết nứt dài 150m tại đồi Co Nỏng, nằm ngay phía trên khu dân cư...