| Hotline: 0983.970.780

Ninh Bình có 544ha lúa mùa bị ngã đổ do bão

Chủ Nhật 08/09/2024 , 21:01 (GMT+7)

Ít chịu tác động của bão số 3 nên ngay sau khi bão tan, người dân trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đã nhanh chóng quay trở lại nhịp sản xuất.

Ghi nhận tại huyện Kim Sơn, mặc dù là địa phương duy nhất của tỉnh giáp biển nhưng với cường độ gió đo được trong các ngày bão đổ bộ ở cấp 7 - 8, giật cấp 9 nên các lều, chòi tại vùng nuôi ngao không bị tốc mái, hư hại. Các cơ sở nuôi trồng thủy không bị ngập úng, ảnh hưởng.

Sau khi bão tan các hộ nuôi tôm trên địa bàn huyện Kim Sơn đã nhanh chóng quay trở lại nhịp sản xuất. Ảnh: Trung Quân.

Sau khi bão tan các hộ nuôi tôm trên địa bàn huyện Kim Sơn đã nhanh chóng quay trở lại nhịp sản xuất. Ảnh: Trung Quân.

Ông Phan Văn Hải, Trạm trưởng Trạm Kiểm ngư - Thủy sản (Chi cục Thủy sản Ninh Bình) đóng trên địa bàn huyện Kim Sơn cho biết, trong các ngày bão số 3 đổ bộ, lượng mưa đo được trên địa bàn huyện giao động từ 150 - 200mm. Từ sáng 8/9, tranh thủ thời tiết tạnh ráo, các hộ nuôi trồng thủy sản khu vực ngoài đê Bình Minh đã nhanh chóng quay trở hoạt động sản xuất.

Với kinh nghiệm ứng phó với các sự cố thiên tai trước đó và chủ động các biện pháp phòng tránh từ sớm nên các cơ sở nuôi tôm, ngao, hàu đều an toàn. Các bãi nuôi ngao do triều thấp nên không bị lồng, xô dạt. Các hộ nuôi tôm trước khi bão số 3 đổ bộ hầu hết đã thu hoạch, xuất bán để cải tạo ao nuôi sẵn sàng thả vụ tôm đông, chỉ còn số ít nuôi trong các ao nổi đã được bảo vệ, che chắn cẩn thận.

Đối với các hộ nuôi hàu, đây là thời điểm nước biển độ mặn thấp nên sản xuất cầm chừng, những cơ sở lớn chủ yếu nuôi trong nhà nên không bị ảnh hưởng.

Do ảnh hưởng của bão số 3, toàn tỉnh Ninh Bình có 544ha lúa mùa bị đổ ngã. Ảnh: Trung Quân.

Do ảnh hưởng của bão số 3, toàn tỉnh Ninh Bình có 544ha lúa mùa bị đổ ngã. Ảnh: Trung Quân.

Anh Dương Viết Luynh (thị trấn Bình Minh, huyện Kim Sơn) cho biết, toàn bộ diện tích khu nuôi tôm 25.000m2 (hệ thống ao nổi có mái che là 6.000m2) của gia đình không có thiệt hại nào. Khi có cảnh bảo về tác động của bão số 3, các hộ nuôi tôm đã hỗ trợ nhau tháo dỡ hệ thống lưới che, gia cố máy móc, chuẩn bị máy phát trong trường hợp mất điện nên trong suốt thời gian bão xảy ra các ao tôm vẫn hoạt động bình thường. May mắn hơn là bão không đổ bộ trực tiếp vào Ninh Bình, mưa bé, gió không lớn nên đến hiện tại ai cũng thở phào nhẹ nhõm, bắt tay vào chuẩn bị các điều kiện tốt nhất để nuôi thả vụ tôm đông.

Tại huyện Yên Mô, Nho Quan, các hộ sản xuất lúa cũng khẩn trương ra đồng dựng, buộc lại các trà lúa mùa bị gió xô ngã; thu hoạch những diện tích đã gần chín rộ nhưng có nguy cơ bị úng. Ông Đinh Văn Khiêm, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Ninh Bình thông tin, vụ mùa 2024, toàn tỉnh gieo cấy hơn 31.000ha lúa. Hoàn lưu bão số 3 đã khiến 544ha lúa bị đổ, trong đó có 178ha lúa đang vào chắc ở huyện Yên Mô và 366ha tại huyện Nho Quan.

Những diện tích lúa đổ có thể thu hoạch, người dân đang huy động nhân lực gặt tay khi máy gặt chưa thể xuống đồng. Ảnh: Trung Quân.

Những diện tích lúa đổ có thể thu hoạch, người dân đang huy động nhân lực gặt tay khi máy gặt chưa thể xuống đồng. Ảnh: Trung Quân.

Tuy nhiên, những diện tích này hiện không đáng ngại vì lượng mưa thấp và khi có thông tin bão đổ bộ vào đất liền các địa phương đã chỉ đạo khơi thông hệ thống thủy lợi, bơm tiêu kiệt nước đệm nên mực nước trong các ruộng không cao, lúa đổ không bị ngập bông. Người dân chỉ cần dựng, buộc, khi nắng lên là có thể thu hoạch. Một số diện tích có mực nước cao người dân đã chủ động bơm tiêu úng, huy động nhân lực gặt tay với phương châm “xanh nhà hơn già đồng” khi máy gặt chưa thể xuống ruộng.

Xem thêm
Chăn nuôi Bắc Kạn vượt khó: [Bài 1] Cứu cánh từ đàn đại gia súc

Trong bối cảnh dịch tả lợn Châu Phi hoành hành gây thiệt hại lớn, chăn nuôi đại gia súc trở thành cứu cánh của nhiều người dân, hợp tác xã ở tỉnh Bắc Kạn.

Biên Hòa phát hiện, xử lý các lò mổ lậu

Đồng Nai Lực lượng liên ngành thành phố Biên Hòa đang tăng cường kiểm tra, xử lý các điểm giết mổ không phép trên địa bàn, nhất là trong giai đoạn cuối năm.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.