| Hotline: 0983.970.780

Nuôi ba ba, gặp mưa bão lịch sử vẫn lãi khá

Thứ Năm 19/12/2024 , 11:22 (GMT+7)

HẢI DƯƠNG Mỗi năm thị xã Kinh Môn (Hải Dương) này cung ứng ra thị trường khoảng 60 tấn ba ba thịt, doanh thu ước đạt 21 - 24 tỷ đồng.

Bà Nguyễn Ngọc Bích, cán bộ Phòng Kinh tế thị xã Kinh Môn cho biết, mỗi năm địa phương này cung ứng ra thị trường khoảng 60 tấn ba ba thịt, doanh thu ước đạt 21 - 24 tỷ đồng. Các xã, phường nuôi nhiều ba ba gồm Minh Hoà, Thái Thịnh và Hiến Thành. Ngoài ra, các xã Thăng Long và Thượng Quận... cũng có hộ nuôi ba ba nhưng ít hơn.

Ba ba gai thương phẩm. Ảnh: Hải Tiến.

Ba ba gai thương phẩm. Ảnh: Hải Tiến.

Mưa bão lịch sử vẫn lãi khá

Ông Vũ Văn Yên, Giám đốc HTX Chăn nuôi và Nuôi trồng thuỷ sản Minh Hoà (thị xã Kinh Môn, Hải Dương) chia sẻ, xã Minh Hoà có 25 hộ nuôi ba ba, từ đầu năm tới nay bán ra thị trường được hơn 15 tấn ba ba thịt, doanh thu ước đạt 5,5 tỷ đồng, giảm 25% sản lượng và 12,5% giá trị kinh tế so với cùng kỳ năm 2023 nhưng người nuôi ba ba vẫn có lãi 120 - 300 triệu đồng/hộ (tuỳ quy mô nuôi và thời điểm xuất bán).

Theo ông Yên, năm nay xã Minh Hoà giảm doanh thu và sản lượng ba ba là do cơn bão Yagi mạnh hiếm có xảy ra hồi tháng 9 khiến hầu hết ao hồ, rau màu và cây ăn trái trên địa bàn bị nước ngập tràn bờ khiến ba ba nuôi trong ao thoát ra ngoài mất. Sau mưa bão, ba ba còn bị nhiễm bệnh, gây thất thoát thêm. Ngoài ra, càng gần cuối vụ thu hoạch, giá ba ba thịt càng giảm dần cũng làm giảm hiệu quả sản xuất.  

Nhà ông Yên cũng nuôi 5.000 con ba ba, nhờ bán sớm được hơn 700 con (4.000kg) trước bão Yagi nên thu được 1,45 tỷ đồng. Có được nguồn thu lớn này còn do thời điểm bán, giá ba ba thịt vẫn khá cao (gần 400 nghìn đồng/kg tại ao), sau mới giảm dần xuống 340 nghìn đồng/kg như hiện nay. Nhưng với mức giá ba ba hiện hành, người nuôi vẫn có lãi khoảng 120 nghìn đồng/kg sau 3 năm chăm nuôi.

Giống bèo tây lá nhỏ, cuống ngắn thả trong ao giúp khử khuẩn, làm nơi trú rét, tránh nắng cho ba ba nuôi. Ảnh: Hải Tiến.

Giống bèo tây lá nhỏ, cuống ngắn thả trong ao giúp khử khuẩn, làm nơi trú rét, tránh nắng cho ba ba nuôi. Ảnh: Hải Tiến.

Ông Nguyễn Văn Thân (cùng xã Minh Hoà) cũng cho hay, ông nuôi ba ba từ năm 2000 đến nay nhưng chưa thấy khi nào gặp khó như năm nay. Mưa bão khiến nước ngập cao hơn bờ ao gần nửa mét, không thể ngăn ba ba thoát khỏi ao. Biết trong nước mưa có a xít rất hại cho ba ba nhưng do không tiêu thoát nước kịp, không thể bổ sung thay mới nước ao để giảm thiểu rủi ro. Ngoài ra, cùng thời điểm mưa bão, người nuôi còn phải tập trung nhân lực khắc phục úng ngập vườn cây nên thiệt hại nuôi trồng thuỷ sản là điều không thể tránh.

Mặc dù vậy mới đây ông Thân cũng thu hoạch được hơn 1.000kg ba ba thịt, thu về 350 triệu đồng, lợi nhuận 130 triệu đồng và vẫn còn khoảng 400 con ba ba dưới ao, vào kỳ này năm sau sẽ cho thu hoạch.

Ông Nguyễn Văn Dũng ở phường Hiến Thành (thị xã Kinh Môn) nuôi 120 con ba ba thịt, thu hoạch được 660kg, bán hết và trừ mọi chi phí vẫn còn lãi hơn 120 triệu đồng/700m2 ao/3 năm. Ông Dũng cho hay, cả phường Hiến Thành có 15 hộ nuôi ba ba, nhờ chủ động dùng lưới thép B40 quây cao quanh bờ ao nên trong đợt mưa bão Yagi, các hộ này không bị mất ba ba và đều đã cho thu hoạch đạt hiệu quả cao.

Theo ông Dũng, lợi thế của nuôi ba ba là nếu chăm sóc và quản lý tốt, hiệu quả sẽ rất cao. Đặc biệt, không nhất thiết phải có ao lớn như nuôi cá, chỉ cần từ 1 sào (360m2) mặt nước trở lên đã cho phép nuôi ba ba đạt thu nhập cao.

Ông Nguyễn Văn Dũng (phường Hiến Thành, thị xã Kinh Môn) cho ba ba ăn đúng kỹ thuật. Ảnh: Hải Tiến.

Ông Nguyễn Văn Dũng (phường Hiến Thành, thị xã Kinh Môn) cho ba ba ăn đúng kỹ thuật. Ảnh: Hải Tiến.

Kinh nghiệm nuôi ba ba

Sau nhiều năm nuôi ba ba đạt hiệu quả cao, ông Vũ Văn Lạng ở xã Minh Hoà rút ra, để nuôi thành công loài giáp xác này, cần đảm bảo tốt 3 yêu cầu là chọn mua con giống khoẻ, không bị bệnh, năng suất, chất lượng thịt đạt cao và giữ cho môi trường ao nuôi luôn sạch, đảm bảo nguồn thức ăn tốt. Trong đó, chú ý chọn thả giống đồng đều về khối lượng để chúng không cắn nhau khi cạnh tranh thức ăn, thậm chí ăn thịt nhau khi đói quá.

Nếu chỉ nuôi thương phẩm (không kết hợp cho đẻ nhân giống) thì nên chọn nuôi một loại ba ba đực, vừa mau lớn vừa cho thể trọng cao. Nếu nuôi ba ba cái cùng ao với ba ba đực, khi phát dục, con đực sẽ đè, ép hại con cái.

Để nước ao nuôi ba ba luôn sạch, ít phải bổ sung nước mới, sau mỗi kỳ thu hoạch, cần vét sạch bùn ao, rải cát xuống đáy với lượng 3 - 4m3/100m2. Cách làm này còn tạo nền đáy ao sạch cho ba ba nằm tránh nắng nóng hoặc giá rét. Cùng với đó, còn phải nuôi thả bèo Tây trên mặt ao giúp khử khuẩn và làm trong nước, nhưng phải chọn loại bèo Tây cuống ngắn, lá nhỏ.

Ngoài ra vào mùa mưa (từ tháng 5 đến 8) phải xử lý nước ao bằng vôi bột (10 - 15kg vôi/100m2 mặt nước/tháng). Lưu ý, ba ba là loài có khả năng sống lưỡng cư nên thành và bờ ao phải kè cứng thẳng đứng để ba ba không bò lên bờ đi mất, nhất là tại các góc ao, nếu không che chắn cẩn thận ba ba vẫn có thể bò mất theo lối này. Đặc biệt vào những ngày giá rét, nhiệt độ không khí xuống dưới 15 độ C ba ba sẽ dừng ăn, do vậy trước thời điểm này phải tăng cường dinh dưỡng cho ba ba.

Nhờ chăm sóc tốt, nhiều con ba ba trong trang trại của ông Vũ Văn Yên - Giám đốc HTX Chăn nuôi và Nuôi trồng thuỷ sản Minh Hoà đạt hơn 8kg/con. Ảnh: Hải Tiến.

Nhờ chăm sóc tốt, nhiều con ba ba trong trang trại của ông Vũ Văn Yên - Giám đốc HTX Chăn nuôi và Nuôi trồng thuỷ sản Minh Hoà đạt hơn 8kg/con. Ảnh: Hải Tiến.

Về thức ăn, ba ba là loài ăn tạp, lúc nhỏ chủ yếu cho ăn giun đất và cá tép băm nhỏ, khi lớn có thể cho ăn cám cá công nghiệp. Tốt nhất mua các loại thuỷ sản tươi sống rẻ tiền như trai, ốc, hến, cá mè và giun đất, cho ba ba ăn những loại này vừa nhanh lớn vừa giảm chi phí đầu tư.

Theo ông Vũ Văn Lạng (xã Minh Hoà), khó nhất trong nuôi ba ba là phải trường vốn, vì để tăng trọng được 1kg ba ba thịt, người nuôi phải bỏ ra khoảng 200.000 đồng, trong khi để thu hồi vốn cho tái sản xuất phải mất tới 3 năm. Vì vậy trong nuôi ba ba, nhà nông thường kết hợp với làm vườn trồng cây ăn quả và rau màu để lấy ngắn nuôi dài.

Đây cũng chính là nguyên nhân Chăn nuôi và Nuôi trồng thuỷ sản Minh Hoà có 67ha nuôi trồng thuỷ sản nhưng chỉ có hơn 2ha nuôi ba ba, diện tích còn lại dành cho trồng cây ăn trái, cam, bưởi, nhãn, vải xen canh với các cây rau ăn lá (cải ngọt, cải canh, cải bắp), rau gia vị (hành, tỏi, thì là, gừng, sả) hoặc cây dược liệu địa liền...

Nghề nuôi ba ba được hình thành ở thị xã Kinh Môn từ năm 2000. Thời gian đầu bà con chủ yếu khai thác giống ba ba đỏ ngoài sông Hồng về nuôi, sau vì sức đề kháng của giống ba ba này kém, thể trọng thương phẩm đạt thấp (trên 2kg/con) nên từ hơn 10 năm nay, nhà nông ở đây đã chuyển sang nuôi giống ba ba gai. Ba ba gai có ưu điểm thể trọng lớn, khả năng chống chịu tốt, trọng lượng thương phẩm cao, trung bình đạt 5 - 5,5kg/con, nuôi tốt có thể đạt từ 8kg/con trở lên.

Theo y học, thịt ba ba vị ngọt, tính bình, được coi thực phẩm bổ dưỡng. Các bộ phân trên thân mình ba ba như đầu, mai, máu, mật, mỡ, trứng đều có giá trị dược liệu, hỗ trợ chữa trị nhiều chứng bệnh trên người như viêm gan, viêm thận, lao phổi, hen suyễn, đái tháo đường, trĩ, lậu...

Xem thêm
Tổ đoàn kết trên biển góp phần chống khai thác IUU

BÌNH ĐỊNH Không chỉ tương trợ trong quá trình khai thác hải sản, các tổ đoàn kết trên biển ở Bình Định còn góp phần nâng cao ý thức cho ngư dân trong chống khai thác IUU.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam 11 tháng đạt 9,2 tỷ USD

Với đà tăng trưởng hiện tại, ngành thủy sản Việt Nam năm 2024 có thể hoàn thành mục tiêu đạt 10 tỷ USD xuất khẩu, tăng 11,5% so với năm 2023.

Xây dựng nông thôn mới ở các làng, nơi ven biển thành nơi đáng sống

Đây là mục tiêu mà Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân chia sẻ về câu chuyện chuyển đổi nghề cho ngư dân vùng ven biển.