Nuôi thú cưng có thể xem như một thú vui, đáng tôn trọng. Tuy nhiên, nuôi thú cưng cần phải kèm điều kiện nhất định để bảo đảm một thú vui. Bởi lẽ, nếu nuôi thú cưng gây phiền hà và gây nguy hiểm cho cộng đồng thì phải cương quyết ngăn chặn.
Nuôi thú cưng phổ biến nhất là nuôi chó. Ở nông thôn, nuôi chó thuận tiện hơn ở đô thị, vì không gian rộng rãi và thoáng đãng. Việc nuôi chó ở đô thị, đã từng là chủ đề bức xúc của nhiều giới, nhiều ngành, nhưng vẫn chưa có giải pháp cụ thể đạt sự đồng thuận chung.
Ủy ban nhân dân quận 4, TP. HCM vừa xử phạt 64 triệu đồng đối với hành vi nuôi chó làm ô nhiễm môi trường. Đây là mức phạt cao nhất từ trước đến nay dành cho một cá nhân, do hậu quả nuôi chó không tuân thủ các nguyên tắc xã hội. Quyết định của Ủy ban nhân dân quận 4, TP. HCM rất đáng hoan nghênh. Không thể chấp nhận một hộ dân có diện tích cư ngụ nhỏ hẹp ở đô thị mà nuôi đến 82 con chó, và đổ chất thải bừa bãi.
Cũng may, 82 con chó được nuôi dưỡng và thả rong kia, chỉ mới vi phạm tác hại môi trường mà chưa cắn người. Cho nên, cần có một thái độ chấn chỉnh để an toàn cho cuộc sống khu dân cư, vì theo Điều 603 Bộ luật Dân sự 2015 quy định “chủ sở hữu súc vật phải bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra cho người khác; nếu người bị thiệt hại hoàn toàn có lỗi trong việc làm súc vật gây thiệt hại cho mình thì chủ sở hữu không phải bồi thường”.
Từ trường hợp cá nhân bị xử phạt 64 triệu đồng nói trên, đã đến lúc phải nhắc nhở mọi người tuân thủ Thông tư 07/2016 của Bộ NN-PTNT về phòng chống dịch bệnh động vật, trong đó nhấn mạnh việc nuôi chó phải đăng ký với Ủy ban nhân dân cấp xã tại các đô thị, và tại nơi đông dân cư thì có phải được xích, nhốt trong khuôn viên gia đình nhằm bảo đảm vệ sinh môi trường, không ảnh hưởng xấu tới người xung quanh.
Thực tế cho thấy, hầu như người dân đô thị chỉ nuôi thú cưng như một thú vui, mà không hề biết có Thông tư 07/2016 của Bộ NN-PTNN. Thậm chí, cán bộ cơ sở cũng không lập sổ quản lý cho nuôi trên địa bàn, nên không thể nắm được thông tin về chủ vật nuôi, số lượng nuôi và lịch tiêm phòng vacxin dại. Điều này hết sức nguy hiểm, nếu những con chó bị dại không được giám sát cẩn thận.
Cần lưu ý, bệnh dại không phát ngay, mà thời kỳ ủ bệnh trung bình từ 30-90 ngày, có thể kéo dài đến 1 năm. Vết thương càng nặng, càng gần các đầu mút thần kinh trung ương thì thời gian ủ bệnh càng ngắn. Ngược lại, nếu vết thương nhẹ, xa thần kinh trung ương, thì thời gian ủ bệnh sẽ dài hơn. Người nhiễm virus dại khi đã lên cơn dại, thì tỉ lệ tử vong là gần như 100%.
Phong trào nuôi thú cưng ở đô thị càng ngày càng phát triển. Có những con chó nhập khẩu trị giá hàng trăm triệu đồng, có những giống chó rất hung dữ mà chủ sở hữu khi dắt ra đường vẫn không rọ mõm cho vật nuôi. Vì vậy, nuôi chó nói riêng và nuôi thú cưng nói chung, nên xác định là thú vui với điều kiện nhất định về đảm bảo an toàn và văn minh cho đô thị.