| Hotline: 0983.970.780

Nuốt vội, người phụ nữ bị xương cá dài 3cm đâm xuyên qua thành ruột non

Thứ Hai 09/11/2020 , 15:26 (GMT+7)

CT-scan ổ bụng, các bác sĩ phát hiện hình ảnh dị vật cản quang dạng xương cá vùng hố chậu trái dài khoảng 3cm đâm xuyên qua thành quai ruột non đoạn hồi tràng.

Bác sĩ thăm khám cho chị N. sau 1 ngày phẫu thuật. Ảnh: Bệnh viện cung cấp.

Bác sĩ thăm khám cho chị N. sau 1 ngày phẫu thuật. Ảnh: Bệnh viện cung cấp.

Ngày 9/11, khoa Ngoại Tiêu hóa Bệnh viện Nguyễn Tri Phương cho biết, đơn vị này mới tiếp nhận bệnh nhân N.Y.N. (40 tuổi, ngụ Bình Khánh, huyện Cần Giờ, TP.HCM) nhập viện vì đau bụng âm ỉ vùng quanh rốn và hạ vị khoảng 5 ngày trước đó.

Cứ nghĩ bị đau dạ dày nên chị N. tự ý mua thuốc uống nhưng không giảm, sau đó đến khám tại Trung tâm y tế địa phương và được chuyển đến Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (TP.HCM).

Khai thác bệnh sử, chị N. cho biết, trước đó chị có ăn cá nhưng không biết có nuốt xương cá không. Chị cũng có thói quen ăn nhanh, nuốt vội nhưng không nhai kỹ khi ăn.

BS CKII Trần Văn Hiệp, khoa Ngoại Tiêu hóa (Bệnh viện Nguyễn Tri Phương) cho biết, sau khi tiếp nhận, bệnh nhân được chụp CT-scan ổ bụng, các bác sĩ phát hiện hình ảnh dị vật cản quang dạng xương cá vùng hố chậu trái dài khoảng 3cm đâm xuyên qua thành quai ruột non đoạn hồi tràng, tạo thành một khối viêm dính trong ổ bụng và được các tạng trong ổ bụng bao quanh.

“Bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật cấp cứu. Ê-kíp phẫu thuật đã tiến hành phẫu thuật nội soi vào ổ bụng thám sát thấy vùng hố chậu trái có khối viêm dính kích thước 3x4cm được mạc nối lớn và ruột non bao bọc.

Phẫu tích khối viêm dính gỡ mạc nối lớn thấy có ít dịch và giả mạc, kiểm tra thấy có một dị vật xương cá dài 3cm. Tiến hành lấy xương cá qua nội soi, khâu lại chỗ thủng ruột và rửa sạch bụng. Ca phẫu thuật diễn ra trong 1 giờ”, bác sĩ Hiệp cho biết.

Hiện bệnh nhân tỉnh táo hơn, tình trạng đau bụng giảm nhiều, bệnh nhân có trung tiện trở lại và được cho ăn lại với thức ăn lỏng qua đường tiêu hóa. Dự kiến sẽ xuất viện trong một hai ngày tới.

Để tránh những biến chứng đáng tiếc trên, BS CKII Trần Văn Hiệp khuyến cáo, khi ăn uống, đặc biệt là những người lớn tuổi, răng hư nhiều khi ăn thực phẩm có xương (cá, gà,…) nên nhai kỹ, lựa xương cẩn thận. Tránh các thói quen ăn nhanh, nuốt vội không nhai kỹ khi ăn.

Nếu không may nuốt phải xương thì đừng cố nuốt hoặc không tự ý móc bỏ xương mà cần đến bệnh viện sớm để được chẩn đoán và xử trí sớm để được can thiệp nội soi tiêu hóa, lấy dị vật tránh được cuộc phẫu thuật không đáng có.

Qua đó, tránh trường hợp dị vật đi sâu xuống hệ tiêu hóa, gây đâm thủng thành ống tiêu hóa, hoặc gây nhiễm trùng nặng, tổn thương các tạng khác.

“Đây là những biến chứng nặng và thường phải phẫu thuật sớm, nếu không được chẩn đoán, xử trí cấp cứu kịp thời có thể nguy hiểm đến tính mạng”, bác sĩ Hiệp cho hay.

Xem thêm
Tập thể dục vào sáng và tối giảm nguy cơ ung thư ruột kết hơn 10%

Hoạt động thể chất vào các thời điểm khác nhau trong ngày có thể dẫn đến những kết quả khác nhau cho sức khỏe về lâu dài.

Nguyên nhân gây bệnh tim mạch và cách phòng ngừa hiệu quả

Bệnh tim mạch là một trong những bệnh nguy hiểm, với tỷ lệ tử vong cao. Cùng tìm hiểu nguyên nhân gây ra bệnh tim mạch.

Người bị tiểu đường nên ăn gì thay cơm trắng?

Cơm trắng có chỉ số đường huyết cao, không tốt cho người tiểu đường. Vậy người bị tiểu đường nên thay cơm bằng thực phẩm gì?

Lá lốt có tác dụng gì với sức khoẻ?

Lá lốt không chỉ giúp hương vị của món ăn thêm thơm ngon mà còn rất tốt cho sức khỏe và còn có tác dụng điều trị một số loại bệnh.