Theo Sở NN-PTNT tỉnh Đăk Lăk, sau thời gian triển khai chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) trong Chương trình MTQG nông thôn mới đã mang lại nhiều hiệu quả tích cực.
Cụ thể, các sản phẩm OCOP bước đầu đã khơi dậy tiềm năng, thế mạnh về sản vật, vùng nguyên liệu, nguồn lao động tại địa phương, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân ở khu vực nông thôn, giải quyết nhóm tiêu chí “kinh tế và tổ chức sản xuất” trong bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới.
Chương trình OCOP đã tạo được sức lan tỏa rộng rãi trong hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, các chủ thể, cộng đồng người tiêu dùng. Đây là động lực để nâng tầm thương hiệu, giá trị, chất lượng sản phẩm, tạo làn gió mới cho khu vực kinh tế nông thôn, phát huy sức mạnh và vai trò của cộng đồng trong bảo tồn và phát triển sản phẩm truyền thống của địa phương; đồng thời thúc đẩy và nâng cao năng lực của các chủ thể, nhất là khu vực làng nghề, các HTX, doanh nghiệp vừa và nhỏ trong tổ chức sản xuất, kinh doanh các sản phẩm nông sản, dịch vụ đặc trưng của tỉnh Đăk Lăk.
Thông qua việc tiêu chuẩn hóa sản phẩm, quảng bá và phát triển thị trường sản phẩm, các sản phẩm OCOP đã hình thành vùng sản xuất nông sản sạch, an toàn, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với các chuỗi giá trị sản phẩm. Từ đó, chương trình góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế tại khu vực nông thôn, là một trong giải pháp quan trọng để thực hiện có hiệu quả Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới.
Với những lợi thế trên, Sở NN-PTNT Đăk Lăk sẽ đưa OCOP trở thành chương trình phát triển kinh tế quan trọng của tỉnh để phát triển sản xuất tập trung quy mô lớn trong lĩnh vực sản xuất hàng hóa nông nghiệp và phi nông nghiệp trên địa bàn nông thôn và khu vực đô thị. Từ đó, sản phẩm OCOP sẽ góp phần cung ứng sản phẩm, dịch vụ cho phát triển du lịch, dịch vụ, thương mại của tỉnh.
Để làm được điều này, Chương trình OCOP sẽ được Sở NN-PTNT Đăk Lăk đặt trong tổng thể nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội gắn với chương trình nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu và tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
Theo lãnh đạo Sở NN-PTNT Đăk Lăk sau hơn 2 năm triển khai chương trình OCOP tại địa phương đã có 33 doanh nghiệp, HTX, hộ gia đình đăng ký hồ sơ, đánh giá, phân hạng sản phẩm, vượt chỉ tiêu so với kế hoạch đề ra.
Hiện Sở NN-PTNT Đăk Lăk đã lựa chọn, hoàn thiện, nâng cấp 27 sản phẩm thế mạnh trong nông nghiệp và dịch vụ du lịch nông thôn hiện có của địa phương và tiêu chuẩn hóa, công nhận/chứng nhận 10-12 sản phẩm đạt 3-4 sao. Kết quả tiêu chuẩn hóa 35 sản phẩm được UBND tỉnh cấp chứng nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh đạt từ 3-4 sao, vượt 23 sản phẩm so với chỉ tiêu kế hoạch.
Trong đó, 31 sản phẩm đạt 3 sao, 4 sản phẩm đạt 4 sao. Các sản phẩm 4 sao đều có tiềm năng để hoàn thiện, chuẩn hóa các tiêu chí để nâng cấp mức chất lượng đạt phân hạng 5 sao (cấp quốc gia) để tham gia vào thị trường các nước quốc tế.
Địa phương này sẽ phát triển các hình thức tổ chức sản xuất kinh doanh (tập trung phát triển thành phần kinh tế hợp tác và kinh tế tư nhân theo hướng cộng đồng, các hợp tác xã, doanh nghiệp, tổ hợp tác, hộ kinh doanh cá thể) để sản xuất các sản phẩm truyền thống, có lợi thế ở khu vực nông thôn góp phần phát triển kinh tế nông thôn theo hướng nội sinh và gia tăng giá trị.
Từ đó, Sở NN-PTNT Đăk Lăk phấn đấu mỗi năm có khoảng 50 sản phẩm đạt sao OCOP cấp tỉnh, đến năm 2025 nâng cấp, chuẩn hóa, hoàn thiện khoảng 250 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên, có ít nhất 3 sản phẩm đạt 5 sao OCOP quốc gia.
Thời gian tới, Sở NN-PTNT Đăk Lăk sẽ tiếp tục phát huy tiềm năng thế mạnh của các địa phương, sức sáng tạo của người dân nhằm tạo ra sản phẩm hàng hóa có chất lượng tốt, đạt các tiêu chuẩn theo quy định; kiểu dáng bao bì thuận tiện, hiện đại, phù hợp, có truy xuất nguồn gốc rõ ràng; hình thành các chuỗi giá trị sản phẩm trọng tâm là các sản phẩm chủ lực cấp huyện, tỉnh, quốc gia để vươn ra thị trường trong và ngoài nước.