| Hotline: 0983.970.780

Phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập là thước đo xây dựng nông thôn mới

Thứ Hai 13/12/2021 , 08:11 (GMT+7)

Phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn được TP Hà Tiên xác định là thước đo và là động lực trong xây dựng nông thôn mới (NTM).

Phát triển đô thị gắn với xây dựng NTM

Hà Tiên là thành phố biên giới trực thuộc tỉnh Kiên Giang, có thế mạnh về phát triển du lịch, nuôi trồng thủy hải sản và thương mại biên mậu. Với nhiều danh lam, thắng cảnh, bãi biển Mũi Nai nổi tiếng, hàng năm, thành phố này đón khoảng vài triệu du khách đến tham quan, du lịch.

Ông Liêu Khắc Dũng, Quyền Chủ tịch UBND TP Hà Tiên cho biết: “Hiện nay, Hà Tiên đã có những bước phát triển vững chắc về mọi mặt, hệ thống hạ tầng kỹ thuật và xã hội được đầu tư xây dựng đồng bộ, góp phần tạo dựng đô thị văn minh, hiện đại. Định hướng đến năm 2025, Hà Tiên sẽ trở thành đô thị loại II”.   

Hà Tiên là thành phố biên giới trực thuộc tỉnh Kiên Giang, có thế mạnh về phát triển du lịch, nuôi trồng thủy hải sản và thương mại biên mậu. Ảnh: Trung Chánh.

Hà Tiên là thành phố biên giới trực thuộc tỉnh Kiên Giang, có thế mạnh về phát triển du lịch, nuôi trồng thủy hải sản và thương mại biên mậu. Ảnh: Trung Chánh.

Song hành với phát triển đô thị, chính quyền TP Hà Tiên cũng tập trung phát triển nông thôn, xây dựng NTM. Hiện TP Hà Tiên có 5 phường và 2 xã NTM Thuận Yên và Tiên Hải. Trong đó, xã Thuận Yên được công nhận đạt chuẩn NTM năm 2016,  xã đảo Tiên Hải năm 2020. Mới đây, đoàn công tác của Văn phòng Điều phối NTM Trung ương đã vào thẩm định, xét công nhận TP Hà Tiên hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.

Thuận Yên là xã thuộc ngoại ô và là cửa ngõ đi vào TP Hà Tiên, với diện tích tự nhiên 3.231 ha. Ông Cao Hùng Mạnh, Chủ tịch UBND xã Thuận Yên, cho biết, trong những năm qua, kinh tế của xã có bước phát triển khá, đã tập trung khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh về đất đai, từng bước chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi và nuôi trồng thủy sản, tăng giá trị sản xuất. Năm 2011, xã mới đạt 11/19 tiêu chí NTM, nhưng nhờ phấn đấu, tập trung thực hiện nên đến năm 2016 đã đạt 19/19 tiêu chí và giữ vững NTM cho đến nay.

Theo ông Mạnh, trong quá trình xây dựng NTM, xã luôn quan tâm xây dựng các mô hình phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, xem đây là thước đo và là chỉ số đánh giá sự hài lòng của người dân. Cụ thể, với kinh phí tỉnh phân bổ hỗ trợ nguồn vốn sự nghiệp xây dựng NTM, xã đã phối hợp xây dựng dự án cho 3 mô hình phát triển sản xuất theo hướng giảm chi phí. Sản xuất hồ tiêu theo hướng an toàn, giảm chi phí bằng chế phẩm sinh học, có 247 hộ tham gia, diện tích canh tác hơn 41 ha. Hỗ trợ 17 hộ nuôi heo thịt ứng dụng chế phẩm sinh học và men vi sinh. Nuôi gà thả vườn theo hướng an toàn sinh học, có 13 hộ thực hiện. Nuôi tôm – cua quảng canh, gồm 55 hộ ,với diện tích 95 ha.

Ngoài ra, còn phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh và Phòng Kinh tế thành phố, lựa chọn những hộ trồng tiêu trên địa bàn xã thực hiện các mô hình hỗ trợ cho nông dân phát triển kinh tế. Trong đó, có hộ thực hiện mô hình tưới nhỏ giọt cho vườn tiêu, tiết kiệm nguồn nước tưới, mang lại hiệu quả cao. Các mô hình khác như nuôi tôm thẻ chân trắng công nghiệp 2 giai đoạn (ở ấp Xoa Ảo), mô hình trồng rau thủy canh (ở ấp Rạch Núi) và mô hình trồng nấm rơm (ở ấp Rạch Vược)… đều cho kết quả tốt.

Thành phố Hà Tiên vừa được đoàn công tác của Văn phòng Điều phối NTM Trung ương thẩm định, xét công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Ảnh: Trung Chánh.

Thành phố Hà Tiên vừa được đoàn công tác của Văn phòng Điều phối NTM Trung ương thẩm định, xét công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Ảnh: Trung Chánh.

Phát triển sản xuất, phát huy vai trò của kinh tế tập thể, xã Thuận Yên đã thành lập Hợp tác xã nuôi nghêu ấp Hòa Phầu, lĩnh vực hoạt động nuôi nghêu lụa khu vực ven biển, với quy mô hơn 39 ha. Ông Ong Vĩnh Kim, Giám đốc Hợp tác xã cho biết, hiện đơn vị có 11 thành viên tham gia, liên kết sản xuất, nuôi nghêu hiệu quả không chỉ mang lại thu nhập cho xã viên mà còn giải quyết việc làm cho nhiều lao động ở địa phương với mức thu nhập bình quân của người lao động khoảng 6 triệu đồng/tháng.

Thông qua các mô hình phát triển kinh tế, đã mang lại hiệu quả tích cực, giúp giảm chi phí, nâng cao năng suất, chất lượng, quản lý tốt cây trồng, vật nuôi trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay. Đồng thời, đảm bảo vệ sinh môi trường, từ đó nâng cao thu nhập cho nông hộ, cải thiện cuộc sống người dân, góp phần xây dựng xã NTM. Đến cuối năm 2020, thu nhập bình quân của xã Thuận Yên đạt mức gần 53 triệu đồng/người/năm.

Phát huy vai trò kinh tế biển

Tiên Hải là xã đảo, nằm trong vịnh Thái Lan, toàn xã hiện có 442 hộ dân sinh sống, chủ yếu phát triển dịch vụ du lịch, đánh bắt và nuôi trồng thủy hải sản, nhất là nghề nuôi cá lồng bè trên biển. Xã đã được kéo lưới điện vượt biển, phục vụ phát triển sản xuất và dân sinh. Thu nhập hình quân đầu người của xã hiện đạt gần 51 triệu đồng/năm.  

Nghề nuôi cá lồng bè trên biển phát triển khá mạnh tại xã đảo Tiên Hải, mang lại nguồn thu nhập cao cho các hộ ngư dân. Ảnh: Trung Chánh.

Nghề nuôi cá lồng bè trên biển phát triển khá mạnh tại xã đảo Tiên Hải, mang lại nguồn thu nhập cao cho các hộ ngư dân. Ảnh: Trung Chánh.

Nghề nuôi cá lồng bè trên biển phát triển khá mạnh tại xã đảo Tiên Hải. Hiện toàn xã có khoảng 170 bè nuôi cá, mỗi bè có 4 lồng nuôi. Tùy vào loại cá và giai đoạn nuôi mà có mật độ thả khác nhau. Riêng Hợp tác xã nuôi trồng thủy sản của xã hiện 38 thành viên, với vốn đầu lệ hơn 3 tỷ đồng. Không chỉ cùng nhau nuôi cá lồng bè, hợp tác xã còn làm các dịch vụ như thu mua, cung cấp cá giống, thức ăn, kỹ thuật nuôi và tiêu thụ cả thương phẩm…

Thế mạnh của kinh tế biển không chỉ là nuôi trồng, đánh bắt mà còn thu hút du lịch, đã giúp cho Tiên Hải có bước tiến khá vững trãi. Đặc biệt là toàn xã hiện không còn hộ nghèo. Quần đảo Hải Tặc là điểm du lịch khá nổi tiếng của xã Tiên Hải, thu hút rất đông du khách thích khám phá, trải nghiệm.

Ngư dân Phan Thanh Bình, một xã viên Hợp tác xã cho biết, các loại cá được chọn nuôi nhiều và cho giá trị kinh tế cao là cá bóp, cá bống mú, cá bè vàng và cá chuộng… Mật độ nuôi đối với cá bóp từ 150-180 con/lồng, cá bống mú 800-1.000 con/lồng. Nghề nuôi cá lồng bè phát triển, đang dần thay thế cho việc đánh bắt tự nhiên, tránh tình trạng khai thác cạn kiệt nguồn lợi thủy sản.

Lợi nhuận của nghề nuôi cá lồng bè khá hấp dẫn, lãi ròng ở mức 50-60% so với số vốn đầu tư bỏ ra, cho một chu kỳ nuôi từ 10 đến 12 tháng. Bình thường, giá cá bóp thương phẩm luôn ở mức trên 150 ngàn đồng/kg, đối với cá từ 5 kg trở lên. Cá bống mú khoảng 250 ngàn đồng/kg, cá loại 1 từ 1-1,4 kg/con. Dịch bệnh Covid-19 bùng phát, việc tiêu thụ cá gặp khó khăn, tuy nhiên người nuôi vẫn giữ được mức lãi từ từ 30-40%.

Để minh chứng cho sức hấp dẫn của nghề nuôi cá lồng bè trên biển, ông Bình nhẩm tính, chi phí để nuôi 1 con cá bóp hết khoảng 350 ngàn đồng, gồm con giống 20 ngàn, thức ăn cá tạp 300 ngàn, còn lại là chi phí phòng dịch bệnh, công chăm sóc. Nếu gia đình có ghe tự đánh bắt cá làm thức ăn thì chi phí sẽ rẻ hơn. Khí xuất bán cá trung bình đạt 5kg/con, giá bán 150 ngàn đồng/kg, thu về 750 ngàn đồng, lãi ròng 400 ngàn/con. Chỉ cần có vài lồng nuôi thành công là đã có lợi nhuận hàng trăm triệu.

Song hành với phát triển đô thị, chính quyền TP Hà Tiên đã tập trung phát triển nông thôn, xây dựng NTM, kéo lưới điện vượt biển ra phục vụ xã đảo Tiên Hải. Ảnh: Trung Chánh.

Song hành với phát triển đô thị, chính quyền TP Hà Tiên đã tập trung phát triển nông thôn, xây dựng NTM, kéo lưới điện vượt biển ra phục vụ xã đảo Tiên Hải. Ảnh: Trung Chánh.

Bí thư Đảng ủy xã Tiên Hải Dương Anh Phong vui mừng cho biết, có được kết quả như ngày hôm nay là nhờ sự đồng lòng, chung sức xây dựng NTM của người dân trên đảo. Và rồi NTM đã mang lại cho người dân trên đảo cuộc sống tốt đẹp hơn, kinh tế xã hội ngày càng phát triển, môi trường, cảnh quan được bảo vệ tốt hơn.

Nói về nhiệm vụ thời gian tới, ông Dương chia sẻ là xã đã được thành phố đưa vào Nghị quyết về xây dựng NTM nâng cao. Giải pháp thực hiện là cần tập trung đẩy mạnh các ngành kinh tế mũi nhọn, lợi thế của xã đảo như phát triển nuôi cá lồng bè, khai thác hải sản, dịch vụ du lịch. Xã sẽ phối hợp với các cấp, các ngành mở các lớp tập huấn kỹ thuật cho ngư dân về nuôi trồng thủy sản, ứng dụng công nghệ hiện đại, tập huấn về nghiệp vụ phục vụ khách du lịch, làm du lịch cộng đồng… Từ đó, góp phần nâng cao hơn nữa về thu nhập, nâng cao mức sống cho người dân, tạo nền tảng vững chắc tiến lên NTM nâng cao, kiểu mẫu.

Hà Tiên xây dựng NTM song hành với phát triển đô thị

Thế mạnh của kinh tế biển không chỉ là nuôi trồng, đánh bắt mà còn thu hút du lịch, quần đảo Hải Tặc là địa điểm du lịch nổi tiếng, thu hút khách du lich của xã đảo Tiên Hải. Ảnh: Trung Chánh.

Thế mạnh của kinh tế biển không chỉ là nuôi trồng, đánh bắt mà còn thu hút du lịch, quần đảo Hải Tặc là địa điểm du lịch nổi tiếng, thu hút khách du lich của xã đảo Tiên Hải. Ảnh: Trung Chánh.

Ông Nguyễn Minh Tiến, Chánh văn phòng Điều phối NTM Trung ương đánh giá, thời gian qua TP Hà Tiên đã có bước phát triển trong xây dựng NTM song hành với phát triển đô thị. Riêng tại xã đảo Tiên Hải, bộ mặt nông thôn đã có sự thay đổi rõ rệt, như phát triển đường giao thông quanh đảo, trồng cây xanh, hoa kiểng tạo cảnh quan môi trường, thu gom xử lý rác thải bằng lò đốt rác, xây dựng hồ chứa nước ngọt phục vụ dân sinh. Đặc biệt, là xã đảo đã được kéo điện lưới quốc gia, giúp cho điều kiện sống, phát triển sản xuất tốt hơn. Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân được nâng cao, Tiên Hải là xã hiếm hoi hiện chưa ghi nhận ca nhiễm Covid-19 nào, dù TP Hà Tiên nói riêng và tỉnh Kiên Giang thời gian qua dịch bệnh bùng phát, ca nhiễm tăng cao. Hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, TP Hà Tiên cần tiếp tục củng cố các tiêu chí đã đạt được, tạo hướng đột phá bằng việc phát triển kinh tế xanh, bền vững.

TRUNG CHÁNH

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Mô hình tuyến đường kiểu mẫu ở Đồng Tháp

Đồng Tháp Chương trình xây dựng nông thôn mới ở Đồng Tháp góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững, tạo dựng một môi trường sống xanh, sạch, đẹp và văn minh.

Thái Nguyên có 240 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP

Trong số các sản phẩm OCOP của Thái Nguyên, có 155 sản phẩm đạt 3 sao, 83 sản phẩm đạt 4 sao và 2 sản phẩm đạt 5 sao cấp quốc gia.