| Hotline: 0983.970.780

Xây dựng nông thôn mới ở Long An:

Huyện Vĩnh Hưng chủ động được sự hưởng ứng của người dân

Thứ Sáu 10/12/2021 , 13:36 (GMT+7)

Long An Huyện Vĩnh Hưng tập trung triển khai thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới một cách tích cực, chủ động và nhận được sự hưởng ứng của các tầng lớp nhân dân.

Vĩnh Hưng đang tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng để sớm về đích nông thôn mới. Ảnh: Văn Đát.

Vĩnh Hưng đang tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng để sớm về đích nông thôn mới. Ảnh: Văn Đát.

Thêm 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới

Sau gần 6 năm triển khai thực hiện, với quyết tâm cao của hệ thống chính trị và sự đồng thuận của người dân. Đến nay, xã Vĩnh Thuận đạt 19/19 tiêu chí nông thôn mới.

Ông Nguyễn Chí Thiện, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thuận cho biết: Để đạt 19/19 tiêu chí xã nông thôn mới, Đảng ủy, chính quyền và các đoàn thể xã Vĩnh Thuận quyết tâm lãnh, chỉ đạo và triển khai, thực hiện. Đồng thời, chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, huy động sức mạnh tổng hợp từ nhân dân. Từ năm 2015 đến nay, tổng nguồn lực huy động cho xây dựng nông thôn mới của xã hơn 110 tỉ đồng. Trong đó, ngân sách nhà nước hơn 87 tỉ đồng, nhân dân đóng góp gần 11 tỉ đồng và doanh nghiệp hỗ trợ gần 16 tỷ đồng.

Đến nay, xã Vĩnh Thuận có 19,5km đường trục xã, liên xã được nhựa hóa, 22,4km được trục ấp, liên ấp được bê tông, cứng hóa, đường ngõ, xóm sạch và không lầy lội vào mùa mưa đều đạt 100%. Có hơn 70% đường trục chính nội đồng bảo đảm vận chuyển hàng hóa thuận tiên quanh năm.

Hơn 99% hộ dân được sử dụng điện thường xuyên, an toàn, 100% hộ sử dụng nước hợp vệ sinh (trong đó 95% hộ sử dụng nước sạch), 85,81% người dân tham gia bảo hiểm y tế. Trường học được xây dựng khang trang, xã có 2/2 trường đạt chuẩn quốc gia. Xã thường xuyên phối hợp các ngành chức năng tổ chức các lớp chuyển giao khoa học - kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi, góp phần tạo việc làm ổn định cho người dân. Thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 50,2 triệu đồng/năm vào cuối năm 2020.

Đối với hộ nghèo, xã có những giải pháp thích hợp, xây dựng, nhân rộng các mô hình giảm nghèo hiệu quả, thực hiện tốt chính sách tín dụng đối với hộ nghèo. Công tác dạy nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn được quan tâm, từ đó cải thiện điều kiện lao động, sản xuất, ổn định thu nhập, giảm nghèo bền vững. Đến nay, xã chỉ còn 19/1.146 hộ nghèo, chiếm 1,71%.

Huy động vốn đầu tư kết cấu hạ tầng

Tuy còn nhiều khó khăn nhưng ngân sách nhà nước các cấp vẫn tập trung đầu tư cho nông ngiệp, nông thôn. Đặc biệt, các địa phương trên địa bàn huyện có sự huy động khá tốt nguồn lực của nhân dân tham gia xây dựng nông thôn mới.

Từ đầu năm 2021 đến nay, huyện huy động hơn 100 tỷ đồng (vốn trực tiếp chương trình hơn 9,5 tỷ đồng, vốn lồng ghép gần 86 tỷ đồng, vốn đóng góp của người dân gần 13 tỷ đồng). Đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế  - xã hội (đường giao thông, y tế, giáo dục, thủy lợi...), đào tạo nghề cho lao động nông thôn, vệ sinh môi trường, hỗ trợ phát triển sản xuất...

Nông nghiệp là bệ đỡ cho phát triển kinh tế của địa phương để cùng chung tay xây dựng nông thôn mới. Ảnh. Văn Đát.

Nông nghiệp là bệ đỡ cho phát triển kinh tế của địa phương để cùng chung tay xây dựng nông thôn mới. Ảnh. Văn Đát.

Đến nay, toàn huyện có 5/9 xã đã hoàn thành xây dựng nông thôn mới, các xã còn lại đạt từ 14 - 15 tiêu chí. Hiện xã Khánh Hưng có 15/23 chỉ tiêu, Vĩnh Bình 13/23 chỉ tiêu đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Huyện có 5/10 tiêu chí (5/15 chỉ tiêu) đạt chuẩn huyện nông thôn mới.

Đến tháng 6/202, thu nhập bình quân đầu người đạt 50 triệu đồng/người/năm (9/9 xã đạt), có 5/9 xã đạt TC giao thông. Hệ thống trường lớp được duy tu, sửa chữa thường xuyên nhằm đáp ứng nhu cầu dạy và học, có 5/9 xã đạt chuẩn về tiêu chí trường học, 7/9 xã đạt tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa, 7/9 xã đạt tiêu chí y tế; 9/9 xã đạt tiêu chí điện. Người dân tham gia bảo hiểm y tế là 87,88%, hộ dân được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 99,89%, sử dụng nước sạch 87,53%. Đến nay, khu vực nông thôn của huyện còn 227 hộ nghèo, chiếm 1,85%...

Với mục tiêu phấn đấu, từ nay đến cuối năm 2021, xây dựng  xã Tuyên Bình đạt chuẩn nông thôn mới, các xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới không còn nợ tiêu chí, nhóm xã còn lại có ít nhất 15 tiêu chí đạt chuẩn. Phấn đấu xã Khánh Hưng đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, xã Vĩnh Bình đạt 17/23 chỉ tiêu nông thôn mới nâng cao và huyện duy trì  5/10 tiêu chí nông thôn mới.

Theo Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Hưng - Trần Văn Cường, để thực hiện mục tiêu này, huyện tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho cả hệ thống chính trị và nhân dân về xây dựng nông thôn mới. Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình đã được ghi vốn từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng thiết yếu trên địa bàn xã, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế  - xã hội và tăng hưởng thụ trực tiếp cho cư dân nông thôn.

Tập trung hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, nhất là sản xuất nông nghiệp sạch, an toàn, xây dựng phát triển kinh tế hợp tác, trọng tâm là hợp tác xã. Trong đó, triển khai hiệu quả mô hình sản xuất lúa ứng dụng công nghệ cao và Đề án “Mỗi xã một sản phẩm” để khai thác, phát huy tốt những tiềm năng, lợi thế của huyện. 

Công nhận xã Vĩnh Thuận về đích nông thôn mới. Ảnh: Văn Đát.

Công nhận xã Vĩnh Thuận về đích nông thôn mới. Ảnh: Văn Đát.

Chú trọng  bảo vệ môi trường, tạo cảnh quan nông thôn sáng - xanh - sạch - đẹp. Gắn kết chặt chẽ xây dựng nông thôn mới với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh“. Thực hiện các giải pháp huy động và đa dạng hóa các nguồn vốn thực hiện chương trình, thực hiện lồng ghép hiệu quả các nguồn vốn, tăng cường các hình thức xã hội hóa để thu hút đầu tư vào lĩnh vực bảo vệ và xử lý môi trường, cung cấp nước sạch…

Bảo tồn, phát triển lúa mùa nổi

Để phát triển diện tích trồng lúa mùa nổi ở ĐBSCL, Tập đoàn Lộc Trời cùng với UBND huyện Tân Hưng (Long An) đã ký kết hợp tác sản xuất giống lúa mùa nổi 100ha tại xã Vĩnh Đại, được canh tác theo quy trình bền vững (SRP).

Trước đây, theo phương pháp canh tác truyền thống của bà con, cây lúa mùa nổi tự ngậm sương mà nảy mầm, ngậm nước phù sa từ thượng nguồn mà lớn, hứng nắng trời mà đơm bông, hoàn toàn phó mặc cho tự nhiên. Tuy nhiên, trong kế hoạch liên kết sản xuất  giữa Tập đoàn Lộc Trời và huyện Tân Hưng, việc canh tác lúa mùa nổi của bà con nông dân sẽ có sự hỗ trợ của đội ngũ kỹ sư nông nghiệp, cung cấp các giải pháp, quy trình kỹ thuật canh tác, ứng dụng khoa học kỹ thuật và quản lý đồng ruộng trong suốt quá trình liên kết.

Phát triển cánh đồng lúa mùa nổi ở huyện Vĩnh Hưng. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Phát triển cánh đồng lúa mùa nổi ở huyện Vĩnh Hưng. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Theo đó, diện tích 100ha của bà con nông dân ở ấp Láng Sen và Vĩnh Ân, xã Vĩnh Đại được Tập đoàn Lộc Trời tổ chức gieo sạ giống lúa mùa nổi Nàng Tây Đùm với lượng giống khoảng 80kg/ha bằng thiết bị bay không người lái, thay vì sạ bằng tay như thói quen trước đây của bà con.

Tập đoàn Lộc Trời ký biên bản thỏa thuận bảo đảm tiêu thụ toàn bộ sản lượng sau khi thu hoạch với giá 15.000 đồng/kg tại ruộng. Bên cạnh đó, Tập đoàn Lộc Trời cũng sẽ hỗ trợ đăng lý nhãn hiệu tập thể, mã số vùng trồng, mã vạch truy xuất nguồn gốc, bảo đảm chất lượng lúa và nâng cao thương hiệu của lúa mùa nổi trên thị trường. Ngoài ra, nông dân tham gia mô hình sản xuất lúa mùa nổi còn được Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên thế giới (gọi tắt là WWF) hỗ trợ chi phí 2,2 triệu đồng/ha.

Cây lúa mùa nổi được trồng phổ biến từ thập niên 90 trở về trước ở ĐBSCL cho đến khi bị cây lúa cao sản ngắn ngày thay thế. Nông dân trồng giống lúa này theo phương pháp truyền thống, không phân bón, không thuốc BVTV. Giống lúa này khác hơn với các giống lúa khác là trồng theo mùa nước lũ. Khi lũ từ thượng nguồn đổ về, nước đến đâu cây lúa vươn lóng đến đó. Giống lúa đặc biệt này là giải pháp nông nghiệp bền vững thân thiện với môi trường. Đồng thời tạo sinh kế ổn định cho người dân mỗi mùa nước nổi.

  • Tags:
Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Mô hình tuyến đường kiểu mẫu ở Đồng Tháp

Đồng Tháp Chương trình xây dựng nông thôn mới ở Đồng Tháp góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững, tạo dựng một môi trường sống xanh, sạch, đẹp và văn minh.

Thái Nguyên có 240 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP

Trong số các sản phẩm OCOP của Thái Nguyên, có 155 sản phẩm đạt 3 sao, 83 sản phẩm đạt 4 sao và 2 sản phẩm đạt 5 sao cấp quốc gia.