| Hotline: 0983.970.780

Thứ Bảy 25/11/2017 , 07:24 (GMT+7)

07:24 - 25/11/2017

Ôi chao cái sự 'họp - hành', sao mà tài tình thế chứ!

Được thể lãnh đạo hay phải họp, nên nhân viên, cấp dưới cũng… được nhờ! Còn có lý do gì tốt hơn để “hành” dân bằng lý do “sếp đang bận họp”?

Ngày 22/11 vừa rồi, ông Lê Hoài Trung, Phó Giám đốc Sở Nội vụ TPHCM cho biết, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong đã chính thức ký quyết định lập Ban biên soạn đề án “Chế độ hội họp trong hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước”.

Động thái này của TPHCM nhằm khắc phục tình trạng họp quá nhiều, khiến không ít cán bộ sở, ngành ở đây phải “kêu trời” vì mệt mỏi. Như Dân trí đã đưa tin, Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM, với 4 người trong ban giám đốc, trong 7 tháng đầu năm 2017, lãnh đạo sở này phải dự hơn... 2.000 cuộc họp, bình quân mỗi lãnh đạo sở một ngày phải họp đến 3-4 cuộc, chưa kể họp đột xuất, họp phát sinh.

TPHCM vốn dĩ là một địa phương nổi tiếng là năng động mà còn nặng nề họp hành bàn giấy như thế thì không rõ các địa phương khác như thế nào!? Họp với tần suất dày đặc, đại biểu “vắt chân lên cổ chạy sô”, trộm nghĩ, không hiểu các vị sắp xếp thời gian để đọc tài liệu, lắng nghe phát biểu và tranh luận kiểu gì?

Họp trù bị, họp bàn phương án, họp lấy ý kiến, họp xét tư cách, họp bình bầu, họp triển khai nhiệm vụ, họp sơ kết, họp tổng kết, họp ở hội trường, rồi họp cả bên bàn nhậu… Ôi, họp gì mà họp lắm thế!

Họp hành liên miên mỗi ngày 3-4 cuộc như thế thì đích thị là “thợ họp” chứ chẳng còn là lãnh đạo nữa. Sở, ngành nào, địa phương nào cũng tình trạng họp hành dày đặc vậy thì “đi họp” cũng thành nghề. Đến nhớ tên cuộc họp cũng khó rồi huống chi là đi thực tế để triển khai nội dung, tinh thần cuộc họp?!

Lại nhớ có lần người viết bài này được giao nhiệm vụ phỏng vấn một vị đại biểu dân cử về Luật Quy hoạch. Vừa bước ra khỏi cửa phòng họp, vị đại biểu lúng túng cười trừ: “Đồng chí thông cảm, sáng tới giờ tôi họp hành nhiều quá nên cũng chưa có thời gian nghiên cứu tài liệu”. Nhận được câu trả lời thật thà đó thì cũng đành phải cười trừ “thông cảm” chứ biết làm sao!

Lần khác, khi gọi điện cho một vị lãnh đạo địa phương để hỏi về công tác phòng chống bão, gọi lần nào cũng nhận được câu hỏi “Xin lỗi, tôi đang bận họp”. Không biết họp về nội dung gì, chỉ biết là đến khi bão về thật, địa phương vẫn trở tay không kịp, cây cối ngổn ngang các tuyến đường tận chục ngày sau vẫn chưa được dọn. Chắc cũng lại do lãnh đạo bận họp nhiều quá, nên không còn có thời gian kiểm tra!

Đời làm phóng viên, phải nói thật, sợ nhất là cái câu trả lời “bận họp” mỗi khi có việc liên hệ tới các vị lãnh đạo của các cơ quan chức năng. Cái lý do “họp hành” sao mà tài tình thế chứ! Nghĩa là các vị đi họp chứ các vị đâu có đi chơi, họp thì không chuyện trò, trao đổi gì được, “bận” mà! Nên miễn cho trả lời đi nhé, vội gì thì vội, gấp gì thì gấp… tóm lại là đang họp thì không có thời gian giải quyết việc khác đâu nhé! Một bức bình phong quá an toàn, hoàn hảo!

Được thể lãnh đạo hay phải họp, nên nhân viên, cấp dưới cũng được nhờ! Còn có lý do gì tốt hơn để “hành” dân bằng lý do “sếp đang bận họp”? Này thì xin dấu, này thì xin chữ ký, này thì tiếp dân… dân cứ việc chờ đi dân nhé, lãnh đạo ở đây đi họp hết cả rồi. Mà quy định là không ký thay, không quyết hộ được đâu nhé, phải chờ đúng vị lãnh đạo đó về thì mới giải quyết được (trừ phi dân có phong bì thì…linh động). Quy trình cũng thật tài tình làm sao!

Mà hỡi ôi, tai hại thay cũng là cái sự họp. Thỉnh thoảng anh quay phim nào đó lại “chẳng may” quét góc máy không khéo, thế là mấy triệu khán giả truyền hình lại được dịp tủm tỉm cười vì đâu đó có đôi ba vị đại biểu vẫn “bận”… say giấc nồng trong giờ họp. Chắc là họp nhiều quá, dài quá hay nội dung hóc búa quá làm đại biểu mệt đấy mà!

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm