| Hotline: 0983.970.780

Ổn định nơi ở, tạo sinh kế cho người dân vùng sạt lở

Thứ Bảy 24/12/2022 , 08:18 (GMT+7)

Quảng Nam Người dân vùng có nguy cơ sạt lở không chỉ được chuyển đến tái định cư ở nơi an toàn mà còn được tạo điều kiện phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống.

Nơm nớp nỗi lo mỗi mùa mưa bão

Tỉnh Quảng Nam có 9 huyện miền núi trong đó có những huyện ở vùng núi cao như Nam Trà My, Bắc Trà My, Phước Sơn, Nam Giang, Tây Giang thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai. Loại hình thiên tai phổ biến nhất ở những khu vực này chủ yếu là hiện tượng sạt lở đất.

Các địa phương miền núi của tỉnh Quảng Nam thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai đặc biệt là tình trạng sạt lở. Ảnh: L.K.

Các địa phương miền núi của tỉnh Quảng Nam thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai đặc biệt là tình trạng sạt lở. Ảnh: L.K.

Những năm gần đây, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu cùng các hiện tượng thời tiết cực đoan đã ảnh hưởng nặng nề đến cuộc sống và sản xuất của người dân, gây thiệt hại lớn về tài sản, hạ tầng, giao thông… Điển hình nhất là năm 2020, các vụ sạt lở đất ở xã Trà Leng (huyện Nam Trà My) và xã Phước Lộc, Phước Kim (huyện Phước Sơn) khiến hàng chục người chết và mất tích đến nay vẫn còn chưa hết ám ảnh.

Trước thực tế trên, giải pháp đầu tiên để ứng phó chính là chủ động di dời các hộ dân vùng có nguy cơ cao xảy ra thiên tai đến tái định cư ở những nơi an toàn hơn. Do đó, cần phải rà soát, quy hoạch các điểm tái định cư ở khu vực miền núi, làm cơ sở đầu tư xây dựng các khu, điểm tái định cư phục vụ bố trí dân cư, thích ứng với biến đổi khí hậu cũng như giảm rủi ro thiên tai.

Xác định được vấn đề này, trong giai đoạn vừa qua, các huyện miền núi của tỉnh Quảng Nam đã tiến hành sắp xếp, di dời chỗ ở cho gần 7.000 hộ dân trong đó có trên 2.900 hộ ở những vùng thiên tai cần phải di dời với tổng kinh phí hỗ trợ hơn 349 tỷ đồng. Tỉnh này cũng chi gần 275 tỷ đồng xây dựng 44 khu tái định cư với tổng diện tích hơn 62ha để bố trí chỗ ở cho trên 2.000 hộ dân di dời theo diện tập trung.

Song song với việc bố trí đất tái định cư cho các hộ dân vùng nguy cơ sạt lở thì một vấn đề không kém phần quan trọng là tạo được sinh kế bền vững cho người dân dần ổn định sản xuất. Thực tế cho thấy, nhiều khu tái định cư của tỉnh Quảng Nam khá thành công khi quan tâm, chú trọng đến yếu tố này. Nhờ đó, các hộ gia đình đến nơi ở mới vượt qua những khó khăn ban đầu, từng bước tái thiết cuộc sống.

Hỗ trợ người dân 'an cư lạc nghiệp'

Tại khu tái định cư thôn 2 (xã Phước Kim, huyện Phước Sơn) đến nay đã có gần 50 hộ dân bị sạt lở mất đất, nhà cửa chuyển đến sinh sống. Để đáp ứng nhu cầu cuộ sống của người dân, chính quyền huyện này đã đầu tư xây dựng đầy đủ cơ sở hạ tầng như đường nội bộ, điện thắp sáng, hệ thống nước sạch sinh hoạt, điện lưới quốc gia, nhà sinh hoạt cộng đồng…

Các khu tái định cư cho người dân ở vùng sạt lở và nguy cơ sạt lở được đầu tư hạ tầng đồng bộ, đáp ứng các nhu cầu thiết yếu của cuộc sống. Ảnh: L.K.

Các khu tái định cư cho người dân ở vùng sạt lở và nguy cơ sạt lở được đầu tư hạ tầng đồng bộ, đáp ứng các nhu cầu thiết yếu của cuộc sống. Ảnh: L.K.

Có nhà ở cũng như những điều kiện thiết yếu, bà con nơi đây cũng đã trở lại cuộc sống làm nương rẫy như trước kia khi được bố trí thêm đất sản xuất. Ngoài ra, huyện Phước Sơn cũng hỗ trợ các loại giống cây dược liệu có giá trị như ba kích, đẳng sâm, hướng dẫn kỹ thuật để tạo sinh kế mới, được người dân vùng tái định cư đồng tình đón nhận.

Chị Hồ Thị Lý (trú thôn 2, xã Phước Kim) chia sẻ: “Về đây sinh sống, bà con không phải lo núi bị sạt lở mỗi khi mùa mưa bão đến nữa. Giờ đây, ngoài làm nương rẫy, trồng keo một số người còn có việc làm thêm ở các công trình để kiếm thêm thu nhập cũng như được chính quyền giúp đỡ rất nhiều. Chúng tôi cũng rất mong muốn được cấp thêm đất để sản xuất vì phần lớn diện tích đất canh tác của trước đây đã bị sa bồi thủy phá”.

Còn tại khu tái định cư Bằng La cho người dân bị sạt lở ở Trà Leng, người dân nơi này cũng đã dần vượt qua được nỗi đau mất mát người thân, để ổn định cuộc sống. Với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, sự giúp sức của các mạnh thường quân, những hộ dân được trao tặng các giống cây, con nhằm phát triển trồng trọt, chăn nuôi. Nhờ đó, nhiều gia đình đã bắt đầu có thu nhập.

4 anh em em Hồ Văn Trí, Hồ Văn Đệ, Hồ Văn Trung và Hồ Thị Điệp có cả cha lẫn mẹ mất do thiên tai. Là anh cả, Trí trở thành trụ cột trong gia đình. Thời gian qua, các em được rất nhiều sự quan tâm của các cấp từ xã, huyện, tỉnh cho đến lực lượng Quân Khu 5 cũng như nhiều nhà hảo tâm.

“Giờ mọi chuyện cũng đã qua rồi, em cũng luôn động viên các em tiếp tục học hành nên người để cha mẹ được yên lòng. Bây giờ, mỗi tháng ngoài khoản tiền lương 2 triệu công tác ở xã, em còn tranh thủ những ngày nghỉ, ngày cuối tuần để chăm sóc rẫy quế, cau, và đàn trâu ở vườn cũ. Năm nay, cau được mùa được giá nên cũng mừng”, Trí tâm sự.

Ông Nguyễn Quốc Cường, Chủ tịch UBND xã Trà Leng thông tin, từ khi thành lập làng Bằng La đến nay, để tạo sinh kế cho bà con, xã và nhiều đơn vị đã hỗ trợ các loại cây, con giống như quế, cây ăn quả, bò để bà con phát triển kinh tế. “Tính trung bình, mỗi hộ cũng đã được hỗ trợ khoảng trên 1.000 cây quế để trồng trên diện tích đất canh tác cũ trước đây, cách nơi ở mới từ 3 – 4km. Ngoài ra, một số hộ gia đình có bò giống hỗ trợ bây giờ cũng đã sinh sản. Nhìn chung, cuộc sống của bà con đã ổn định”.

Người dân vùng sạt lở được hỗ trợ các loại cây, con giống để phát triển sản xuất. Ảnh: L.K.

Người dân vùng sạt lở được hỗ trợ các loại cây, con giống để phát triển sản xuất. Ảnh: L.K.

Theo Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Nam, hiện nay nhu cầu sắp xếp, bố trí ổn định dân cư phòng chống thiên tai trên địa bàn 9 huyện miền núi còn khá lớn. Trong giai đoạn 2021 – 2025, tổng số hộ có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi thiên tai cần phải di dời là khoảng trên 2.300 hộ. Qua rà soát, tổng số điểm tái định cư cần xây dựng quy hoạch chi tiết tại 9 huyện miền núi trong giai đoạn này là 57 điểm với tổng diện tích 94,7ha.

Ông Trương Xuân Tý, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Nam cho hay, công tác sắp xếp, bố trí dân cư nói chung và cho vùng thiên tai nói riêng mang lại hiệu quả khi nơi ở mới của người dân được an toàn trong mùa mưa bão, hạn chế rủi ro do thiên tai gây ra đến mức thấp nhất; đời sống và sản xuất ổn định.

Trên thực tế, công tác sắp xếp, bố trí dân cư ở các địa phương thời gian qua chủ yếu thực hiện di dời, bố trí trong địa bàn thôn, một số ít là trong địa bàn xã, nên không làm xáo trộn, ảnh hưởng gì lớn đến đời sống, sản xuất của người dân (người dân tiếp tục sản xuất trên đất mình đang có).

Tuy nhiên, để đời sống, sản xuất của người dân được ổn định và phát triển, cần lồng ghép các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế trên địa bàn để hỗ trợ cho người dân, dựa trên tiềm năng, điều kiện hiện có ở mỗi địa phương.

“Do đó, các địa phương cần lồng ghép nguồn vốn của các chương trình mục tiêu quốc gia và các chính sách khác, nhất là Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi và các cơ chế chính sách khác liên quan đến ngành nông nghiệp như: Cơ chế Bảo tồn và phát triển Quế Trà My; Chính sách khuyến khích hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ nông sản phẩm nông nghiệp; Cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại… để đầu tư các khu tái định cư tập trung, tạo điều kiện thuận lợi trong công tác sắp xếp, ổn định dân cư”, ông Tý nói.

Xem thêm
Ông Đinh Thế Huynh nhận huy hiệu 50 năm tuổi Đảng

Trao quyết định và tặng hoa, ông Trần Cẩm Tú chúc mừng ông Đinh Thế Huynh đón nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng - phần thưởng cao quý của Đảng.

Trang bị kỹ năng tận dụng phụ phẩm nông nghiệp cho nông dân

Trung tâm Khuyến nông Tây Ninh vừa tổ chức lớp tập huấn về 'Quy trình sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng từ phụ phẩm nông nghiệp địa phương'.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Hơi ấm cộng đồng giúp người dân Lục Yên gượng dậy sau bão

Yên Bái Vượt qua những đau thương, mất mát do thiên tai càn quét, những ngày này chính quyền và người dân ở huyện Lục Yên đang gượng dậy khôi phục sản xuất, dựng lại nhà ở.