| Hotline: 0983.970.780

Ông Lại Thế Nguyên nêu vấn đề 'căn cốt' để phát triển nông nghiệp Thanh Hóa

Thứ Sáu 27/12/2024 , 22:00 (GMT+7)

Năm 2024, dù gặp nhiều khó khăn trong sản xuất do thiên tai liên tiếp xảy ra, nhưng ngành nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa vẫn gặt hái được nhiều thành quả đáng ghi nhận.

Ông Cao Văn Cường, Giám đốc Sở NN-PTNT Thanh Hóa phát biểu tại hội nghị. 

Ông Cao Văn Cường, Giám đốc Sở NN-PTNT Thanh Hóa phát biểu tại hội nghị. 

Ngày 27/12, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa (NN-PTNT) tổ chức hội nghị tổng kết công tác năm 2024, triển khai kế hoạch năm 2025. Năm 2024, ngành NN-PTNT triển khai thực hiện nhiệm vụ trong điều kiện cơ bản thuận lợi, không xảy ra dịch bệnh lớn trên cây trồng, vật nuôi. Tốc độ tăng trưởng toàn ngành (VA) đạt 4,17%, vượt 1,17% kế hoạch.

Phát huy kết quả đạt được, năm 2025 ngành NN-PTNT phấn đấu tốc độ tăng trưởng nông, lâm, thủy sản từ 3% trở lên. Để đạt được mục tiêu đề ra, ngành NN-PTNT đề ra 12 nhiệm vụ, giải pháp.

Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, khắc phục các điểm nghẽn để thúc đẩy phát triển toàn diện trên các lĩnh vực. Đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp, hiệu quả, mở rộng sản xuất hàng hóa.

Thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới, nhất là chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo nền tảng phát triển mô hình kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn.

Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện và triển khai có hiệu quả cơ chế, chính sách phục vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới.

Sản xuất nông nghiệp sạch đang mang lại thu nhập cao cho nông dân. Ảnh: Quốc Toản.

Sản xuất nông nghiệp sạch đang mang lại thu nhập cao cho nông dân. Ảnh: Quốc Toản.

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, ông Lại Thế Nguyên, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Thanh Hóa yêu cầu ngành nông nghiệp trong thời gian tới cần tập trung phát triển theo hướng tập trung, chuyên canh quy mô lớn và ứng dụng công nghệ cao. Sản xuất sản phẩm sạch, sản phẩm hữu cơ gắn với chế biến giá trị gia tăng cao. Phát huy tiềm năng lợi thế của từng vùng, từng địa phương để phát triển nông nghiệp.

“Chúng ta không làm việc này theo hướng duy ý chí, mà phải dựa trên cơ sở điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu từng vùng. Phải hình thành các vùng chuyên canh lớn và chỉ có làm lớn mới có điều kiện ứng dụng tiến bộ sản xuất, đưa các giống mới vào canh tác để tăng năng suất chất lượng sản phẩm; làm lớn là tiền đề để truy xuất nguồn gốc hàng hóa, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, tạo điều kiện tiêu thụ hàng hóa. Làm lớn, làm sạch mới có thể tổ chức lại được thị trường tiêu thụ.

Làm lớn mới thu hút được doanh nghiệp chế biến, mới có điều kiện bảo quản sản phẩm, nâng cao chất lượng nông sản. Làm lớn để có điều kiện cơ cấu lại lao động trong ngành nông nghiệp; tạo điều kiện tổ chức lại hình thức sản xuất trong nông nghiệp (tổ hợp tác sản xuất, hợp tác xã)”, ông Nguyên chỉ đạo.

Ông Lại Thế Nguyên yêu cầu cấp ủy, chính quyền cấp huyện tập trung tuyên truyền sâu rộng trong cán bộ, đảng viên và người dân về những định hướng sản xuất nông nghiệp của tỉnh nhằm thay đổi nhận thức, cách làm cho bà con, hợp tác xã, doanh nghiệp nông nghiệp.

“Phải tuyên truyền cho người dân hiểu, vì sao phải sản xuất sạch, sản xuất hữu cơ? Một sào lúa hữu cơ bán giá cao hơn lúa thông thường bao nhiêu tiền? Điều kiện để sản xuất sạch, sản xuất hữu cơ là gì? Bà con nông dân chỉ cần hiểu đơn giản như thế thôi”, ông Nguyên gợi mở.

Ông Lại Thế Nguyên, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Thanh Hóa.

Ông Lại Thế Nguyên, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Thanh Hóa.

Ông Nguyên nhấn mạnh thêm: Lãnh đạo các địa phương xác định rõ về vai trò, vị trí quan trọng của sản xuất nông nghiệp trong phát triển kinh - xã hội, đặc biệt là việc nâng cao đời sống của người dân. Cấp ủy, chính quyền địa phương, nơi có lợi thế về đất đai, phải xác định rõ phát triển nông nghiệp và nâng cao giá trị nông sản là nhiệm vụ quan trọng nhất của địa phương trong thời gian tới.

“Huyện nào cũng quy hoạch làm cụm, khu công nghiệp, nhưng mấy huyện làm xong đâu. Hoặc nếu tìm được nhà đầu tư nhưng làm vài năm không xong mặt bằng. Do vậy, cấp ủy, chính quyền phải xác định sản xuất nông nghiệp là vấn đề quan trọng mang tính chiến lược, đảm bảo sự phát triển bền vững và ổn định của địa phương", ông Nguyên định hướng.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Thanh Hóa yêu cầu, ngay trong năm 2025, các địa phương trong tỉnh, nhất là các huyện trọng điểm về nông nghiệp phải xây dựng ít nhất một mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng quy mô lớn, nông nghiệp sạch và hữu cơ.

“Tại sao huyện Hà Trung phát triển rất tốt mô hình lúa hữu cơ mà nơi khác không làm được? Việc này các địa phương phải xem đó là nhiệm vụ và triển khai nhân rộng. Các huyện phải vận động bà con không bỏ ruộng, không bỏ sản xuất; khắc phục tư tưởng làm 1 vụ trong khi điều kiện cho phép làm 2 vụ và khuyến khích làm vụ đông”, ông Nguyên nói.

Về nhiệm vụ và giải pháp phát triển ngành nông nghiệp theo định hướng chiến lược, ông Nguyên yêu cầu ngành nông nghiệp tập trung tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo phát triển nông nghiệp theo đúng định hướng, trong đó tập trung các giải pháp tích tụ tập trung đất đai, phục vụ sản xuất quy mô lớn không chỉ cây lúa, cây gai, cây sắn…; tham mưu cho tỉnh xây dựng vùng sản xuất sạch, hữu cơ cho các huyện cả về trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản. Phát triển sản xuất cây ăn quả đặc sản trên cơ sở điều kiện, tự nhiên và thổ nhưỡng ở các địa phương.

“Chúng ta không chỉ đạo sản xuất cây ăn quả ồ ạt. Nếu làm như vậy vô tình tạo áp lực cho chính mình, từ đó phải đi “giải cứu” nông sản. Ngành nông nghiệp và các địa phương định cần định hướng trồng cây ăn quả ở những vùng có lợi thế, gắn với thương hiệu, như vùng trồng cam ở Thạch Thành, trồng bưởi Luận Văn ở Thọ Xuân, trồng vải ở Ngọc Lặc", ông Nguyên gợi ý.

Bên cạnh đó, trong chăn nuôi, ngành nông nghiệp tham mưu trên quan điểm chỉ chấp thuận những dự án chăn nuôi gắn với chế biến và bảo đảm môi trường; kiên quyết đóng cửa những cơ sở chăn nuôi gây ô nhiễm môi trường.

Trong nhiệm kỳ 2025 - 2030, ngành nông nghiệp phải tham mưu rõ chức năng, nhiệm vụ các công trình hạ tầng thiết yếu trong sản xuất nông nghiệp; nghiên cứu chính sách phát triển giao thông, thủy lợi nội đồng, phát triển vùng lúa hữu cơ đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất; thúc đẩy thực hiện và hoàn chỉnh bản đồ nông hóa thổ nhưỡng để có định hướng phát triển nông nghiệp.

“Phải tập trung làm xong sớm bản đồ nông hóa thổ nhưỡng. Có làm tốt việc này mới tính được trồng cây gì ở các vùng đất khác nhau. Việc này không khác gì kháng sinh đồ để điều trị bệnh. Đây là vấn đề căn cốt để phát triển nông nghiệp theo hướng khoa học”, ông Nguyên nhấn mạnh.

Xem thêm
Trà Vinh chốt phương án tinh gọn bộ máy và tên gọi khi sáp nhập

Trà Vinh Ngày 27/12, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức Hội nghị tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW và chốt phương án tinh gọn bộ máy và tên gọi khi sáp nhập.

Mức sinh ở Việt Nam giảm 3 năm liên tiếp, dự báo tiếp tục giảm

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết 3 năm liên tiếp mức sinh ở Việt Nam giảm với tốc độ nhanh chóng, đây là mức thấp nhất trong lịch sử.

Nậm Tông hồi sinh giữa lòng núi rừng

Lào Cai Giữa sương mai bồng bềnh, Nậm Tông thức giấc trong ánh vàng dịu nhẹ, những mái nhà mới khoác màu đất ấm áp vẽ nên bức tranh hồi sinh kỳ diệu.