Nhiều vùng đất bị thoái hóa
Ngày 18/8, Sở NN-PTNT Thanh Hóa tổ chức hội thảo “Kết quả xây dựng bản đồ nông hóa phục vụ thâm canh chuyển đổi cơ cấu cây trồng và quản lý sử dụng bền vững tài nguyên đất sản xuất nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa (giai đoạn 1)”.
Tại hội thảo, ông Cao Văn Cường, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Thanh Hóa cho rằng, trong quá trình sản xuất nông nghiệp, con người đã tạo dựng các hệ sinh thái nhân tạo để thay thế những hệ sinh thái tự nhiên, làm giảm tính bền vững. Tốc độ đô thị hoá - công nghiệp hoá diễn ra nhanh chóng và mạnh mẽ; sự gia tăng dân số đã và đang tạo nên những áp lực ngày càng lớn đối vối quỹ đất nông nghiệp. Việc khai thác và sử dụng đất không hợp lý khiến nhiều vùng đất bị thoái hoá, suy giảm độ phì nhiêu, ô nhiễm đất đai ảnh hưởng đến chất lượng và an toàn của nông sản…
Để sử dụng, bảo vệ và quản lý nguồn tài nguyên đất đai một cách có hiệu quả, việc đánh giá chất lượng, mức độ thích hợp đất đai đối với cây trồng có vai trò rất quan trọng trong việc đề xuất sử dụng phân bón, giúp phát huy tối đa tiềm năng đất đai, thúc đẩy sử dụng có hiệu quả và bảo vệ nguồn tài nguyên quý giá này.
Thanh Hóa phấn đấu đến năm 2025, tỷ trọng trồng trọt chiếm 68% trong cơ cấu nông nghiệp, trong đó giá trị công nghệ cao chiếm 50%; cây trồng có giá trị được phát triển theo hướng tập trung, quy mô lớn gắn với các cơ sở chế biến, áp dụng dụng đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật cao, nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh.
Cơ cấu cây trồng chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng lúa, mía, sắn, lạc để tăng diện tích cây ăn quả; tập trung phát triển các sản phẩm có lợi thế (lúa thâm canh năng suất, chất lượng cao; rau an toàn; cây ăn quả…) theo hướng công nghệ cao, gắn với chế biến và xuất khẩu. Sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn công nghệ cao trong trồng trọt đạt 500 triệu đồng trở lên/ha/năm…
Trên cơ sở các mục tiêu đề ra, thời gian qua, các địa phương trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã đẩy mạnh chuyển đổi đất trồng lúa, mía, cao su, sắn… kém hiệu quả sang cây ăn quả và các cây trồng khác có hiệu quả cao hơn (tổng diện tích đã chuyển đổi ước đạt 45 nghìn ha), nhiều đối tượng cây trồng mới có giá trị kinh tế cao, có thị trường tiêu thụ tốt được đưa vào gieo trồng.
Tuy nhiên, chuyển đổi cây trồng chưa gắn với điều kiện thích hợp đất đai, mang tính tự phát; sử dụng phân bón cho cây trồng trong các thời kỳ chưa cân đối, gây lãng phí…, gây nhiều khó khăn trong định hướng phát triển nông nghiệp.
Trước thực trạng trên, năm 2021, Sở NN-PTNT tỉnh Thanh Hóa kết hợp với Viện Thổ nhưỡng Nông Hóa và Viện Môi trường Nông nghiệp (Bộ NN-PTNT) đã thực hiện dự án “Xây dựng bản đồ nông hóa phục vụ thâm canh chuyển đổi cơ cấu cây trồng và quản lý sử dụng bền vững tài nguyên đất sản xuất nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa (giai đoạn 1)”.
Cần giải pháp nâng độ phì nhiêu cho đất
Trong giai đoạn 1, dự án triển khai trên địa bàn 9 huyện có quy mô diện tích đất nông nghiệp lớn gồm Lang Chánh, Bá Thước, Thạch Thành, Cẩm Thủy, Như Thanh, Như Xuân, Thường Xuân, Yên Định, Hà Trung. Đến tháng 7/2022, dự án đã hoàn thành và đánh giá được hiện trạng chất lượng đất, hiện trạng sản xuất, phân tích những tiềm năng, hạn chế đối với sản xuất nông nghiệp, xây dựng bản đồ thổ nhưỡng, sự thích nghi của cây trồng chủ lực, đề xuất được định hướng cơ cấu cây trồng, xây dựng Webgis phục vụ quản lý sản xuất.
Cơ cấu cây trồng tại 9 huyện nằm trong dự án khá đa dạng bao gồm các nhóm cây trồng chính như lương thực, hoa màu, cây công nghiệp ngắn ngày, cây công nghiệp dài ngày, cây ăn quả và cây dược liệu. Nhóm cây ăn quả và cây dược liệu có xu hướng tăng diện tích. Cây công nghiệp dài ngày (cao su, keo) và cây hàng năm khác (sắn, mía) có xu hướng giảm dần và chuyển dịch dần diện tích sang cây công nghiệp ngắn ngày như gai xanh, cây ăn quả, chanh leo… Năng suất, sản lượng các cây trồng chủ yếu vẫn còn ở mức trung bình thấp so với mặt bằng chung của cả nước.
Việc sử dụng phân vô cơ bón cho cây trồng vẫn chưa cân đối và hợp lý, bón nhiều đạm, thừa lân và kali ở một số diện tích thâm canh cao, phân hữu cơ ít được sử dụng dẫn đến năng suất cây trồng chưa cao, gây lãng phí và ô nhiễm môi trường. Các xã vùng cao mức độ đầu tư phân bón thấp hơn vùng đồng bằng.
Các loại hình sử dụng đất khá đa dạng với 10 loại sử dụng đất và 50 kiểu sử dụng đất phổ biến. Trong đó, loại hình đạt hiệu quả kinh tế và khả năng sử dụng đất bền vững ở mức cao ở các nhóm cây ăn quả, cây dược liệu, cây công nghiệp dài ngày (gai xanh, mắc ca). Loại hình cây ăn quả được đầu tư phát triển theo định hướng phát triển kinh tế chung của tỉnh và đang cho thấy hiệu quả nổi bật về mặt kinh tế.
Một số loại cây trồng đang có hiệu quả kinh tế thấp (sao su, sắn, mía, lúa, rau màu…), cần có những định hướng để chuyển đổi cơ cấu sang các loại cây trồng khác có hiệu quả kinh tế cao hơn.
Trên cơ sở phân tích, đánh giá với tổng diện tích 102,8 nghìn ha đất sản xuất nông nghiệp, dự án đề xuất giữ nguyên 37,29 nghìn ha đất lúa; 17,4 nghìn ha đất ngô và cây hàng năm khác. Diện tích cây nguyên liệu (sắn, mía, dứa…) đề xuất bố trí với tổng số khoảng 12,3 nghìn ha, một phần diện tích có năng suất thấp đề xuất chuyển đổi sang cây ăn quả có hiệu quả kinh tế cao hơn; bố trí cây ăn quả 18,306 nghìn ha... Bố trí cây gai xanh với tổng diện tích 4,11 nghìn ha ở tất cả 9 huyện. Nhóm cây dược liệu bố trí diện tích vào khoảng 442ha...
Đề án cũng đề xuất một số biện pháp nhằm bảo vệ và nâng cao độ phì nhiêu cho đất như áp dụng cơ giới hóa, các tiến bộ khoa học kỹ thuật, sử dụng phân bón cân đối…
“Việc hoàn thành bản đồ nông hóa sẽ giúp các địa phương tránh được tình trạng chuyển đổi cây trồng một cách tự phát. Các doanh nghiệp khi đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp sẽ coi đây là cuốn cẩm nang để mạnh dạn xúc tiến mà không cần mất quá nhiều thời gian cho việc khảo sát. Đây là tiền đề để Thanh Hóa đẩy mạnh thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp”, ông Cao Xuân Cường, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Thanh Hóa nói.