| Hotline: 0983.970.780

Ông Thuật "bắn tinh bò"

Thứ Sáu 01/02/2013 , 10:16 (GMT+7)

Ông Thuật làm nghề thụ tinh nhân tạo cho bò nên bà con gọi là "bắn tinh bò" cho dễ nhớ.

Ai có dịp về thăm xã Phú Đông và một vài xã lân cận như Vạn Thắng, Phong Vân, Phú Cường (Ba Vì, Hà Nội) nếu hỏi thăm về chăn nuôi sẽ được bà con chăn nuôi giới thiệu ngay về một người với cái tên thân thuộc như “Ông Thuật bắn tinh bò”, “Ông Thuật bò sữa” “Ông Thuật Thú y”; thậm chí có người còn gọi vui “Giáo sư Thuật”.

Ông Thuật làm nghề thụ tinh nhân tạo cho bò nên bà con gọi là "bắn tinh bò" cho dễ nhớ. Quả thật khi tiếp xúc với ông mới thấy cái chất của một con người say mê gắn bó với nghề chăn nuôi cùng nông dân gần 30 năm. Cho đến bây giờ ở cái tuổi gần 60, song ông vẫn gắn bó với bà con chắc khó được nghỉ ngơi. Năm 1984 rời quân ngũ với tấm thẻ thương binh hạng 2/4, ông về quê bắt đầu bằng nghề chăn nuôi để phát triển kinh tế gia đình.  

Chăn nuôi luôn gắn với thú y phòng trị dịch bệnh, có lẽ duyên với nghề bắt đầu từ đó, ông đi học sơ cấp thú y rồi trung cấp thú y, với tinh thần trách nhiệm cao, lòng say mê nghề nghiệp, sau khi đi học về ông được xã giao trách nhiệm chung với vai Trưởng thú y xã, rồi Trưởng ban chăn nuôi thú y xã.  

Điều đáng ghi nhận là đầu những năm 2000 khi Nhà nước có chương trình cải tạo đàn bò (sind hóa đàn bò), ông là một trong những cán bộ thú y được đi đào tạo nghề thụ tinh nhân tạo (TTNT) để phục vụ bà con chăn nuôi. Cái nghề quả thật khó, nếu ai không có tính kiên trì chắc bỏ nghề vì nghề này đòi hỏi sự khéo léo, cẩn thận, am hiểu sâu về kỹ thuật và lòng nhiệt huyết, đam mê mới theo được.


Ông Thuật đo trọng lượng bò lai

Thực hiện chương trình sind hóa đàn bò thời điểm 2001 - 2005, hàng ngày ông cứ trên từng cây số đi phối giống bò cho bà con trên địa bàn các xã Phú Đông, Phong Vân, Vạn Thắng, Tòng Bạt… vừa làm vừa tuyên truyền, vừa giải thích nên dần dần, bà con cũng hiểu và áp dụng phương pháp lai TTNT. Đến nay các xã trên đã có đàn bò với trên 70% là bò lai Sind, 20 % giống bò nhóm Zeebu khác, đây cũng là cơ sở rất tốt để đưa nhanh bò giống mới chất lượng cao vào thực tiễn SX nâng cao hiệu quả chăn nuôi.  

Từ năm 2008,  Hà Nội tiếp tục thực hiện chương trình cải tạo giống bò bằng việc đưa giống chất lượng cao Droughmater, Brahman, BBB… thông qua việc hỗ trợ miễn phí cho bà con chăn nuôi khi áp dụng phương pháp lai TTNT. Ông là người tiên phong đi đầu trong việc tuyên truyền vận động bà con và trực tiếp hành nghề. Kết quả những năm qua, đặc biệt trong năm 2012 bằng kỹ thuật của mình ông đã trực tiếp phối giống bằng phương pháp lai TTNT cho gần 700 con bò cái sinh sản (bình quân gần 60 con/tháng) tăng trên 100 con so cùng kỳ năm 2011. 

Với con số này cũng sẽ chứng minh có trên 600 hộ dân ông đã trực tiếp đến tận nhà để giúp bà con. So với đồng nghiệp số bò trên chưa phải là lớn song cái lớn mà ông đã đem lại là niềm vui cho mỗi gia đình chăn nuôi bởi bê sinh ra từ phương pháp lai TTNT có ưu điểm nổi trội so với bê lai từ phương pháp lai trực tiếp. Bê lớn nhanh, khỏe mạnh, nếu như trước đây bà con cho bò nhảy trực tiếp bê sinh ra chỉ đạt 15 - 18 kg thì giờ đây khi bà con áp dụng phương pháp lai này bê sinh ra đạt 23 - 28 kg. Bê tăng trọng nhanh ở 3 tháng tuổi đạt trên 80 - 100 kg, 6 tháng tuổi đạt 140 - 160 kg, bê lai có ngoại hình đẹp, người dân có thể giữ lại làm giống hoặc nếu bán bao giờ cũng có giá cao hơn 2 - 3 triệu đ/con.  

Bà con nào có điều kiện khi nuôi bê 1 năm tuổi có giá bán cao hơn cả chục triệu đồng so với trước đây. Với hiệu quả như vậy nên người chăn nuôi ở khu vực đều áp dụng phương pháp lai TTNT cho bò, ông có thêm việc, mỗi ngày lại "trên từng cây số" nhiều hơn.  

Ông vui lắm vì được đưa tiến bộ KHKT vào thực tiến SX để nâng cao hiệu quả chăn nuôi, điều mà trước đây còn khó thực hiện. Trao đổi với chúng tôi ông bộc bạch, trước đây làm công tác TTNT khó lắm bởi kỹ thuật đòi hỏi cao, nhiều người làm nhưng tỷ lệ đạt thấp, người dân lại mất tiền công giống như cho bò phối giống trực tiếp nên người dân không mặn mà.  

Hơn nữa việc tuyên truyền, nhất là chất lượng bê sinh ra người dân chưa có điều kiện để so sánh nên chưa áp dụng nhiều. Thậm chí có tâm lý lo khi TTNT sẽ hỏng bò vì trên thực tế áp dụng chỉ đạt tỷ lệ phối giống trên 80%, còn bò nhảy trực tiếp đạt trên 90%.  

Từ khi Hà Nội có chính sách hỗ trợ miễn phí cho người chăn nuôi khi áp dụng phương pháp lai TTNT (năm 2010), bên cạnh đó các cơ quan chuyên môn làm tốt công tác tuyên truyền, đào tạo tập huấn kỹ thuật. Đặc biệt khi TP đưa giống bò chất lượng cao (Droughmaster, Brahman, BBB ..) vào thực tế SX có bê sinh ra hiệu quâ hơn hẳn so với trước đây thì nhận thức của người dân đã thay đổi hẳn.  

Điều này cũng được khẳng định chính sách đẩy mạnh công tác TTNT lầ hoàn toàn phù hợp thực tiễn SX phát huy hiệu quả cao trong chăn nuôi. Cá nhân ông mỗi năm phối giống cho khoảng 700 con bò có nghĩa là cũng gần 700 con bê thời gian tới sẽ ra đời, tính bình quân giá bán cao hơn bình thường khoảng 2,5 triệu đ/con thì đã có gần 2 tỷ đồng mang lại cho những hộ dân trên khi áp dụng phương pháp lai TTNT.  

Ông vui vì nhận thức của bà con về TTNT bò đã thay đổi, vui vì làm được những việc nho nhỏ mang lại hiệu quả kinh tế cho người chăn nuôi. Vui vì cũng là 1/90 dẫn tinh viên của Hà Nội đã đóng góp cho chương trình cải tạo đàn bò, hàng năm có gần 20 ngàn con bê chất lượng cao ra đời, thúc đẩy chăn nuôi phát triển.  

Cái được là vậy song mỗi nghề đều có những cái khó riêng đó là bất kể thời gian, đêm hôm khi nhận được tin báo là ông phải ‘lên đường đi hành nghề” ngay bởi đặc tính và tập tính bò phối tinh phải đúng thời điểm mới đậu thai. Ông kể với chúng tôi có hôm đến hộ chăn nuôi 10h đêm nhưng khi kiểm tra phải đợi khoảng 2 giờ sau “bắn tinh” mới đảm bảo hiệu quả (đậu thai). Có những con bộ máy sinh dục không bình thường lại phải chữa trị mới phối tinh được.  

Thời tiết bình thường thì chẳng phải nói gì, song có những ngày mưa giá rét, đường xa vài chục cây số mà bà con đã gọi thì không đi không được. Ngại lắm chứ nhưng cái nghề đã gắn vào máu thịt của ông rồi, ông lại sẵn lòng phục vụ để niềm vui được nhân lên mỗi khi có con bê chất lượng cao ra đời.  

Bên cạnh những kết quả cá nhân đạt được, ông còn là người được ghi nhận là luôn có tinh thần đồng đội và chăm lo cho phong trào chung của TP cũng như ở địa phương. Ông đã tham gia 2 cuộc thi dẫn tinh viên giỏi, 1 cuộc thi “Hoa hậu bò”, 1 cuộc thi người chăn nuôi bò sữa giỏi do TP tổ chức.  

Ở mỗi cuộc thi ông đều đạt giải cao được các cấp các ngành ghi nhận. Ông luôn sẵn lòng nhận giúp đỡ, đào tạo tập huấn cho những người mới hành nghề, những người làm chuyên môn còn non về nghiệp vụ. Mỗi người qua ông đào tạo truyền đạt kinh nghiệm đều đã trưởng thành và có những người hiện đã thành những dẫn tinh viên giỏi.  

Bên cạnh cái nghề “bắn tinh bò” ông cũng là người chăn nuôi bò sữa giỏi. Ông đang nuôi 8 con bò sữa, trong đó 5 con đang khai thác sữa và xây dựng luôn trạm thu gom sữa để giúp bà con chăn nuôi đỡ phải mang đi nhập sữa xa. Do sẵn có kinh nghiệm nên đàn bò sữa của ông lúc nào cũng béo khỏe, sản lượng sữa cao, hàng ngày có ông trên 100 lít sữa bán cho Cty cổ phần sữa Quốc tế IDP, thu nhập từ chăn nuôi bò sữa cũng đạt gần chục triệu đồng trong tháng.  

Những năm qua, nghề chăn nuôi bò sữa đã có thu nhập ổn định, mang lại hiệu quả kinh tế cao, ông động viên bà con mạnh dạn đầu tư. Hiện xã ông đã có 8 hộ nuôi với trên 50 bò sữa, năm 2013 sẽ có trên 100 con bò sữa và nhiều hộ phát triển chăn nuôi ra ngoài khu dân cư theo chủ trương của TP.   

Con trai lớn của ông, sau khi tốt nghiệp đại học đã trở về địa phương công tác, kế cận ông giữ chức Trưởng ban Chăn nuôi thú y xã Phú Đông. Hy vọng lớp trẻ sẽ phát huy tốt những gì mà lớp trước đã để lại trong chương trình phát triển chăn nuôi của địa phương.

Với gần 30 năm trong nghề thú y, ông còn được mệnh danh có “bàn tay vàng” về phẫu thuật bò bởi trong chăn nuôi bò sữa, bò thịt nhiều khi phải can thiệp ngoại khoa  (mổ lấy thai, nghẽn dạ lá sách, hecni…). Ông nhanh nhẹn, có kỹ thuật lại khéo tay nên những ca phẫu thuật của ông đa số thành công nên luôn được bà con tin gọi để can thiệp khi gặp khó. 

Nhìn lại gần 30 năm gắn bó với nghề, tâm sự với chúng tôi ông cảm động mà bộc bạch, đúng là vất vả lắm nhưng thấy vui vì luôn được bà con tin yêu, vui vì giờ đây Nhà nước, TP đang có nhiều chính sách để khuyến khích phát triển, đưa tiến bộ KHKT vào nâng cao hiệu quả chăn nuôi.

Giờ đây đã ở tuổi sắp phải nghỉ ngơi nhưng với lòng nhiệt huyết với nghề ông sẵn lòng và lấy công việc thành công làm nguồn động viên cho chính mình. Ông cũng thường truyền lửa cho lớp trẻ, cái nghề này đòi hỏi phải có cái tâm và lòng nhiệt huyết mới thành công. 

Cá nhân ông cũng thấy vui hơn sau bao năm công hiến với nghề, ông được nhiều bằng khen giấy khen của ngành cũng như của để phương mà như ông nói đó là tài sản cho các cháu. Ông cũng dành cái tâm, kinh tế gia đình để nuôi 2 cháu vào đại học và cho 1 cháu kế nghiệp ông.

Xem thêm
Người làm nên thương hiệu 'heo say xỉn'

NINH BÌNH Mấy năm nay tôi không thể vào một trại lợn nào vì chủ trại phòng dịch rất nghiêm, thế mà anh Nga bảo vào thoải mái, lao động ở đây còn thường xuyên về nhà.

Chú trọng tiêm vacxin, chống buôn lậu trước mùa nguy cơ dịch bênh

Chỉ đạo hoạt động của ngành thú y, chăn nuôi thời gian tới, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh công tác kiểm soát dịch bệnh bằng vacxin và phòng chống buôn lậu.

Chuyện của Madam Hương Coffee và cà phê đặc sản dưới tán rừng

QUẢNG TRỊ Cây cà phê từng khiến chị rơi vào cảnh trắng tay. Nhưng cũng nhờ trồng và chế biến cà phê đặc sản dưới tán rừng, chị đã tìm lại chính mình.

Triển vọng kinh tế xanh từ phế phụ phẩm ngành sắn

TÂY NINH Tây Ninh là thủ phủ cây sắn của cả nước, các phế phụ phẩm ngành sắn đang được địa phương này tận dụng triệt để, hướng tới kinh tế xanh và tuần hoàn, bền vững.