| Hotline: 0983.970.780

Bầu cử Tổng thống Mỹ

Ông Trump và bà Harris làm gì trước ngày bỏ phiếu?

Thứ Hai 04/11/2024 , 15:36 (GMT+7)

Trong ngày cuối cùng trước Ngày Bầu cử, bà Kamala Harris sẽ chỉ vận động ở bang chiến trường quan trọng nhất trong khi ông Donald Trump có mặt tại 3 bang dao động.

Ứng viên đảng Dân chủ Kamala Harris sẽ dành cả ngày 4/11 tại Pennsylvania, bang dao động quan trọng nhất với 19 phiếu đại cử tri. Phó Tổng thống sẽ đến thăm các khu vực thuộc tầng lớp lao động bao gồm Allentown và kết thúc bằng một cuộc vận động tranh cử lớn ở Philadelphia có sự tham dự của nữ ca sĩ Lady Gaga và người dẫn chương trình Oprah Winfrey.

Trong khi đó, ông Donald Trump có kế hoạch tham dự 4 cuộc vận động tranh cử ở 3 bang khác nhau. Bắt đầu bằng cuộc vận động ở Raleigh, Bắc Carolina và sau đó dự 2 cuộc vận động ở các thành phố Reading và Pittsburgh của bang Pennsylvania. Cựu Tổng thống sẽ kết thúc chiến dịch tranh cử của mình như 2 cuộc vận động tranh cử trước đó vào năm 2016 và 2020 bằng một sự kiện tại Grand Rapids, Michigan, vào tối 4/10.

Khoảng 77 triệu người Mỹ đã bỏ phiếu sớm, nhưng bà Harris và ông Trump đang nỗ lực để giành thêm hàng triệu lá phiếu trong ngày 5/11, khi người dân chính thức đi bầu. Dù ai giành chiến thắng trong cuộc đua năm nay, đây vẫn sẽ là cuộc bầu cử mang tính lịch sử đối với nước Mỹ.

Nếu ông Trump giành chiến thắng, ông sẽ trở thành Tổng thống đầu tiên bị truy tố và kết án trọng tội sau phiên tòa về vụ "chi tiền bịt miệng" ở New York. Nếu đắc cử, ông sẽ có quyền chấm dứt các cuộc điều tra liên bang khác nhắm vào ông. Ông Trump cũng sẽ trở thành Tổng thống thứ hai trong lịch sử nước Mỹ lãnh đạo 2 nhiệm kỳ không nối tiếp nhau, sau Grover Cleveland vào cuối thế kỷ 19.

Nếu bà Harris đắc cử, bà sẽ trở thành người phụ nữ đầu tiên, người phụ nữ da màu đầu tiên và người gốc Nam Á đầu tiên đến Phòng Bầu dục, 4 năm sau khi bà vượt qua mọi định kiến để trở thành Phó Tổng thống của ông Joe Biden.

Bà Harris đã được trao đề cử của đảng Dân chủ sau khi Tổng thống Biden có màn tranh luận "thảm hại" trước ông Trump và bị gây áp lực phải dừng tranh cử. Tuy nhiên, đây chỉ là một trong những diễn biến hấp dẫn trong cuộc bầu cử năm nay.

Ông Trump thoát chết trong một vụ ám sát ở Butler, Pennsylvania hồi tháng 6, khi viên đạn bay sượt qua tai lúc ông quay người để đọc tài liệu. Các mật vụ bảo vệ ông tiếp tục ngăn chặn một âm mưu ám sát thứ 2 vào tháng 9 khi phát hiện một tay súng ẩn nấp tại nơi ông Trump chơi golf ở Florida.

Bà Harris, 60 tuổi, đã hạn chế nói về lý do bà được lựa chọn tham gia tranh cử, điều về bản chất là do Tổng thống Biden tuyên bố dừng tranh cử do các vấn đề tuổi tác. Thay vào đó, bà Harris đã tự giới thiệu mình là "một sự chuyển giao thế hệ", nhấn mạnh sự ủng hộ của bà đối với quyền phá thai sau quyết định năm 2022 của Tòa án Tối cao và thường xuyên lên án vai trò của ông Trump trong vụ tấn công Điện Capitol ngày 6/1.

Với một liên minh gồm nhiều nhân vật nổi tiếng ở cả hai đảng, từ những người cấp tiến như Hạ nghị sĩ Alexandria Ocasio-Cortez của New York đến cựu Phó Tổng thống Cộng hòa Dick Cheney, bà Harris đã gọi ông Trump là "mối đe dọa đối với nền dân chủ" và trong giai đoạn cuối của chiến dịch tranh cử thậm chí còn công nhận những chỉ trích cho rằng ông Trump là "kẻ theo chủ nghĩa phát xít".

Đến ngày 4/11, bà Harris hầu như không còn công kích ông Trump trước các cử tri. Bà cam kết sẽ giải quyết nhiều vấn đề và tìm kiếm sự đồng thuận, điều này có vẻ gợi lại những ngày đầu khi bà bắt đầu tranh cử với khẩu hiệu "Chính trị của Niềm vui" và "Tự do".

"Ngay từ đầu, chiến dịch của chúng tôi đã không phải là nhằm chống lại một thứ gì đó, mà đó là về việc ủng hộ một điều gì đó," bà Harris phát biểu tối 3/11 tại Đại học Bang Michigan.

Tiếp tục với khẩu hiệu "Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại" và "Nước Mỹ trên hết", ông Trump đã sử dụng lập trường cứng rắn vấn đề nhập cư và những phát ngôn công kích bà Harris và ông Biden là "vũ khí chính" khi tranh cử lần thứ 3. Ông chỉ trích đảng Dân chủ đã gây ra lạm phát, đồng thời cam kết sẽ đưa nền kinh tế Mỹ vào "thời kỳ hoàng kim", chấm dứt các cuộc xung đột trên thế giới và siết chặt kiểm soát biên giới phía nam.

Tuy nhiên, ông Trump cũng thường xuyên tỏ ra bất bình sau khi bị truy tố vì cố gắng đảo ngược kết quả cuộc bầu cử năm 2020 và liên tục chỉ trích ông Biden đã khiến nước Mỹ trở thành một "quốc gia thất bại". Hôm 3/11, ông đã nhắc lại việc có gian lận trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, đùa cợt về việc hành hung các nhà báo và nói rằng ông "không nên rời khỏi Nhà Trắng vào năm 2021".

Cuộc bầu cử năm nay có thể sẽ được quyết định bởi 7 bang chiến trường. Ông Trump đã giành chiến thắng ở Pennsylvania, Michigan và Wisconsin vào năm 2016, nhưng các bang này lại chuyển sang ủng hộ ông Biden vào năm 2020. Ông Trump thắng ở Bắc Carolina 2 lần và thua ở Nevada 2 lần. Ông đã giành chiến thắng ở Arizona và Georgia vào năm 2016 nhưng lại để thua đảng Dân chủ vào năm 2020.

Chiến dịch tranh cử của bà Harris đã thể hiện sự tự tin trong những ngày gần đây, chỉ ra sự chênh lệch giới tính lớn trong dữ liệu bỏ phiếu sớm và cho rằng các cử tri bỏ phiếu muộn đã ảnh hưởng số liệu của bà.

Cuối tuần qua, chiến dịch tranh cử của bà Harris cũng tuyên bố đã huy động được hơn 90.000 tình nguyện viên giúp cử tri đi bỏ phiếu và gõ cửa hơn 3 triệu ngôi nhà trên khắp các bang chiến trường để vận động bỏ phiếu cho bà. Tuy nhiên, các trợ lý của bà Harris cho rằng bà vẫn yếu thế trước ông Trump.

Đội ngũ của Trump cũng đã thể hiện sự lạc quan về khả năng giành chiến thắng, cho rằng sức hút của cựu Tổng thống sẽ giành được sự ủng hộ của nhiều cử tri trẻ tuổi và tầng lớp lao động ở mọi nhóm sắc tộc.

Ông Trump cũng có thể thu hút được một liên minh đặc biệt ủng hộ đảng Cộng hòa, ngay cả khi các nhóm có truyền thống ủng hộ đảng này, đặc biệt là nhóm cử tri có trình độ đại học, đang nghiêng về đảng Dân chủ hơn.

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Israel tấn công trả đũa nhắm vào các mục tiêu quân sự của Iran

Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) sáng 26/10 tuyên bố đã tiến hành ‘các cuộc tấn công chính xác vào các mục tiêu quân sự’ ở Iran.

Tổng thống Putin xác nhận việc sản xuất hàng loạt tên lửa Oreshnik mới

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 22/11 xác nhận quyết định cho phép bắt đầu sản xuất hàng loạt hệ thống tên lửa siêu vượt âm Oreshnik mới.

Nga: Cây cầu 60 tấn bị trộm đem bán phế liệu

Cảnh sát Nga đang điều tra vụ trộm một cây cầu đường sắt khổng lồ ở phía tây đất nước dường như đã được bán phế liệu với giá chỉ hơn 15.000 USD.