Đại sứ Nga tại Liên hợp quốc Vassily Nebenzia cho biết, Giám đốc điều hành UNICEF Catherine Russell, một người Mỹ, đã thông báo cho hội đồng gồm 15 thành viên về tình hình trẻ em ở Ukraine vào tháng 12.
"Có vẻ như đối với UNICEF, trẻ em ở Gaza ít quan trọng hơn trẻ em ở Ukraine", ông Nebenzia nói.
Nga bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine vào tháng 2/2022 và cuộc xung đột giữa 2 nước nổ ra kể từ đó. Cuộc chiến ở Dải Gaza giữa Israel và phong trào Hamas bắt đầu vào tháng 10/2023 và lệnh ngừng bắn đã có hiệu lực hôm 19/1.
"Việc người đứng đầu UNICEF từ chối thông báo cho Hội đồng Bảo an về thảm kịch khủng khiếp liên quan đến cái chết của hàng chục nghìn trẻ em ở Gaza là một hành động sai trái, đáng bị chúng ta chỉ trích mạnh mẽ", ông Nebenzia nói với hội đồng.
Bà Russell đang tham dự Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos, Thụy Sĩ với trọng tâm là giải quyết các cuộc khủng hoảng nhân đạo và không thể điều chỉnh lịch trình của mình để thông báo cho Hội đồng Bảo an, một phát ngôn viên của UNICEF cho biết.
"Bà Russell đã đề nghị Giám đốc Tình trạng khẩn cấp thay mặt bà đưa ra tuyên bố của mình", phát ngôn viên của UNICEF cho biết. "Giám đốc điều hành UNICEF đã thông báo cho Hội đồng Bảo an nhiều lần về tình hình trẻ em ở Gaza và đánh giá cao sự quan tâm của Hội đồng đối với trẻ em bị ảnh hưởng bởi chiến tranh."
Ông Nebenzia còn cáo buộc Washington phải chịu trách nhiệm về những trẻ em thiệt mạng ở Gaza sau khi Mỹ sử dụng quyền phủ quyết để bảo vệ Israel trong cuộc xung đột. Ông cũng cho rằng, Mỹ đã phớt lờ lời kêu gọi của Nga về một cuộc họp về trẻ em Gaza vào tháng 12/2024.
Quyền Đại sứ Mỹ Dorothy Shea bác bỏ cáo buộc của ông Nebenzia. "Cáo buộc cho rằng Mỹ phải chịu trách nhiệm về sự đau khổ khủng khiếp ở đó là không thể chấp nhận được đối với chúng tôi và chúng tôi bác bỏ cáo buộc này", bà nói với hội đồng.
Giám đốc viện trợ của Liên hợp quốc Tom Fletcher đã thông báo về cuộc họp của Hội đồng Bảo an hôm 23/1 qua video từ Stockholm. Ông đánh giá 15 tháng vừa qua của cuộc chiến ở Gaza: "Nhiều trẻ em đã thiệt mạng do bom đạn, chết đói và chết rét".
"Nhiều đứa trẻ đã bị tàn tật, mồ côi, chia cắt khỏi gia đình. Ước tính sơ bộ cho thấy, hơn 17.000 trẻ em không có gia đình ở Gaza", ông nói. "Một thế hệ đã bị hủy hoại".
Theo lệnh ngừng bắn, Liên hợp quốc và các tổ chức khác đang thực hiện một đợt viện trợ nhân đạo tới Gaza.