Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos, Thụy Sĩ hôm 21/1, bà von der Leyen cho biết, trước năm 2022, EU đã nhận được 45% nguồn cung cấp khí đốt và 50% than từ Nga, đồng thời Moscow là một trong những nhà cung cấp dầu lớn nhất của khối. "Năng lượng này có vẻ rẻ, nhưng điều này khiến chúng ta có nguy cơ bị tống tiền", bà nói.
Bà Von der Leyen tiếp tục cáo buộc rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin "cắt nguồn cung cấp khí đốt của chúng tôi" sau khi cuộc xung đột ở Ukraine nổ ra vào tháng 2/2022.
"Nhập khẩu khí đốt của chúng tôi từ Nga đã giảm khoảng 75%. Và bây giờ chúng tôi chỉ nhập khẩu từ Nga 3% lượng dầu và dừng hoàn toàn việc nhập khẩu than", bà nói. Đồng thời, bà von der Leyen thừa nhận rằng việc mất nguồn cung của Nga đã làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng năng lượng. "Tự do phải trả giá. Các hộ gia đình và doanh nghiệp đã chứng kiến chi phí năng lượng cao ngất ngưởng và hóa đơn cho nhiều người vẫn chưa giảm", bà nói.
EU đã áp đặt hàng loạt các biện pháp trừng phạt đối với Nga, nhắm vào ngành công nghiệp của nước này, cũng như các lĩnh vực năng lượng và tài chính. Vào năm 2022, Nga đã tạm dừng dòng chảy khí đốt đến Đức thông qua đường ống Nord Stream 1, với lý do bảo trì định kỳ và các vấn đề với việc cung cấp thiết bị do phương Tây sản xuất do các lệnh trừng phạt.
Vào tháng 9/2022, 2 đường ống Nord Stream, chạy qua biển Baltic, đã bị phá hoại. Mặc dù không bên nào lên tiếng thừa nhận thực hiện vụ phá hoại này, nhưng Moscow đã cáo buộc rằng Mỹ và Anh đứng đằng sau vụ tấn công. Cả London và Washington đều phủ nhận cáo buộc có liên quan.
Trong bài phát biểu tại Davos, bà von der Leyen lập luận rằng EU có thể thay thế tiếp tục nguồn cung từ Nga bằng năng lượng tái tạo và năng lượng hạt nhân. "Chúng tôi sẽ phải đầu tư vào các công nghệ năng lượng sạch thế hệ mới, như nhiệt hạch, địa nhiệt và pin thể rắn", người đứng đầu Ủy ban châu Âu nói.
Hungary và Slovakia đã liên tục kêu gọi Brussels xem xét lại chính sách trừng phạt của mình và tìm kiếm một giải pháp ngoại giao cho cuộc xung đột ở Ukraine.
Vào ngày 1/1, Ukraine đã ngừng trung chuyển khí đốt của Nga đến các nước EU thông qua đường ống từ thời Liên Xô, do Kiev đã quyết định không gia hạn thỏa thuận với tập đoàn khí đốt Gazprom của Nga. Thủ tướng Slovakia Robert Fico đe dọa sẽ đình chỉ viện trợ nhân đạo và cắt nguồn cung cấp điện cho Ukraine nếu Kiev nối lại hoạt động trung chuyển khí đốt.