"Tôi nghĩ rằng khoản viện trợ này sẽ thực sự củng cố lực lượng vũ trang và chúng ta sẽ có cơ hội chiến thắng nếu Ukraine thực sự có được các hệ thống vũ khí hiện đại, thứ mà chúng ta đang rất thiếu", ông Zelensky trả lời phỏng vấn đài NBC hôm 21/4. Tổng thống Ukraine cũng kêu gọi Mỹ hoàn tất việc thông qua luật này càng sớm càng tốt để bắt đầu gửi thêm vũ khí cho Ukraine.
Ông Zelensky đưa ra phát biểu trên chỉ một ngày sau khi Hạ viện Mỹ thông qua dự luật cho phép viện trợ thêm 61 tỷ USD cho Kiev. Viện trợ cho Ukraine đã liên tục bị cản trở tại Quốc hội Mỹ kể từ tháng 10/2023, khi nhiều nhà lập pháp đảng Cộng hòa lo ngại rằng Washington không có một chiến lược cụ thể để giúp Ukraine giành chiến thắng hay chấm dứt xung đột.
Dự luật sẽ tiếp tục được Thượng viện Mỹ bỏ phiếu trong ngày 23/4 và sau cùng được Tổng thống Joe Biden ký ban hành luật.
"Chúng tôi muốn nhận được khoản viện trợ sớm nhất có thể để các binh sĩ trên tiền tuyến sớm nhận được hỗ trợ, chứ không phải trong 6 tháng nữa", nhà lãnh đạo Ukraine nói. Ông cũng đặc biệt yêu cầu gửi thêm các hệ thống phòng không và tên lửa tầm xa, cho rằng Lực lượng Vũ trang Ukraine đang chịu tổn thất lớn do thiếu cả hai loại vũ khí này.
"Chúng tôi cần vũ khí tầm xa để giảm tổn thất trên tiền tuyến vì chúng tôi đã chịu nhiều thương vong do không thể tấn công các mục tiêu ở xa", ông nhấn mạnh rằng việc càng trì hoãn gửi viện trợ sẽ dẫn đến nhiều thương vong hơn. "Nếu nửa năm nữa chúng tôi mới nhận được viện trợ, cuộc chiến của chúng tôi sẽ bị đình trệ trong nửa năm và sẽ thất bại trên nhiều phương diện. Chúng tôi sẽ phải chịu nhiều tổn thất về người và trang thiết bị", ông Zelensky nói.
Tuy nhiên, ông Zelensky thừa nhận rằng chiến thắng của Kiev hiện vẫn chưa thể được đảm bảo. "Bây giờ chúng ta có cơ hội để ổn định tình hình. Có rất nhiều biến số, rất nhiều yếu tố", ông Zelensky nói. Ông tiếp tục loại trừ khả năng đàm phán với Moscow, tuyên bố rằng cả Tổng thống Vladimir Putin hay bất kỳ quan chức cấp cao nào của Nga đều không đáng tin.
Gói viện trợ mới được Hạ viện Mỹ thông qua sẽ không chỉ gửi vũ khí mới cho các đồng minh. Theo tờ Politico, 23 tỷ USD trong gói viện trợ sẽ được dùng để bổ sung cho các kho dự trữ vũ khí của Mỹ từng được sử dụng để cung cấp vũ khí cho Ukraine.
Theo Guardian, chỉ có khoảng 14 tỷ USD sẽ được chuyển đến Sáng kiến Hỗ trợ An ninh Ukraine, quỹ được Lầu Năm Góc sử dụng để mua các hệ thống vũ khí mới cho Kiev từ các nhà thầu quốc phòng Mỹ. Ngoài ra, một khoản viện trợ trị giá 10 tỷ USD khác được chỉ định là một khoản vay nhằm xoa dịu các thành viên đảng Cộng hòa.
Sau khi gói viện trợ của Mỹ được Hạ viện thông qua, Moscow đã nhắc lại tuyên bố cho rằng Washington đang khiến Kiev "chiến đấu đến người Ukraine cuối cùng" với vũ khí của mình. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cũng nói rằng Mỹ cuối cùng sẽ phải đối mặt với một "thất bại lớn và nhục nhã như cuộc chiến ở Afghanistan".