Đại diện Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) tối 31/7 cho biết đã báo cáo liên bộ về việc giá bán lẻ đang thấp hơn giá cơ sở 900 đồng mỗi lít xâng và hơn 500 đồng mỗi lít dầu.
Trao đổi với PV tối 31/7, ông Trần Ngọc Năm Phó tổng giám đốc tập đoàn cho biết, giá xăng dầu thành phẩm tăng trở lại nên Petrolimex cũng báo cáo về chênh lệch giữa giá bán lẻ và cơ sở để Bộ Tài chính xem xét quyết định. "Mức đề nghị tương đương các doanh nghiệp nhỏ đã đề xuất", ông Năm khẳng định.
Lãnh đạo Petrolimex cũng cho hay, hiện chênh lệch giữa giá cơ sở và bán lẻ hiện hành đối với mặt hàng xăng - dầu lần lượt là trên 900 đồng và hơn 500 đồng mỗi lít.
Tại buổi họp báo Chính phủ chiều cùng ngày, Thứ trưởng Tài chính Vũ Thị Mai khẳng định, căn cứ vào chênh lệch giữa giá cơ sở và giá bán lẻ hiện hành doanh nghiệp có thể tự quyết định thời điểm điều chỉnh giá xăng dầu. Đồng thời, Thứ trưởng cũng nhắc lại, theo Thông tư 234 và Nghị định 84, thời gian tăng giảm giữa hai lần tối thiểu là 10 ngày, căn cứ vào chênh lệch giữa giá cơ sở và giá bán lẻ hiện hành. "Doanh nghiệp được quyền quyết định nhưng biên độ điều chỉnh không vượt quá 7%", bà Mai nhấn mạnh.
Giá xăng tăng gần đây nhất vào ngày 20/7
Trước khi tăng giá xăng dầu, doanh nghiệp phải đăng ký giá với cơ quan quản lý giá của Bộ Tài chính. Trong trường hợp cần thiết, liên Bộ Tài chính - Công Thương sẽ có biện pháp như dùng quỹ bình ổn.
Như vậy nếu có được phép tăng lúc này, giá bán xăng RON 92 cũng sẽ không thể cao hơn 22.500 đồng mỗi lít.
"Ông lớn" Petrolimex đề xuất tăng giá đúng 11 ngày sau lần tăng gần nhất và chỉ vừa vặn hơn một ngày so với quy định về khoảng thời gian tối thiểu giữa hai lần điều chỉnh.
Cuối tuần trước, một số đơn vị kinh doanh nhỏ đã rập rịch đề xuất tăng giá 400-500 đồng mỗi lít nhằm bù lỗ trong khi các doanh nghiệp cỡ vừa và lớn vẫn ở trạng thái "để thế đã". Một số đơn vị nhỏ cho rằng mức tăng 300-400 đồng hôm 20/7 chưa đủ bù lỗ và doanh nghiệp phải đối mặt với nguy cơ nhiều đại lý xin đóng cửa vì định mức hoa hồng thấp.
Còn Petrolimex, doanh nghiệp chiếm khoảng 60% thị phần xăng dầu VN, cho hay, mặc dù giá thế giới sau ngày 20/6 giảm 2-3 đôla mỗi thùng nhưng so sánh giá cơ sở vẫn cao hơn giá bán lẻ hiện hành.
Trên thị trường thế giới, ngày 31/7, giá dầu thô dao động khoảng 89,37- 90,09 đôla mỗi thùng, tăng nhẹ so với mức 89,61 đôla ngày hôm trước. Giá dầu Brent mở cửa ở mức 106,12 đôla và có lúc lên tới 106,44 đôla cao hơn 1 đôla so với ngày hôm qua.
Trong 10 ngày nay, giá dầu thô và Brent lên xuống thất thường. Sau khi tăng tới 92,65 USD mỗi thùng vào ngày 19/7 (một ngày trước khi Việt Nam tăng giá bán lẻ), dầu thô lại đảo chiều xuống còn 88,07 USD (ngày 23/7) và tăng trở lại trong 7 ngày sau đó.
Tại thị trường Singapore, nơi cung ứng chính cho Việt Nam, giá xăng RON 92 hôm 30/7 chốt 115,47 USD một thùng. Các sản phẩm dầu DO 0,05S là 122,93 USD một thùng; dầu hỏa 121,25 USD một thùng. Mặt bằng giá này vẫn thấp hơn so với thời điểm Việt Nam tăng giá bán lẻ hôm 20/7, khi đó giá xăng RON 92 lên đến 117,45 USD một thùng.
Biểu đồ giá xăng dầu thành phẩm tạiSingapore, thị trường nhập khẩu chính của Việt Nam. Nguồn: Petrolimex
Sau 5 lần giảm giá liên tiếp, tổng cộng 3.200 đồng mỗi lít, giá xăng bất ngờ tăng trở lại 400 đồng ngày 20/7. Đây cũng là lần đầu tiên các doanh nghiệp được trao quyền chủ động ấn định giá, thay vì phải điều chỉnh theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước.
Sản phẩm | Giá hiện hành (đơn vi: đồng/lit hoặc kg) |
Xăng RON 95 | 21.500 |
Xăng RON 92 | 21.000 |
DO 0,05S | 20.300 |
DO 0,25S | 20.250 |
Dầu hỏa | 20.150 |
(Theo VnExpress)