Về nguyên tắc, dữ liệu ra đề thi Ngữ văn năm nay không sai. Văn bản được chọn tuân thủ đúng những yêu cầu khoa học. Dư luận đang hiểu lầm gây ảnh hưởng tâm lý đối với thí sinh.
Đề thi Ngữ văn 2016
Đề thi có sai sót?
Dư luận và các cơ quan báo chí xôn xao trong trích đoạn bài thơ Tiếng việt của nhà thơ Lưu Quang Vũ của đề thi môn Ngữ văn kỳ thi THPT Quốc gia 2016 có sai sót. Cụ thể, trong đề thi môn Ngữ văn sáng 2/7 ra, phần Đọc hiểu, có đoạn:
“... Chưa chữ viết đã vẹn tròn tiếng nói/ Vầng trăng cao đêm cá lặn sao mờ/ Ôi tiếng Việt như bùn và như lụa/ Óng tre ngà và mềm mại như tơ”.
Trong khi đó, dư luận cho rằng, nguyên bản đoạn thơ phải là:
“... Chưa chữ viết đã vẹn tròn tiếng nói/ Vầng trăng cao đêm cá lặn sao mờ/ Ôi tiếng Việt như đất cày, như lụa/ Óng tre ngà và mềm mại như tơ”.
Có ý kiến cho rằng, đây là sai sót rất khó chấp nhận ở một kỳ thi tầm quốc gia, được tổ chức và chuẩn bị công phu như thế này”. Thậm chí, còn có người lo lắng, sai sót tạo ra nhiều hệ lụy cho việc làm bài của thí sinnh cũng như công tác chấm thi sau này.
Trên trang cá nhân của mình, Nhà văn Nguyễn Quang Vinh nêu ý kiến: “Tôi chờ đợi lãnh đạo Bộ Giáo dục trong chương trình thời sự tối nay (2/7) và cả trên báo chí, công khai xin lỗi cố nhà thơ Lưu Quang Vũ, xin lỗi các thí sinh.
Nguy hại là, nếu theo câu thơ trong đề, với thứ từ ngữ được thay thế rất phản cảm và đen tối, học sinh sẽ “ngân nga” thế nào về tiếng Việt? Và ai là tác giả của đề thi này liệu có dám công khai khấu đầu tạ lỗi?”
Ông Vinh đặt câu hỏi thêm: Không thể hiểu làm cách nào ba chữ “như đất cày” lại trở thành “như bùn”. Lại còn dám thay dấu phẩy bằng chữ “và”, với văn chương, đặc biệt với thơ, dấu phẩy thậm chí là tài năng... của nhịp điệu.
Đề thi không sai
Trao đổi với NNVN, PGS.TS Lưu Khánh Thơ (Viện Văn học), em gái cố Nhà thơ Lưu Quang Vũ, đồng thời là người biên soạn Tuyển thơ “Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi”, NXB Hội Nhà văn – Công ty Văn hóa Nhã Nam, cho rằng Đề thi không sai.
Bà Lưu Khánh Thơ xác nhận trên thực tế song song tồn tại hai văn bản thơ có những chữ khác nhau “như bùn” và “như đất cày”. Lý giải nguyên nhân, bà Lưu Khánh Thơ cho biết, khi in lần đầu tiên trên báo Văn nghệ, nhà thơ Phạm Tiến Duật đã biên tập và sửa thành “như bùn”. Từ đó, trên nhiều sách báo đều sử dụng văn bản trên báo Văn nghệ.
“Cho đến khi làm Tuyển thơ, gia đình căn cứ vào bản thảo viết tay của anh Vũ còn lưu giữ được, chúng tôi đã phục nguyên văn bản bài thơ theo đúng bản gốc”, bà Thơ chia sẻ.
PGS.TS Lưu Khánh Thơ còn cho biết thêm: Câu kết của bài thơ “Tiếng Việt ơi tiếng Việt xót xa tình” cũng được Nhà thơ Phạm Tiến Duật biên tập thành “Tiếng Việt ơi tiếng Việt ân tình”.
Đánh giá về việc sử dụng văn bản bài thơ trong Đề thi Ngữ văn (2016), PGS.TS Lưu Khánh Thơ khẳng định: “Đề thi không sai. Việc sử dụng văn bản thơ có dẫn nguồn là đúng”.
Bài thơ trong Tuyển thơ Lưu Quang Vũ