| Hotline: 0983.970.780

Phải biết chịu đau để lập lại kỷ cương

Thứ Năm 08/01/2015 , 13:56 (GMT+7)

“Nước Nga chúng tôi có nhiều băng và nước đá nên không cần nhập thêm nước đá từ Việt Nam”, một quan chức Liên bang Nga phản ứng gay gắt khi tỉ lệ mạ băng trong cá tra fillet nhập khẩu vào nước này cao bất thường./ Cá tra có sớm thoát “cục nước đá”?

Gần đây nhất, ngày 23, 24/10/2014, Tổng vụ Sức khỏe và Bảo vệ người tiêu dùng của Ủy ban châu Âu hội bàn về chất lượng thực phẩm đã đem chuyện mạ băng cá tra của Việt Nam ra “bêu” như một ví dụ điển hình…

Bên ngoài gió lạnh tăng cường nhưng trong phòng hội nghị triển khai Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 12 năm 2014 về việc thực hiện Nghị định 36 nuôi, chế biến và xuất khẩu cá tra do Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Vũ Văn Tám chủ trì vẫn không giảm đi sức nóng.

Với thành phần mời là Tổng cục Thủy sản, Cục Quản lý chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản (Bộ NN-PTNT), Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), Hiệp hội Cá tra Việt Nam, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (Vasep), chuyện mạ băng và hàm ẩm của miếng phi lê cá tra được đem ra “mổ xẻ” dưới nhiều góc độ.

Tỷ lệ này ở một ngưỡng quá mức cũng tương tự như bơm nước vào trâu bò hay nhét tạp chất vào tôm nhằm tăng trọng lượng hòng gian lận thương mại.

Sau hơn một thập kỷ ngành hàng cá tra của Việt Nam đã phát triển nhanh và mạnh. Từ chỗ chỉ sản xuất 100.000 tấn nay đã vươn tới 1,1-1,2 triệu tấn. Từ chỗ chỉ xuất khẩu vài chục triệu USD nay đã xuất khẩu 1,8 tỉ USD. Từ chỗ hầu như chỉ tiêu thụ trong nước nay đã xuất vào hơn 100 nước và vùng lãnh thổ.

Thế nhưng cùng với những ưu điểm đó ngành hàng này đang bộc lộ những nhược điểm khó bào chữa. Thứ nhất là giá bán sản phẩm ngày càng giật lùi, từ 3,6-3,7 USD/kg xuống còn 2,6-2,7 USD/kg làm cho hiệu quả sản xuất đi xuống. Thứ hai là cá tra Việt Nam ngày càng nhận được nhiều lời phàn nàn về chất lượng, nhất là về hàm ẩm và mạ băng. Có những nhận xét như “vỗ mặt”.

Nghị định 36 ra đời hòng vực dậy ngành hàng sản xuất cá tra theo hướng phát triển bền vững từ tất cả các khâu nuôi, chế biến đến xuất khẩu.

Quy định về tỷ lệ mạ băng cũng như hàm ẩm của cá tra phi lê đông lạnh trong nghị định này cũng là để hướng đến phát triển sản phẩm chất lượng cao, xây dựng một hình ảnh đẹp cho con cá tra Việt Nam.

Thế nhưng nó cũng nhận về rất nhiều ý kiến trái chiều. Vasep phản ứng mạnh, một số địa phương phản ứng mạnh khiến cho Chính phủ phải ban hành Nghị quyết 101 đồng ý lùi thời gian thực hiện điểm B, điểm C của điều 6 trong nghị định (quy định về hàm lượng ẩm trong sản phẩm cá tra phi lê đông lạnh không được vượt quá 83%, tỷ lệ mạ băng không được vượt quá 10%).

Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy sản Phạm Anh Tuấn: “Giảm tỷ lệ mạ băng, hàm ẩm không phải chuyển đổi công nghệ chế biến gì ghê gớm và tốn kém nên khác biệt có chăng ở yếu tố giá bán. Người tiêu dùng cần phải được tuyên truyền rằng đây là một sản phẩm chất lượng cao, khác cái cũ để chấp nhận giá bán mới. Việc lùi áp dụng hai khoản trong Nghị định 36 không phải là một chiến thắng của các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu. Nếu tôi là giám đốc doanh nghiệp tôi sẽ ủng hộ nghị định này vì đó là ủng hộ cho sự phát triển lâu dài. Chúng ta không thể mãi bán một sản phẩm chất lượng thấp như vậy được”.

Theo ông Phạm Anh Tuấn - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, nếu áp dụng các điểm trên thì doanh nghiệp sẽ gặp phải vài khó khăn như chuyển dịch mặt hàng từ thấp lên chất lượng cao hơn đòi hỏi phải thay đổi về quy trình sản xuất, về phát triển thị trường, về sự chấp nhận cũng như quy mô thị trường. Thế nên có nhiều ý kiến trái chiều từ phía doanh nghiệp cũng là một điều hết sức bình thường.

Cái đó thể hiện một là sự nhận thức ngắn hạn hai là sự hiểu biết chưa được đầy đủ. Cũng theo ông Tuấn, giá bán cá tra thấp hiện nay là hậu quả của một quá trình chúng ta tranh mua, tranh bán.

Giá thấp tất yếu sẽ tạo ra những sản phẩm chất lượng thấp với giá thành thấp để phù hợp. Thế nên việc xây dựng lại hình ảnh cá tra bằng sản phẩm giá cao đòi hỏi một quá trình phát triển lại thị trường. Tín hiệu là rất khả quan. Cả EU và Mỹ đều hoan nghênh nhiệt liệt.

Trả lời câu hỏi về liệu chuyện áp dụng Nghị định 36 sẽ khiến cho nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa không thì ông Tuấn khảng khái mà rằng đóng cửa trong sản xuất kinh doanh hoàn toàn có thể xảy ra nên phải làm rõ số lượng, quy mô của họ như thế nào.

Trả lời về chuyện liệu có sửa các điểm B, C trong Nghị định 36 hay không thì ông khẳng định: Phải đánh giá đầy đủ giá thành, hiệu quả kinh tế cũng như khả năng của thị trường để có cơ sở cho các quyết định, giải pháp tiếp theo.

Các chỉ tiêu về hàm ẩm, mạ băng đó hoàn toàn phù hợp về mặt cơ sở khoa học. Chúng ta phải hướng đến sản phẩm cá tra chất lượng cao hơn…

Thứ trưởng Vũ Văn Tám: “Cần làm rõ trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, các địa phương cũng như các hiệp hội ngành hàng trong việc triển khai nghiêm túc các nội dung của Nghị định 36”.

Kết luận hội nghị, Thứ trưởng Vũ Văn Tám cho rằng cần thời gian cho lộ trình chuyển tiếp phù hợp nên việc lùi lại hai điểm trong Nghị định 36 thể hiện rằng Chính phủ biết lắng nghe doanh nghiệp và các địa phương.

Về chủ trương, Nghị định 36 hướng tới xây dựng thương hiệu cho cá tra, lấy chất lượng làm trọng và kiên quyết chống gian lận thương mại. Chúng ta nên hướng tới lợi ích của người tiêu dùng chứ không chỉ là lợi ích của nhà nhập khẩu hay của một nhóm doanh nghiệp nào đó.

Trong thời gian tới, theo Thứ trưởng Vũ Văn Tám, Tổng cục Thủy sản cần phối hợp với Cục Quản lý chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản có văn bản hướng dẫn các địa phương cũng như doanh nghiệp triển khai Nghị định 36.

Cần sớm hoàn thiện đề tài nghiên cứu cơ sở khoa học của hàm ẩm, mạ băng, sau khi có kết quả thì công bố công khai trên truyền thông để định hướng nhận thức. Cần tiến hành nghiên cứu giá thành sản xuất theo hai phương thức chế biến cũ và mới.

Cần tăng cường xúc tiến thương mại ở các thị trường trọng điểm, các hội chợ lớn, các phương tiện truyền thông nước ngoài. Cần nâng cao trách nhiệm của các hiệp hội và các đơn vị của Bộ NN-PTNT cũng như các Bộ liên quan để làm sao sau 1 năm nữa Nghị định sẽ thực sự đi vào cuộc sống.

Xem thêm
Tiêu thụ điện lập kỷ lục mới trong những ngày đầu nghỉ lễ

Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), sản lượng tiêu thụ điện ngày cả nước và công suất cực đại hệ thống điện đã đạt kỷ lục mới.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Chọn nhân sự ‘dám nghĩ, biết làm’, Dabaco đặt kế hoạch lợi nhuận 729 tỷ đồng

Trong bối cảnh chính trị, kinh tế thế giới và trong nước nhiều biến động khó lường, cùng mục xuyên suốt là 3F, năm 2024 Dabaco sẽ chọn lựa nhân sự ‘dám nghĩ, biết làm'.

Những gương mặt 'vàng' trong danh sách trả nợ trái phiếu doanh nghiệp bất động sản

Năm 2024, hơn 90 doanh nghiệp bất động sản có trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn với tổng nợ vay gần 100.000 tỷ đồng. Trong đó, nhiều 'ông lớn' có nợ tới hàng nghìn tỷ.