| Hotline: 0983.970.780

'Phải có chiến lược quốc gia xây dựng thương hiệu nông sản Việt'

Chủ Nhật 06/06/2021 , 07:43 (GMT+7)

'Phải có chính sách căn cơ, nếu không, với thực trạng 'vàng thau lẫn lộn' hiện nay thì rất khó cho nông sản', bà Nguyễn Thị Thành Thực, Chủ tịch Công ty Bagico Bắc Giang.

Doanh nhân Nguyễn Thị Thành Thực, Chủ tịch Công ty Bagico Bắc Giang. Ảnh: Tùng Đinh.

Doanh nhân Nguyễn Thị Thành Thực, Chủ tịch Công ty Bagico Bắc Giang. Ảnh: Tùng Đinh.

Cần một giải pháp căn cơ, dài hơi

Là doanh nghiệp thường xuyên xuất khẩu các mặt hàng nông sản sang thị trường Trung Quốc, bà có thể cho biết dịch bệnh gây những khó khăn, tác động thế nào tới hoạt động xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc?

Trước tiên phải khẳng định một điều, nếu nói đến những khó khăn trong xuất khẩu nông sản thì suốt bao năm nay, không chỉ khi có dịch bệnh thì vẫn khó khăn và luẩn quẩn hết nơi này đến nơi khác.

Khi dịch bệnh xảy ra, rào cản đầu tiên và lớn nhất đối với tiêu thụ nông sản chính là vấn đề phòng dịch, và việc phải tạo cho người tiêu dùng một cảm giác thực sự an toàn. Quá trình xuất khẩu hàng hóa từ con người, phương tiện đến những thùng hàng… đều có thể trở thành nguồn lây nhiễm bệnh. Dù là xuất khẩu hay ở thị trường trong nước thì người ta đều mang tâm lý như vậy.

Rào cản thứ hai chính là việc trong thị trường nội địa đang tồn tại quá nhiều quy định chồng chéo. Ví dụ như khi dịch bệnh bùng phát, Trung ương chỉ đạo không ngăn sông cấm chợ để lưu thông hàng hóa. Thế nhưng để phòng chống dịch, mỗi tỉnh, thành phố sẽ có những quy định giao trách nhiệm cho lãnh đạo các địa phương. Các lãnh đạo sẽ bắt buộc phải ưu tiên chống dịch trước nếu không sẽ phải chịu trách nhiệm.

Khó khăn thứ ba là công tác truyền thông thúc đẩy tiêu thụ nông sản gặp khó khăn do dịch bệnh. Chỉ mình báo hay đài của địa phương cung cấp thông tin là không đủ. Các cơ quan truyền thông ở xa hoặc lo sợ dịch bệnh không dám tới hoặc tới cũng không đủ điều kiện để truyền thông hết được do yếu tố dịch bệnh. Truyền thông rộng rãi ngoài việc giúp người tiêu dùng yên tâm, đó còn là kinh nghiệm để chia sẻ cho những địa phương khác.

Dịch bệnh Covid-19 làm ảnh hưởng đến vụ thu hoạch vải ở Bắc Giang hiện nay đang đi vào chính vụ. Ảnh: Tùng Đinh.

Dịch bệnh Covid-19 làm ảnh hưởng đến vụ thu hoạch vải ở Bắc Giang hiện nay đang đi vào chính vụ. Ảnh: Tùng Đinh.

Từ thực tiễn trong hoạt động xuất khẩu mặt hàng trái cây sang thị trường Trung Quốc, bà có thể cho biết kinh nghiệm để chúng ta vừa đảm bảo được công tác xuất khẩu, vừa đảm bảo phòng chống dịch bệnh?

Với mỗi doanh nghiệp, nếu chỉ sản xuất trong khuôn viên nhà máy thì rất đơn giản nhưng đối với nông sản lại khó hơn rất nhiều vì liên quan đến nhiều yếu tố khác nhau. Để có thể xuất khẩu được thì phải đảm bảo được an toàn cho người tiêu dùng, nhất là ở trong vùng dịch thì càng phải có những điểm thu mua cụ thể, được lựa chọn kĩ. Những điểm thu mua ấy phải đảm bảo được an toàn dịch bệnh.

Đặc biệt cần có những xưởng sơ chế để xử lý dịch bệnh. Thời điểm hiện nay chúng ta không thể nói trước được tình hình dịch bệnh sẽ diễn biến như thế nào, đó không chỉ là dịch bệnh trên người mà còn là sâu bệnh trên nông sản. Chính vì vậy, không chỉ để đáp ứng yêu cầu của những thị trường khó tính như Nhật Bản, Mỹ, Châu Âu… mà thị trường nội địa cũng cần yêu cầu việc đầu tư xưởng sơ chế và xử lý dịch bệnh.

Đó phải là một chính sách rất căn cơ, nếu không, với thực trạng “vàng thau lẫn lộn” như hiện nay thì sẽ rất khó cho nông sản của chúng ta.

Bà có đề xuất giải pháp nào để tháo gỡ những khó khăn trong xuất khẩu nông sản trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay?

Để có được những giải pháp mang tính căn cơ và dài hơi thì cần phải quản lý được thị trường, có quy hoạch về sản xuất và cơ chế một cách bài bản. Vấn đề ở đây là phải có một chiến lược quốc gia về xây dựng thương hiệu cho nông sản Việt.

Khi có chiến lược quốc gia về xây dựng thương hiệu thì thương hiệu sẽ là gốc rễ.

Không phải nhãn hiệu mà thương hiệu của nông sản Việt phải đến từ quy trình sản xuất, trồng trọt đến chế biến, quản lý thị trường, tiêu chuẩn hàng hóa.

Nếu không đảm bảo được những yếu tố căn cơ đó thì nông sản sẽ gặp phải hết rắc rối này đến trục trặc khác trong quá trình tiêu thụ.

Cơ hội cho nông sản Việt

Thưa bà, trong bối cảnh thế giới đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, nếu đảm bảo được vấn đề an toàn và biết nắm bắt thì nông sản Việt có cơ hội như thế nào trên thị trường quốc tế?

Hiện nay, dịch bệnh Covid-19 là một làn sóng khủng khiếp càn quét trên toàn thế giới. Với những nhu cầu khác thì con người có thể trì hoãn nhưng với nhu cầu về thực phẩm thì chỉ có thể giảm trong giai đoạn nhất định mà vẫn thiếu hụt.

Việc dịch bệnh Covid-19 bùng phát trên toàn thế giới, làm ảnh hưởng tới nguồn cung lương thực chính là cơ hội để nông sản Việt Nam vươn lên khẳng định vị thế trên thị trường quốc tế. Ảnh: Phạm Hiếu.

Việc dịch bệnh Covid-19 bùng phát trên toàn thế giới, làm ảnh hưởng tới nguồn cung lương thực chính là cơ hội để nông sản Việt Nam vươn lên khẳng định vị thế trên thị trường quốc tế. Ảnh: Phạm Hiếu.

Đối với Việt Nam thì đó chính là cơ hội. Minh chứng rõ ràng nhất là việc nông nghiệp vẫn tăng trưởng tốt do nhu cầu lương thực của thế giới hiện nay đang rất lớn. Ngay lúc này, chúng ta cần phải thay đổi một cách căn cơ để nắm bắt được cơ hội xây dựng thương hiệu. Nếu Chính phủ có những quyết định sáng suốt, Bộ ngành chỉ đạo quyết liệt thì chắc chắn Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội để quảng bá nông sản Việt trong những thời điểm như hiện nay.

Ngoài ra, việc dịch bệnh bùng phát cũng khiến những yêu cầu về nông sản của chúng ta cần chặt chẽ, sát sao và an toàn hơn. Đó cũng là cơ hội để chúng ta thay đổi những tư duy, nhận thức của người dân và doanh nghiệp.

Xin chân thành cảm ơn bà!

Xem thêm
Việt Nam - bang California tăng cường hợp tác thực hành nông nghiệp bền vững

Ngày 16/5 (giờ địa phương), Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam gặp mặt và làm việc với Bộ Lương thực và Nông nghiệp bang California, Hoa Kỳ (CDFA).

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Hai cá thể khỉ vàng mò vào vườn nhà dân

LÀO CAI Sau khi bắt được hai cá thể khỉ trong vườn, người dân đã bàn giao cho Hạt Kiểm lâm huyện Bảo Thắng để đưa về trung tâm chăm sóc.

Cựu binh Đồi A1 & ký ức 'máu trộn bùn non'

Tròn 70 chiến thắng Điện Biên Phủ nhưng những đồng đội, những nắm cơm, những chiến hào 'máu trộn bùn non'… vẫn còn mãi trong tâm trí nhà giáo ưu tú Đỗ Ca Sơn.