| Hotline: 0983.970.780

Phải đưa giá lợn xuống dưới 70.000 đồng/kg

Thứ Năm 12/03/2020 , 13:54 (GMT+7)

Tập quán của người Việt, trong rổ thức ăn thì đến 70% là thịt lợn. Qua dịch tả lợn châu Phi rồi, cần đưa ra giá bán phù hợp.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường chủ trì Hội nghị thúc đẩy sản xuất nông nghiệp trong điều kiện dịch Covid-19 tại Hà Nội. Ảnh: Minh Phúc.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường chủ trì Hội nghị thúc đẩy sản xuất nông nghiệp trong điều kiện dịch Covid-19 tại Hà Nội. Ảnh: Minh Phúc.

Phải đưa giá lợn xuống dưới 70.000 đồng/kg

"Ngay sau cuộc họp này, chúng ta phải đưa giá lợn xuống dưới 70.000 đồng/kg", Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường phát biểu kết luận Hội nghị thúc đẩy sản xuất nông nghiệp trong điều kiện dịch Covid-19 tại Hà Nội.

Tập quán của người Việt, trong rổ thức ăn thì đến 70% là thịt lợn. Qua dịch tả lợn châu Phi rồi, cần đưa ra giá bán phù hợp.

Tại hội nghị hôm nay, 17 doanh nghiệp lớn về thịt lợn cần có vai trò dẫn dắt. Các đơn vị này vào cuộc, thì bắt buộc doanh nghiệp nhỏ lẻ phải đi theo. Làm được điều này chính là bảo đảm phát triển bền vững, không thể làm ăn kiểu chụp giật, nay lãi mai mất thị trường.

"Nếu cứ để đắt đỏ, người dân và xã hội sẽ quay lưng với thịt lợn. Họ sẽ quay ra ăn thịt gà, thịt bò, trứng", người đứng đầu ngành Nông nghiệp cảnh báo. "Mục tiêu cuối cùng là phát triển bền vững, công bằng".

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường kết luận, với tình hình biến đổi khí hậu, dịch bệnh như hiện nay, con đường duy nhất là liên kết chế biến, trồng nguyên liệu, phát triển theo chuỗi. Ảnh: Minh Phúc.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường kết luận, với tình hình biến đổi khí hậu, dịch bệnh như hiện nay, con đường duy nhất là liên kết chế biến, trồng nguyên liệu, phát triển theo chuỗi. Ảnh: Minh Phúc.

Lương thực, thực phẩm phải tích cực nhất để đáp ứng mục tiêu kép. ĐBSCL đã thu hoạch 1,1 triệu ha, năng suất bình quân hơn 9 tấn/ha. Hạn mặn như thế mà tổng thể vẫn được mùa.

Nam Trung bộ, Tây Nguyên bình quân 6-7 tấn/ha. Ở miền Bắc, lúa đang làm đòng, tổng thể rất đẹp.

Nguyên vụ 1 năm nay chúng ta đạt khoảng 20 triệu tấn lúa. Thách thức của chúng ta là vụ hè thu ở Nam Trung bộ, Tây Nguyên. Nếu có sự đồng hành, chắc chắn sẽ có giải pháp. Nếu không đạt 43-44 triệu tấn lương thực, không thể đáp ứng cho dân số 100 triệu người.Ngoài ra, còn mục tiêu xuất khẩu hàng chục triệu tấn.

Yêu cầu của chính phủ là luôn có gạo dự trữ, khi người dân cần sẽ lập tức đáp ứng.

Với tình hình biến đổi khí hậu, dịch bệnh như hiện nay, con đường duy nhất là liên kết chế biến, trồng nguyên liệu, phát triển theo chuỗi.

Thị trường Trung Quốc cũng cần có các biện pháp thúc đẩy hơn nữa. Đặc biệt là chanh leo, khoai lang, sầu riêng và một số mặt hàng chúng ta đang đàm phán với phía bạn.

"Đối với đề xuất của các doanh nghiệp về thuế, về lãi suất cho vay, tôi thấy đây là xác đáng. Thủ tướng sẽ ban hành chính sách cụ thể. Ngân hàng sẽ đưa ra hướng dẫn cụ thể, Bộ Tài chính cũng vậy", bộ trưởng nói.

Nafoods tiên phong số hóa chanh leo, thanh long

"Một điều rất vô lý là vận tải biển khó cho doanh nghiệp xuất khẩu. Hiện tại, giá tàu vào Trung Quốc tăng gấp đôi, vào châu Âu tăng 15%. Cứ đà này chúng tôi mất 1 triệu USD", ông Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Nafoods Group, giãi bày tại hội nghị.

Vấn đề khác nữa là vốn. Khi giải cứu, doanh nghiệp nỗ lực hết sức mình để thu mua, nhưng vốn ngân hàng rất khó. "Giải pháp Nafoods đề xuất là Bộ NN-PTNT tiếp tục quan tâm mở rộng thị trường", ông Hùng nói.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Nafoods Group - cho rằng việc mở thêm sản phẩm mới xuất sang thị trường Trung Quốc là rất cần thiết. Ảnh: Minh Phúc.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Nafoods Group - cho rằng việc mở thêm sản phẩm mới xuất sang thị trường Trung Quốc là rất cần thiết. Ảnh: Minh Phúc.

Ví dụ như với thị trường Trung Quốc, công ty đề nghị mở thêm sản phẩm mới như chanh leo, khoai lang, sầu riêng. Trung Quốc chiếm 80% thị trường nông sản nên đây là vấn đề cần thiết.

Tiếp nữa, các doanh nghiệp cần chung tay. Không thể giảm giá thời điểm này, cũng không thể cạnh tranh không lành mạnh, ép giá nông dân.

Cần khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào giống. Nafoods hiện có giống chanh, xoài có thể xuất khẩu. "Tôi đi 5 tỉnh Tây Nguyên, thấy rằng nông dân thiệt hại nặng nề vì mua phải giống giả chanh leo", ông Hùng cho biết.

Ông Hùng đề cao vai trò của Cục Bảo vệ Thực vật trong việc dựng hàng rào kỹ thuật, giúp doanh nghiệp và người dân.

"Vấn đề số hóa chanh leo, thanh long, Nafoods cũng đã tiên phong", Chủ tịch HĐQT Nafoods cho biết.

Hiện tại, các doanh nghiệp đang rất khó khăn. Cuộc họp hôm nay là rất cần thiết, kịp thời. "Xin đề nghị các địa phương mà Nafoods đang đầu tư như Sơn La, Tây Ninh,... sát cánh cùng công ty đưa nông sản chúng ta vươn ra thế giới. Chúng tôi đang có đề án sản xuất dây chuyền chế biến nông sản tại Việt Nam, không cần nhập máy móc", ông Hùng tự hào.

"Thế giới phải thấy một Việt Nam minh bạch, hàng hóa chất lượng cao"

Tại hội nghị, bà Thái Hương, Nhà sáng lập - Chủ tịch Hội đồng chiến lược Tập đoàn TH, cho biết đã tư vấn cho TH và nhiều doanh nghiệp khác, "những gì có thể làm online được, giảm tương tác được thì nên cố gắng".

Một số dây chuyền của TH đến kỳ bảo dưỡng cần chuyên gia từ châu Âu sang, tập đoàn cũng tạm dừng.

Khi người dân hoang mang mua hàng, tập đoàn cũng đứng ra giải thích. Việc này chỉ kéo dài 1 ngày thôi, hôm sau sẽ trở lại bình thường.

Nông nghiệp và sản phẩm từ nông nghiệp là căn cơ của nền kinh tế, cũng là y tế dự phòng. Bởi vì 70% bệnh tật đến từ đường ăn uống.

Bà Thái Hương, Nhà sáng lập - Chủ tịch Hội đồng chiến lược Tập đoàn TH, cho rằng cần minh bạch các tiêu chuẩn hàng hóa. Ảnh: Minh Phúc.

Bà Thái Hương, Nhà sáng lập - Chủ tịch Hội đồng chiến lược Tập đoàn TH, cho rằng cần minh bạch các tiêu chuẩn hàng hóa. Ảnh: Minh Phúc.

Theo suy nghĩ của bà Hương, chúng ta cần minh bạch các tiêu chuẩn hàng hóa để hàng nhập cũng phải đạt chuẩn, hàng chúng ta xuất đi cũng được bạn bè quốc tế đánh giá cao. "Thế giới phải thấy một Việt Nam minh bạch, hàng hóa chất lượng cao".

Về đề án kinh tế dưới tán rừng, TH xin đề cử chính sách để doanh nghiệp cùng tham gia, đây chính là con đường xóa đói giảm nghèo bền vững.

"Tôi đề xuất chúng ta làm rừng vành đai thôi, còn trong đó trồng cây lâm nghiệp ăn quả... Khi thì tôi đề xuất cây mắc ca, nay tôi xin đề xuất thêm cây chà là", bà Hương nói. "Tôi đề nghị chúng ta nghiên cứu kỹ, rừng còn thì ứng xử thế nào, rừng bị phá thì làm ra sao".

Một thời gian dài, chúng ta loay hoay với những giải pháp như trồng keo, trồng bạch đàn. Mà hai sản phẩm này, trừ đầu trừ đuôi đi thì được 7-10 triệu, không nhiều. Trong khi đó, trồng cây lâm nghiệp, cây ăn quả mang lại giá trị cao hơn. "Ví dụ như sắp tới chúng tôi sẽ làm cây táo mèo ở Sơn La, tôi tin là sẽ đạt hiệu quả cao", bà Hương kết luận.

Masan thiết lập không gian mua bán an toàn giữa mùa dịch

Theo lời ông Nguyễn Thiều Nam - Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Masan - tập đoàn cũng sẽ đồng hành với Bộ NN-PTNT, mà thực sự là đã đồng hành từ trước, ngay từ thời điểm dịch tả lợn châu Phi bùng phát. Masan có cả hệ thống trang trại, siêu thị, luôn đồng hành với Chính phủ, với Bộ NN-PTNT để đưa hàng hóa đến tay người tiêu dùng với giá hợp lý nhất.

Masan nhận thức vấn đề nguy hiểm của Covid-19 nên đã xây dựng kịch bản đối phó. Ưu tiên hàng đầu là thiết lập không gian mua bán an toàn, đảm bảo nguồn cung, giá cả ổn định.

Ngày 7/3, sau khi Hà Nội công bố trường hợp đầu tiên nhiễm Covid-19, hệ thống siêu thị của Masan ghi nhận lượng khách hàng tăng đột biến. Hơn 3.000 cửa hàng Vinmart và Vinmart+ của tập đoàn đã tính trước việc này nên không bị thiếu hàng.

Ông Nguyễn Thiều Nam - Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Masan - cho biết tập đoàn đang phát triển mạng lưới đưa sản phẩm đến tận nhà khách hàng. Ảnh: Minh Phúc.

Ông Nguyễn Thiều Nam - Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Masan - cho biết tập đoàn đang phát triển mạng lưới đưa sản phẩm đến tận nhà khách hàng. Ảnh: Minh Phúc.

"Về giải pháp, chúng tôi đã chỉ đạo các nhà máy tăng công suất tối đa, đáp ứng sản phẩm thiết yếu như: mỳ tôm, thịt lợn, nước tương, mắm, chế phẩm từ thịt.

Chúng tôi đảm bảo mở rộng quy mô và tăng đàn mạnh. Masan sẽ hoàn thành trang trại lợn thương phẩm, lợn thịt vào tháng 4 ở Nghệ An", ông Nam cho biết.

Các Cty của Masan cũng phối hợp với Tổng Cty thương mại Hà Nội Hapro để đảm bảo cung cấp gạo cho thị trường.

Sữa, đường, muối... cũng sẽ đảm bảo cung cấp cho người dân. "Ngoài ra, chúng tôi phát triển mạng lưới đưa sản phẩm đến tận nhà khách hàng hay bán hàng online, đặt hàng qua điện thoại, giá không tăng so với mua tại siêu thị", ông Nam phát biểu.

Tiếp lời ông Nam, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường biểu dương Masan tập trung phát triển chuỗi thịt lợn từ con giống, cám, đến điểm giết mổ với quy mô lớn ở khu vực, công suất 1,4 triệu con. Bộ trưởng cũng hoan nghênh việc tập đoàn chủ động hưởng ứng chỉ đạo của Chính phủ, bán hàng đến 23h.

Người đứng đầu ngành nông nghiệp đề nghị Masan liên tục truyền thông công khai về giá thịt lợn để người dân được biết. "Nếu chúng ta đồng lòng, không có lý do gì giá thịt lợn không xuống", bộ trưởng nói.

Dabaco cam kết hạ giá lợn xuống 70.000 đồng/kg

Tại Hội nghị, ông Nguyễn Khắc Thảo - Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Dabaco Việt Nam, cho biết, do tác động của Covid-19 cùng nhiều dịch bệnh khác như tả lợn châu Phi, lở mồm long móng... ngành Nông nghiệp Việt Nam đang bị tác động mạnh mẽ.

Dưới góc nhìn của doanh nghiệp, Dabaco đánh giá rất cao các nỗ lực của Bộ NN-PTNT nhằm tháo gỡ khó khăn. Nhất là việc Trung Quốc hạn chế nhập khẩu.

"Dabaco ít nhiều bị ảnh hưởng, do đó chúng tôi đề xuất giải pháp đẩy mạnh tuyên truyền về Covid-19 để người dân hiểu đúng. Tổ chức bán hàng bình ổn giá. Chúng ta đã chứng kiến người tiêu dùng đổ xô đi mua thực phẩm gây hỗn loạn ít nhiều", ông Thảo nói.

Ông Nguyễn Khắc Thảo - Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Dabaco Việt Nam - cam kết sẽ hạ giá lợn xuống 70.000 đồng/kg. Ảnh: Minh Phúc.

Ông Nguyễn Khắc Thảo - Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Dabaco Việt Nam - cam kết sẽ hạ giá lợn xuống 70.000 đồng/kg. Ảnh: Minh Phúc.

Dabaco đã tổ chức sản xuất nhiều mặt hàng như thịt lợn, trứng, thịt gà, tuyên truyền mạnh trên các kênh để người tiêu dùng không bị tác động xấu. Tuy nhiên, thói quen mua sắm tại chợ tạm, chợ cóc đang gây những ảnh hưởng không tốt.

"Tôi mong Chính phủ giám sát chặt chẽ việc nhập khẩu các mặt hàng vào Việt Nam như thịt và chế phẩm từ thịt", Tổng giám đốc Dabaco kiến nghị.

Ngoài ra, chúng ta cần tổ chức đẩy mạnh chăn nuôi, sản xuất. Để làm được điều này, cần tái đàn, tuân thủ an toàn sinh học, tránh gây mất cân đối cung-cầu quá lớn. Chúng ta cũng cần quan tâm chăm sóc đến sức khỏe của người lao động ở các bữa ăn ca. Về giải pháp lâu dài, các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp công nghệ cao cần tham gia tích cực vào chuỗi tiêu thụ.

Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU đã được ký kết, do đó cần tập trung một số biện pháp về xử lý, chế biến sản phẩm sau thu hoạch. Chúng ta phải thừa nhận rằng nếu không tập trung chế biến nông sản sau thu hoạch, ngành nông nghiệp sẽ không bao giờ đạt được sự ổn định.

"Về giá lợn, chúng tôi đồng tình với Chính phủ. Dabaco không muốn giá lợn cao, vì như thế sẽ không bền vững, không phát triển được. Chúng tôi sẽ phát triển tái đàn. Cam kết với Bộ trưởng là Tập đoàn sẽ cố gắng đưa giá lợn xuống mức 70.000đ/kg", ông Thảo khẳng định.

Bạc Liêu kiểm soát hoàn toàn chất lượng nước dù hạn mặn

Ông Dương Thành Chung - Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, cho rằng: Đối với tình hình thực tế của Bạc Liêu và các tỉnh miền Tây, khó khăn lớn nhất là tình trạng hạn mặn xâm nhập sâu.

Tỉnh đã chủ động gieo cấy lúa sớm nên thiệt hại không đáng kể. Rất may là Bộ NN-PTNT đã thông báo sớm về nhận diện hạn, mặn, nên Bạc Liêu đã có phương án rất cụ thể về sản xuất từng vùng phù hợp với cơ cấu giống và mùa vụ gieo trồng. Đồng thời nạo vét các hệ thống thủy lợi trữ nước, chuyển nước và đầu tư các công trình ngăn mặn, nên thiệt hại không đáng kể.

Bạc Liêu bố trí khoảng 69 tỷ đồng nạo vết 123 tuyến kênh. Ảnh: Trọng Linh.

Bạc Liêu bố trí khoảng 69 tỷ đồng nạo vết 123 tuyến kênh. Ảnh: Trọng Linh.

Và đặc biệt là năm nay, tỉnh phát huy tối đa công trình âu thuyền Ninh Quới, đáp ứng đúng dịp nước mặn lên, do đó chúng tôi kiểm soát hoàn toàn chất lượng nước tại tỉnh.

Để làm tốt vấn đề này, toàn tỉnh có 30 điểm quan trắc mặn, chủ tịch tỉnh mỗi ngày được báo cáo qua tin nhắn điện thoại 2 lần, nên rất chủ động trong chỉ đạo, điều hành và tuyên truyền cho và con sản xuất.

Hiện nay, sản xuất tôm của Bạc Liêu tăng khoảng 6,51% về sản lượng so với năm ngoái. Về dịch tả lợn châu Phi, tỉnh đang làm hồ sơ để công bố hết dịch trong tuần tới.

Về xuất khẩu, tỉnh cũng đã tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp tiền điện để các doanh nghiệp mở kho dự trữ tôm đông lạnh, chi trả bảo hiểm xã hội cho công nhân. Vì các doanh nghiệp phải thu mua chế biến thì sản phẩm của nông dân mới có đầu ra ổn định.

Các doanh nghiệp cam kết tiếp tục sản xuất, mở rộng thị trường xuất khẩu để vượt qua khó khăn. Giá tôm khoảng 1 tuần trở lại đây giảm khoảng 10%. Và khó khăn nữa là vùng sản xuất tôm trọng điểm của tỉnh thì bị nhiễm mặn khoảng 30 - 35‰.

"Do đó, chúng tôi kiến nghị Trung ương có nguồn vốn hỗ trợ để xây dựng 4 cống ngăn mặn qua đê để giải quyết tình thế. Còn về lâu dài, cần phải đầu tư xây dựng một số âu để chuyển nước từ vùng nước ngọt thành vùng nước mặn.

Và tỉnh cũng cam kết với chính phủ là trong 2 năm nữa sẽ đạt kim ngạch xuất khẩu tôm 1 tỷ USD", ông Chung phát biểu tại hội nghị.

Bình Định nâng tổng đàn lợn lên 800.000 con

Theo ông Trần Châu, Phó Chủ tịch UBND Bình Định, dự kiến đến hết quý II, tỉnh sẽ đưa tổng đàn heo từ 690.000 con hiện nay lên khoảng 800.000 con, bằng lúc chưa dịch.

Tại Bình Định, hơn 20 ngày qua chưa ghi nhận trường hợp nào nhiễm tả lợn châu Phi.

Tỉnh cũng đã xây dựng kịch bản cho xuất khẩu gà, cho tới nay vẫn hoạt động tốt, nhất là thị trường Campuchia đang tiêu thụ nhiều gà con, hiện chưa bị ảnh hưởng. Bình Định đang chuẩn bị xuất khẩu gần 8 triệu con gia cầm sang một số nước châu Âu. Do đó, tỉnh đề nghị Bộ chỉ đạo Cục Thú y, Cục Chăn nuôi giúp về kỹ thuật, an toàn dịch bệnh.

Hệ thống chuồng lồng, công nghệ nuôi gà hiện đại nhất hiện nay, ở Cty TNHH Giống gia cầm Cao Khanh (Phù Cát, Bình Định). Ảnh: NK.

Hệ thống chuồng lồng, công nghệ nuôi gà hiện đại nhất hiện nay, ở Cty TNHH Giống gia cầm Cao Khanh (Phù Cát, Bình Định). Ảnh: NK.

Thịt bò được tiêu thụ ở thị trường trong tỉnh và các tỉnh lân cận, chưa ghi nhận khó khăn.

Tỉnh có hơn 400.000 ha đất lâm nghiệp, trong đó rừng sản xuất khoảng 100.000ha. Từ đầu năm đến nay Bình Định khai thác hơn 9.000ha, trong đó bạch đàn, viên nén, chủ yếu xuất sang Trung Quốc và châu Âu. Còn khoảng 40 container đồ gỗ mỹ nghệ còn bị tồn. Mỗi năm, tỉnh xuất khẩu gỗ khoảng 4 triệu USD.

Song năm nay khó khăn, tỉnh đang đề nghị doanh nghiệp giảm nhập, xem xét thị trường.

Về thủy sản, quý I khai thác hơn 39.000 tấn, cá ngừ đại dương hơn 2.000 tấn, chưa gặp khó khăn. Tuy nhiên, cá ngừ đại dương còn hơn 6.000 tấn chưa sang được châu Âu.

Cuối tháng 3, khoảng 10.000 tấn tôm sẽ gặp khó trong khâu xuất khẩu.

Một số mặt hàng như ớt, đậu nành, tỉnh dự kiến sẽ gặp cạnh tranh mạnh. Hiện còn 48.000 tấn ớt chưa bán được, vận động thương lái mua nhưng giá thấp. Dưa hấu còn trên 15.000 tấn tồn đọng. Một số doanh nghiệp gỗ cũng đang gặp khó, đề nghị được giảm lãi suất. 

Trước đề xuất của Bình Định, người đứng đầu ngành Nông nghiệp yêu cầu Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản giúp đỡ tỉnh. Trước tình trạng dồn ứ dưa hấu, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đề nghị Bình Định nên tái cơ cấu cây trồng, những vùng thiếu nước nên chuyển đổi từ trồng dưa hấu sang trồng cỏ nuôi bò.

Thanh Hóa tính phương án Covid-19 khiến GDP tỉnh giảm 0,8%

Ông Nguyễn Đức Quyền - Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa - phát biểu tại hội nghị, tỉnh đã tính đến kịch bản nếu dịch bệnh được khống chế vào cuối tháng 3, sẽ làm giảm GDP của Thanh Hóa xuống khoảng 0,5% (mục tiêu đề ra của lãnh đạo tỉnh là tăng trưởng GDP cả năm nay ở mức 12,5%).

Kịch bản thứ hai là đến 30/6 mới khống chế được, thì có lẽ GDP phải giảm 0,8%.

Tỉnh nhận thấy Covid-19 đang tác động mạnh đến công nghiệp. Nhất là với các doanh nghiệp sản xuất có nguyên liệu từ Trung Quốc như giày da, may mặc. Tiếp đó là ngành du lịch, nếu Covid-19 còn kéo dài thì ngành này sẽ gặp nhiều cái khó.

Về trồng trọt, hiện chúng tôi đã gieo trồng hơn 180.000 ha lúa. Việc hạn chế xả nước ở hồ Cửa Đại, chúng tôi khắc phục bằng cách khôi phục lại trạm bơm sông Mã.

Về nông nghiệp, hiện giá mía thấp do tác động của giá đường, các loại cây khác không ảnh hưởng nhiều.

Theo ông Nguyễn Đức Quyền, Thanh Hóa chuẩn bị công bố hết dịch tả lợn châu Phi và sẽ bắt tay vào tái đàn ngay. Ảnh: Minh Phúc.

Theo ông Nguyễn Đức Quyền, Thanh Hóa chuẩn bị công bố hết dịch tả lợn châu Phi và sẽ bắt tay vào tái đàn ngay. Ảnh: Minh Phúc.

Về chăn nuôi, nếu hôm nay không còn phát hiện thêm trường hợp nào bị tả lợn châu Phi, mai Thanh Hóa sẽ công bố hết dịch vì qua 30 ngày.

Trước kia, Thanh Hóa có hơn 1,2 triệu con lợn, do bị ảnh hưởng dịch bệnh nên còn hơn 900.000 con. Tỉnh sẽ bắt tay ngay vào việc tái đàn.

Một số nơi rải rác ở Thanh Hóa có ghi nhận bệnh lở mồm long móng, nhưng nay đã giải quyết xong. Các trang trại gà không bị cúm. Chúng tôi vẫn đang tích cực tiêu độc, khử trùng. Thủy sản toàn tỉnh không bị tác động lớn.

Chúng tôi đề nghị cần mạnh tay hơn với các vấn đề như khai thác trái phép. Trồng rừng, bảo vệ rừng thì Thanh Hóa chủ yếu khai thác nứa, luồng. Xuất khẩu gỗ dăm có thể bị hạn chế, song việc xuất khẩu mặt hàng này tiến tới sẽ giảm mạnh, nên nhìn chung cũng không bị ảnh hưởng lớn.

Các dự án chăn nuôi lớn, phối hợp với doanh nghiệp nước ngoài, dự án bò sữa của TH TrueMilk, chúng tôi có niềm tin sẽ phát triển tốt.

Tiêu thụ nông sản, hải sản, chủ yếu là xuất khẩu sang Trung Quốc. Dù là lợn, gà, trứng cũng đều đi Trung Quốc, song theo đường tiểu ngạch. Tôi đề nghị Bộ NN-PTNT giúp xuất khẩu theo đường chính thống để hạn chế ảnh hưởng. Hai dự án lớn của Bộ về thủy lợi, chúng tôi sẽ phối hợp tốt.

"Quả đấm thép" của ngành Nông nghiệp Bắc Giang

Ông Nguyễn Văn Tùng - Giám đốc Sở NN-PTNT Bắc Giang - cho biết, tỉnh đang tập trung nâng cao chất lượng vải thiều, hướng dẫn bà con sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường ví vải thiều như

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường ví vải thiều như "quả đấm thép" của ngành Nông nghiệp Bắc Giang. Ảnh: Minh Phúc.

Tỉnh Bắc Giang và Sở Công thương cũng đẩy mạnh xúc tiến thương mại để mở rộng thị trường trong nước; phối hợp chặt chẽ với Cục trồng trọt, bảo vệ thực vật... xây dựng vùng nguyên liệu, tập huấn quy trình cho bà con nông dân, đáp ứng yêu cầu từ Nhật Bản để có thể xuất khẩu sang thị trường này.

Hiện tại tỉnh, giá bán thịt lợn khoảng 75.000-80.000 đồng. Giá gà cũng vậy. Do đó, người chăn nuôi rất phấn khởi. Tỉnh cũng tập trung rất cao vấn đề chăm sóc để không bị gián đoạn nguồn cung thực phẩm.

Để bổ sung cho ý kiến của ông Tùng, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói, về 20 triệu con gà mà Bắc Giang vừa nêu, cần rất tập trung, tránh chủ quan. Vải thiều là "quả đấm thép" của Bắc Giang, mang lại hàng nghìn tỷ.

Đề nghị Bắc Giang sớm có kịch bản xử lý nếu thị trường Trung Quốc "chậm", cần phối hợp ngay với các tỉnh thành khác. Cũng có thể tính đến thị trường Nhật Bản với sự giúp sức của Bộ NN-PTNT.

Đối với vấn đề giá lợn quá cao, tôi đề nghị Bắc Giang có biện pháp giảm ngay.

Giá thịt lợn: Không thể chấp nhận doanh nghiệp cam kết một đằng, bán hàng một nẻo

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã chỉ đạo rất quyết liệt để hạ giá thịt lợn, nhưng hiện nay thịt lợn vẫn có giá cao. Do đó, tôi đề nghị 17 doanh nghiệp lớn cùng Trung ương, chính phủ chung tay giải quyết điều này, để cân đối lợi ích của người chăn nuôi, người phân phối và người tiêu dùng.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến khẳng định không thể chấp nhận chuyện doanh nghiệp cam kết bán thịt lợn với giá 75.000 đồng/kg nhưng thực tế bán ra thị trường vẫn cao hơn. Ảnh: Minh Phúc.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến khẳng định không thể chấp nhận chuyện doanh nghiệp cam kết bán thịt lợn với giá 75.000 đồng/kg nhưng thực tế bán ra thị trường vẫn cao hơn. Ảnh: Minh Phúc.

Ngành nông nghiệp mong các doanh nghiệp sẽ cùng chung tay hạ giá thịt lợn, nếu không, chúng ta sẽ phải tính đến tình huống mở cửa thị trường từ Canada, Úc, Đan Mạch, Nga, thậm chí là Campuchia.

Tôi được biết có doanh nghiệp cam kết bán thịt lợn với giá 75.000 đồng/kg nhưng thực tế bán ra thị trường vẫn cao hơn. Đó là điều không thể chấp nhận được.

Đối với lĩnh vực thủy sản, tới đây Bộ sẽ tổ chức 3 hội nghị lớn về 3 ngành hàng là tôm, cá tra và chế biến, xuất khẩu. Làm sao để tạo ra sản phẩm chất lượng tốt để hướng đến xuất khẩu.

Dịch tả lợn châu Phi chưa có thuốc đặc trị, thời tiết ẩm ướt thuận lợi cho bệnh phát triển. Do đó, các doanh nghiệp, các hộ chăn nuôi không được chủ quan.

Về tái đàn lợn, năm nay là năm đầu tiên thực hiện Luật Chăn nuôi, chiến lược chăn nuôi với 4 đề án. Chúng ta còn 109.000 con lợn ông bà cụ kỵ, 2,72 triệu đàn lợn nái, do đó không thể thiếu giống.

Cùng các giải pháp khoa học công nghệ, chúng ta cũng đã nhân rộng mô hình an toàn sinh học từ tháng 7/2019 ở các xã, tỉnh, doanh nghiệp. Với các yếu tố đó, tôi đề nghị các tỉnh tập trung tái đàn, không còn do dự nữa.

Thịt lợn vẫn đang chiếm tỷ lệ hơn 70%, ảnh hưởng trực tiếp CPI. Do đó, các địa phương, doanh nghiệp không còn dịch bệnh cần khẩn trương tái đàn.

Thịt gia cầm năm ngoái là 1,27 triệu tấn, năm nay phấn đấu đạt 1,42 triệu tấn. Thịt bò năm 2019 là 349.000 tấn, năm nay phấn đấu 365.000 tấn.

Thịt lợn phấn đấu đạt trên dưới 4 triệu tấn. Sữa năm ngoái 1 triệu tấn, năm nay phấn đấu 1,2 triệu tấn. Trứng cố gắng đạt 14,5 tỷ quả.

Dù năm 2019 khó khăn như vậy, Bộ NN-PTNT vẫn tổ chức thành công tái chăn nuôi, tái nuôi trồng thủy sản. Sản phẩm bò dê cừu tăng so với năm 2018 là hơn 336.000 tấn, phát triển chăn nuôi thủy sản là 430.000 tấn.

Trong hoàn cảnh khó khăn của 2019 mà thực phẩm vẫn tăng hơn 700.000 tấn.

Có thể nói, Covid-19 tuy gây ra nhiều khó khăn, nhưng ngành Nông nghiệp tin tưởng sẽ đạt mục tiêu đề ra.

Nhiệm vụ khẩn cấp của ngành nông nghiệp

Quan trọng nhất là đảm bảo khả năng cung ứng lương thực thực phẩm. Thứ hai là đảm bảo khống chế dịch bệnh, như dịch tả lợn châu Phi. Chống trục lợi trong buôn bán nông sản. Thứ ba là đảm bảo xuất khẩu, tăng trưởng kinh tế.

Phát biểu tại Hội nghị thúc đẩy sản xuất nông nghiệp trong điều kiện dịch Covid-19, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, đại dịch đang đe dọa kinh tế thế giới, tác động đến mọi quốc gia. Thiệt hại ở mỗi quốc gia là nhiều hay ít, đến giờ này chưa lường hết được.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường kiểm tra cơ sở chăn nuôi lợn an toàn sinh học quy mô lớn tại thị xã Phú Thọ, tỉnh Phú Thọ miễn nhiễm với dịch tả châu Phi ngày 10/3. Ảnh: Lê Bền.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường kiểm tra cơ sở chăn nuôi lợn an toàn sinh học quy mô lớn tại thị xã Phú Thọ, tỉnh Phú Thọ miễn nhiễm với dịch tả châu Phi ngày 10/3. Ảnh: Lê Bền.

Không những thế, ngành nông nghiệp đang phải chịu nhiều thách thức ngoài Covid-19: Một là thay đổi khí hậu cực đoan. Chưa năm nào mà mùng 1 Tết lại có mưa đá diện rộng, 12.000 ngôi nhà hỏng mái, thiệt hại. Chưa bao giờ sau Giao thừa lại có mưa tại Hà Nội hơn 120mm.

Cũng chưa bao giờ, bước vào vụ Đông Xuân lại có hạn nặng ba miền Bắc Trung Nam. Dịch tả lợn châu Phi hoành hành năm 2019, còn có H5N1, cúm gia cầm, đại gia súc.

Chưa bao giờ Việt Nam có tổng đàn gia cầm hơn 500 triệu con, mà bị đe dọa bởi thời tiết, dịch bệnh. Ngành nông nghiệp có nhiệm vụ đảm bảo hạn chế thấp nhất thiệt hại để phục vụ tăng trưởng kinh tế.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: 99% số xã đã thoát dịch tả lợn châu Phi, đang tái đàn rất nhanh. Với hàng triệu đại gia súc, Việt Nam cũng đang khống chế tốt dịch lở mồm long móng. Tuy nhiên, chúng ta không được phép chủ quan. Ảnh: Minh Phúc.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: 99% số xã đã thoát dịch tả lợn châu Phi, đang tái đàn rất nhanh. Với hàng triệu đại gia súc, Việt Nam cũng đang khống chế tốt dịch lở mồm long móng. Tuy nhiên, chúng ta không được phép chủ quan. Ảnh: Minh Phúc.

Ngành khác có thể gián đoạn ở thời điểm này, nhưng với ngành nông nghiệp thì phải tạo ra lương thực thực phẩm cho con người. Vào viện cũng phải ăn, nghỉ ở nhà cũng phải ăn. Cho nên ngành nông nghiệp không hề được nghỉ.

Với một đất nước cả trăm triệu dân, với ngần ấy thách thức, chúng ta phải nỗ lực hơn nữa.

Một năm chúng ta xuất khẩu 41 tỷ USD, nếu năm nay bị mất nguồn cung, thì còn đối mặt nguy cơ mất thị trường nếu không giỏi ứng biến.

Nhắm mục tiêu xuất khẩu 42 tỷ USD

Chiều 12/3, Bộ NN-PTNT tổ chức Hội nghị thúc đẩy sản xuất nông nghiệp trong điều kiện dịch Covid-19 tại Hà Nội.

Theo đánh giá của Bộ NN-PTNT, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 lan rộng, chuỗi cung ứng toàn cầu gián đoạn do Trung Quốc là đối tác cung cấp hàng hóa đầu vào quan trọng với nhiều quốc gia và tập đoàn đa quốc gia trên thế giới.

Bên cạnh đó, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc có hạ nhiệt nhưng còn phức tạp; các yếu tố rủi ro địa chính trị; sự gia tăng của chủ nghĩa bảo hộ đã tác động bất lợi tới hoạt động sản xuất, đầu tư và thương mại toàn cầu.

Năm 2020, mục tiêu kim ngạch xuất khẩu hàng hóa nông lâm thủy sản đạt 42 tỷ USD. Trong đó, hàng nông sản khoảng 20 tỷ USD, lâm sản và đồ gỗ khoảng 11,5 tỷ USD, các mặt hàng thủy sản khoảng 10 tỷ USD, các mặt hàng chăn nuôi khoảng 0,8 tỷ USD.

Ông Nguyễn Văn Việt - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ NN-PTNT) - phát biểu về những giải pháp đẩy mạnh sản xuất nền nông nghiệp trong bối cảnh dịch Covid-19 lan rộng trên thế giới. Ảnh: Minh Phúc.

Ông Nguyễn Văn Việt - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ NN-PTNT) - phát biểu về những giải pháp đẩy mạnh sản xuất nền nông nghiệp trong bối cảnh dịch Covid-19 lan rộng trên thế giới. Ảnh: Minh Phúc.

Để làm được điều đó, Bộ NN-PTNT đề ra các giải pháp trọng tâm. Thứ nhất đối với lĩnh vực trồng trọt, các cơ quan chuyên môn, địa phương có những điều chỉnh phù hợp về cơ cấu mùa vụ lúa. Đối với rau màu, do thời gian sinh trưởng ngắn, Bộ sẽ điều chỉnh diện tích, cơ cấu về chủng loại rau để phù hợp với nhu cầu thị trường trong nước, xuất khẩu.

Tập trung rà soát, chuyển đổi cơ cấu chủng loại, giống cây ăn quả chất lượng, phù hợp, có thị trường bằng trồng mới, trồng tái canh, ghép cải tạo giống. Phát triển các giống cây ăn quả đặc sản có lợi thế tại đại địa phương.

Ngoài ra, cần ưu tiên nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao trong bảo quản, chế biến; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư liên kết với nông dân.

Hạn chế tối đa việc đầu cơ giá lợn

Đối với chăn nuôi lợn, cần tiếp tục các biện pháp kiểm soát dịch bệnh, đặc biệt dịch tả lợn Châu Phi. Phối hợp với Bộ Công thương, Bộ Tài chính kiểm soát giá thành và giá bán sản phẩm của các doanh nghiệp chăn nuôi lớn; kiểm soát chặt, hạn chế tối đa việc đầu cơ tăng giá lợn thịt, lợn giống hiện nay trên thị trường;

Muốn làm được điều đó, cần tiến hành song song việc đẩy nhanh tiến độ và quy mô tái đàn khôi phục đàn lợn nhằm ổn định thị trường và giá cả mặt hàng thịt lợn trong nước.

Phát biểu tại Hội nghị, ông Phạm Văn Đông, Cục trưởng Cục Thú y, cho biết, trong những năm qua, chúng ta đã xây dựng được hơn 800 vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh. Qua đó nâng cao chất lượng sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam. Ảnh: Minh Phúc.

Phát biểu tại Hội nghị, ông Phạm Văn Đông, Cục trưởng Cục Thú y, cho biết, trong những năm qua, chúng ta đã xây dựng được hơn 800 vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh. Qua đó nâng cao chất lượng sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam. Ảnh: Minh Phúc.

Do tổng đàn gia cầm hiện nay đã ở quy mô rất lớn, thậm có nguy cơ cung vượt cầu, do vậy cần chỉ đạo điều chỉnh giảm mức tăng trưởng về đầu con và sản lượng gia cầm, cụ thể thịt gia cầm các loại từ 16,5% xuống dưới 10%, trứng từ 14% xuống 9-10% và đặc biệt là điều chỉnh chu kỳ sản phẩm giảm cao điểm vào các tháng mùa nóng (tháng 5-8) tránh dư thừa gây thiệt hại cho người chăn nuôi;

Bộ NN-PTNT cũng sẽ tiếp tục chỉ đạo tập trung phát triển nuôi trồng thủy sản các đối tượng chủ lực (tôm sú, tôm chân trắng, cá tra) và các đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao theo hướng nâng cao giá trị thương mại và phát triển bền vững.

Để mở rộng thị trường tiêu thụ, Bộ NN-PTNT sẽ hoàn thành và trình Thủ tướng Chính phủ phương án chuyển đổi phương thức kinh doanh các ngành hàng nông lâm thủy sản, theo hướng nâng cao giá trị xuất khẩu.

Đa dạng hóa thị trường xuất khẩu nông, lâm, thúc đẩy công nghiệp chế biến nông sản. Tăng cường triển khai công tác xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ các mặt hàng nông sản, tiếp cận các hệ thống bán lẻ, chuỗi siêu thị tại nước ngoài.

Công nghệ chế biến cá tra tại các tỉnh phía Nam đáp ứng được yêu cầu xuất khẩu của các thị trường khó tính. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Công nghệ chế biến cá tra tại các tỉnh phía Nam đáp ứng được yêu cầu xuất khẩu của các thị trường khó tính. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Chủ động phối hợp với Bộ Công thương, Đại sứ quán Việt Nam tại các nước triển khai toàn diện, đạt hiệu quả cao nhất về công tác xúc tiến, phát triển thị trường tại các địa bàn trọng điểm, tiềm năng và thị trường ngách, tạo sự đột phá trong đa dạng hóa thị trường…

Chuẩn bị sẵn cả phương án, kịch bản nhu cầu nông sản, thủy sản của nhiều địa phương có dịch Covid-19 sẽ tăng cao sau khi hết dịch (thời gian qua, nhiều địa phương của Trung Quốc, như tỉnh Hồ Bắc đã thực hiện nghiêm việc cách ly, nông dân không sản xuất trên đồng ruộng; dẫn đến thiết thụt cân đối lương thực, thực phẩm và phải nhập khẩu).

Bên cạnh đó, phải tổ chức lại hệ thống phân phối gắn kết với người sản xuất (bao gồm chuẩn bị kịch bản trong bối cảnh nhiều địa phương công bố dịch Covid-19 sẽ dẫn đến nhu cầu cao và số lượng lương thực thực phẩm, do tâm lý và nhu cầu tích trữ phòng dịch của người dân.

Xem thêm
Đưa tư duy thị trường vào phát triển khoa học - công nghệ trong nông nghiệp

Chiều 19/4, Bộ NN-PTNT phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội nghị trao đổi về nội dung phối hợp hoạt động khoa học - công nghệ (KHCN) giữa hai bộ.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Giá đất bồi thường thấp hơn giá thị trường ảnh hưởng đến giải phóng mặt bằng

THỪA THIÊN - HUẾ Giá bồi thường đất ở, đất trồng rừng sản xuất thấp hơn nhiều so với giá thị trường dẫn đến công tác giải phóng mặt gặp rất nhiều khó khăn.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm