Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường |
Đó là nội dung chính tại Hội nghị “Thúc đẩy phát triển sản xuất hồ tiêu bền vững” do Bộ NN-PTNT tổ chức ngày 25/1 tại TP.HCM.
Cung vượt cầu trên toàn thế giới
Theo ông Lê Văn Đức, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, từ năm 2010 đến nay, diện tích hồ tiêu nước ta tăng rất nhanh. Năm 2010 cả nước chỉ trồng 51,5 ngàn ha, năm 2014 là 85,591 ngàn ha. Đến hết 2017 là 152.668ha, tăng 196,3% so với năm 2010, tăng 22,5% so với năm 2016 và vượt quy hoạch trên 100 ngàn ha.
Sự gia tăng diện tích hồ tiêu của Việt Nam đã góp phần đáng kể vào sự gia tăng diện tích hồ tiêu thế giới. Năm 2010, thế giới trồng 443.881ha. Đến năm 2015 là 518.823ha, tăng xấp xỉ 75 nghìn ha so với năm 2010, tập trung chủ yếu ở Việt Nam.
Diện tích tiêu tăng nhanh ở Việt Nam và một số nước khác, đã làm gia tăng mạnh sản lượng trên toàn cầu. Sản lượng tiêu toàn thế giới năm 2016 đạt 434.000 tấn đến năm 2017 đã tăng lên 510.000 tấn. Theo nghiên cứu của Nedspice, nguồn cung đang bắt đầu vượt quá nhu cầu và có sự tăng đáng kể mức dự trữ tồn kho ở các nước sản xuất tiêu trên thế giới. Trong giai đoạn 2012 - 2017, mức tăng sản xuất là 5,5% trong khi mức tăng nhu cầu chỉ đạt 2,4%/năm. Dự báo trong giai đoạn tới 2017 - 2030, nguồn cung tiềm năng sẽ đạt thấp nhất là 420.000 tấn và cao nhất là 670.000 tấn.
Còn theo Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, riêng trong năm 2018, tuy năng suất hồ tiêu tại một số nước sản xuất lớn, trong đó có Việt Nam, có thể giảm, nhưng do diện tích cho thu hoạch vẫn tăng nên tổng nguồn cung toàn cầu vẫn sẽ cao hơn 2017 và cao hơn nhu cầu. Điều này khiến giá thế giới có xu hướng không tăng, lợi nhuận từ sản xuất hồ tiêu với nông dân không được như những năm trước. XK tiêu Việt Nam sẽ khó khăn do rào cản kỹ thuật từ các nước NK như Mỹ, Canada, Anh, Đức, Hà Lan …
Do cung vượt cầu, giá tiêu trên thế giới nói chung và giá tiêu ở Việt Nam đã liên tục giảm mạnh trong thời gian qua. Hiện tại, giá tiêu ở Việt Nam chỉ còn hơn 60.000 đ/kg, gần sát với giá thành sản xuất bình quân chung của cả nước là hơn 49.000 đ/kg. Sự phát triển quá “nóng” của diện tích hồ tiêu đang là nguyên nhân chính gây ra những bất cập lớn cho cả ngành hàng như tình trạng dịch bệnh gia tăng, báo động dư lượng thuốc BVTV do thâm canh quá mức …
Đi ngay vào phát triển bền vững
Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, sự phát triển “thần tốc” của ngành hồ tiêu trong những năm qua đang đặt ra những vấn đề lớn mà nếu không tháo gỡ kịp thời, không chỉ làm cho hồ tiêu bị tụt hậu mà còn có nguy cơ phá vỡ cả ngành hàng.
Mô hình sản xuất tiêu hữu cơ ở Đăk Lăk |
Trước hết, diện tích tiêu tăng quá nhanh nên không thể kiểm soát được. Nghiên cứu khoa học, công nghệ và công tác chuyển giao khoa học, kỹ thuật chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của hồ tiêu. Chỉ riêng việc một ngành hàng có giá trị XK hơn 1 tỷ USD mà đến nay vẫn chưa có giống tiêu nào được công nhận là không thể chấp nhận được. Hay việc chưa có quy trình canh tác tiêu chuẩn cũng là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn tới tình trạng dịch bệnh trên nhiều diện tích trồng tiêu …
Chính vì vậy, Bộ trưởng cho rằng từ nay, với cây tiêu, không đi theo con đường “thi” năng suất, sản lượng nữa, mà phải là chất lượng.
Ông Phan Minh Thông, TGĐ Cty CP Phúc Sinh đưa ra những minh chứng cụ thể về lợi thế của tiêu được sản xuất theo hướng chất lượng. Cụ thể, từ năm 2012, Phúc Sinh đã bắt tay với nhiều hộ nông dân ở Buôn Mê Thuột, thực hiện dự án trồng tiêu theo tiêu chuẩn Rain Forest. Đến năm 2014 thì có chứng nhận này. Nhờ đó, mỗi năm Phúc Sinh XK 20.000 - 25.000 tấn hạt tiêu, thì 40% trong số đó là sang EU, nơi đặt ra những yêu cầu rất cao về ATTP đối với hạt tiêu NK. Còn theo bà Lê Thị Ánh Tuyết, PGĐ Sở NN-PTNT Bình Phước, hồ tiêu Bình Phước khi kiểm tra, chỉ khoảng 50% đạt tiêu chuẩn ATTP để XK sang EU. Nhưng khi Cty Nedspice cùng Trung tâm Khuyến nông Bình Phước phối hợp với nông dân thực hiện dự án phát triển bền vững trên 1.000ha tiêu, thì lượng tiêu thu hoạch được ở diện tích này, qua kiểm tra, có tới 82% đạt tiêu chuẩn XK sang EU.
Phải tập trung tái cơ cấu ngay ngành hàng hồ tiêu. Trước hết, diện tích hồ tiêu không những không được tăng thêm nữa mà phải giảm xuống. Theo đó, tập trung giảm ở những nơi không phù hợp với cây tiêu, không trồng mới ở những diện tích tiêu bị chết. Chính quyền các địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để nông dân hiểu rõ sản lượng hồ tiêu thế giới đã vượt quá nhu cầu, tiêu là gia vị nên lượng sử dụng có hạn…, vì thế không nên phát triển ồ ạt diện tích, sản lượng. Bộ NN-PTNT phải tập trung làm ngay công tác về giống tiêu, chọn ngay ra được những giống tốt để công nhận giống. Đồng thời, tìm ra những quy trình canh tác chuẩn cho từng tiểu vùng sinh thái. Về sản xuất, cần đẩy mạnh các mô hình liên kết chuỗi. Đây là con đường tất yếu để phát triển bền vững cho ngành hàng hồ tiêu. Nếu không liên kết, các DN cũng sẽ không thể tồn tại được. Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam phải nâng cao vai trò đối với sự phát triển của hồ tiêu Việt Nam và vị thế của hạt tiêu Việt Nam trên thị trường thế giới. Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường |