Nhà văn Y Ban. |
Nhiều người đã tỏ ra lo lắng khi điểm chuẩn tuyển sinh bằng phương thức thi ở nguyện vọng 1 vào lớp 10 của tỉnh Khánh Hòa chỉ 4 điểm, tức trung bình mỗi môn chỉ trên 1,3 điểm?
Thực ra thi cử đích thực thì chẳng có điểm số cao như chúng ta đâu. Không phải học sinh nào cũng học giỏi cả, cho nên cũng cần có sự phân luồng, phân cấp học sinh giỏi, học sinh khá, học sinh trung bình…
Còn hiện nay chúng ta cứ đánh đồng đại trà vào là phải học sinh khá và giỏi thì đó là cái thất bại của ngành giáo dục. Cứ bắt buộc con phải giỏi để học đại học cho nên giáo dục đã đánh đồng cả, học sinh không có một ý chí tiến thủ nào hết, vì ở trong lớp bây giờ như các cụ nói là “vàng thau lẫn lộn”.
Tôi nhớ, thời tôi thi vào cấp 3, năm 1974 ở Nam Định, thi 2 môn Văn và Toán. Trường chuyên Lê Hồng Phong điểm đầu vào phải mười mấy điểm, thế mà tôi chỉ được hơn 5 điểm. Thời đấy chúng tôi đâu có học thêm gì như bây giờ. Cuối cùng tôi trượt.
Hồi đó chưa có trường dân lập, chỉ toàn trường công lập. Tôi ra học trường cấp 3 TP Nam Định. Đến năm 1977, thi tốt nghiệp cấp 3, tôi chỉ được đúng tròn 20 điểm, không bị điểm liệt. Lúc đấy tôi thi tốt nghiệp cấp 3 cho 4 môn: Văn, Toán, Lý, Hóa. Toán tôi được 2 điểm nhưng Lý tôi được 8 điểm.
Sau đấy thì tôi thi Đại học. Năm đầu tiên tôi chỉ được 12 điểm thôi. Tôi đủ điểm đỗ vào một trường nhưng ở xa quá nên tôi không theo học. Năm sau, tôi đỗ vào trường ĐH Tổng hợp với 19 điểm (một môn 6 điểm và hai môn 6,5 điểm).
Trở lại câu chuyện của chúng ta đang bàn, sau đó bao nhiêu năm là thi giả và học giả. Tôi phải nói thật như vậy: Thi giả và học giả.
Bây giờ nếu chúng ta học giả và thi thật thì điểm sẽ ra sao?
Anh đặt vấn đề rất thú vị. Bởi vì nếu chúng ta học giả và thi thật thì điểm thật lộ ra như đã thấy ở Khánh Hòa là ví dụ: Trung bình mỗi môn chỉ trên 1,3 điểm.
Trong khi đó, có thể, điểm trên lớp thì các thầy cô cứ đại trà khá và giỏi...
Phải nói thẳng ra ở một số TP lớn như Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh người ta bắt buộc con cái phải đi học thêm cho dù có thích học hay không. Những nhà có điều kiện thì đẩy con cái vào chỗ học hành nhồi sọ.
Tôi vô tình được đọc về một bà mẹ có con mà theo nhu cầu của bạn đọc đã viết hẳn một thời khóa biểu từ lớp này đến lớp khác, sáng dậy thế nào, vệ sinh ra sao, ăn uống thế nào… Đó là một thứ giáo điều và cứng nhắc, nhố nhăng vô cùng.
Chúng ta thử phân tích xem trong 100 học sinh tại sao chúng ta lại dạy theo kiểu cá mè một lứa như thế? Rõ ràng trong 100 học sinh như vậy có em thích học, có em không thích học, có em thích khoa học tự nhiên, có em thích khoa học xã hội. Vậy thì tại sao chúng ta lại đồng phục cả bộ não học sinh nữa?
Thế còn nếu chúng ta học thật và thi thật?
Thì chúng ta sẽ thấy kết quả nó là như thế thôi (cười). Đừng đau khổ vì điểm thi vào cấp 3 thấp như thế. Chúng ta hãy thử nhìn xem điểm thi của 5 môn vào đại học những năm vừa qua thế nào? Đầu vào trường sư phạm mà trung bình mỗi môn chỉ có 5 điểm đấy thôi. Có sao đâu.
Mới có 3 năm nay thi 2 trong 1. Ngành giáo dục đã bỏ qua toàn bộ góp ý của các chuyên gia cũng như mong muốn của người dân là bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT. Các cháu đã học đến lớp 12 thì công nhận hết, cấp chứng chỉ tốt nghiệp cho các cháu.
Còn thi vào đại học thì phải nghiêm chỉnh. Lúc đấy chúng ta sẽ chọn được người tài. Học đại học phải có người tài và thật sự là học. Đây là cách phân luồng để các cháu kia đã tốt nghiệp rồi có thể đi học nghề.
Chính vấn đề này Bộ GD-ĐT đã sai, để cho hiện nay khoảng 300.000 cử nhân đại học thất nghiệp. Đây là con số thống kê chưa đầy đủ, nếu thống kê thực sự có thể cao hơn. Rồi lại quay đường vòng từ cử nhân về đi học nghề, ra làm công nhân.
Luật Giáo dục quy định quyền được đến trường là của tất cả mọi người. Nhưng điểm thấp như vậy thì chúng ta đào tạo cái gì?
Không phải. Vấn đề ở đây là hệ quả sai lầm từ lâu rồi. Tôi cho rằng chuyện điểm đầu vào cấp 3 thấp cũng không thành vấn đề gì hết. Bởi vì chúng ta đang phấn đấu phổ cập THPT. Chúng ta không sợ điểm thấp mà chúng ta cần một môi trường giáo dục lành mạnh.
Các cháu học sinh không phải cháu nào cũng có ý thức học hành ngay từ đầu. Ở đây một là ý thức học hành, hai là trí tuệ của các cháu. Cho nên nhìn vào điểm số này tôi lại thấy không hề đáng lo sợ.
Tôi cho rằng điều này rất là hay ở chỗ rất nhiều ông bố bà mẹ ở thành phố mua điểm cho con ở trong lớp học thì hãy nhìn vào điểm thi của con đi. Nếu điểm trung bình tất cả các môn của con cái các vị có thể lên đến 9,0 thế mà đến lúc thi cấp 3 lại trượt thì điểm thi thực là đây.
Tôi nhấn mạnh lại rằng cần một môi trường giáo dục lành mạnh, học thật, thi thật. Phải thi thật thì mới lộ ra tất cả bản chất của giáo dục.
Xin cảm ơn chị!
"Bây giờ giáo dục đang dạy cho từng học sinh dối trá. Ngay trong nhà trường đã là mầm mống của dối trá rồi. Dối trá ngay từ tiểu học. Bố mẹ mà thân thầy cô giáo hơn thì điểm cao hơn. Nhưng đừng tưởng học sinh không biết điều đó. Trong lớp các cháu các em đều biết học lực của nhau hết. Chính sự dối trá của giáo dục đã dẫn tới học sinh khinh thường và khinh nhờn thầy cô giáo. Vì sao? Bạn trong lớp học kém hơn nhưng thầy cô cho điểm vống lên. Rồi có điểm trung bình môn được cộng vào. Bây giờ yêu cầu đã thi là phải thi thật, không cho cộng điểm nữa bởi vì đấy chính là nguyên nhân tiêu cực. Ngay cả phương châm giáo dục toàn diện, phát triển toàn diện hiện nay cũng không ổn. Con người làm sao giáo dục toàn diện được. Kể cả sản phẩm máy móc rập khuôn cũng có chỗ khuyết. Làm sao ngành giáo dục lại đi sai quy luật như vậy". Nhà văn Y Ban |