Cụ thể, người phát ngôn của Bộ VH-TT-DL bày tỏ quan điểm: Bất cứ công trình nào, nằm trên địa điểm du lịch hay trên toàn lãnh thổ Việt Nam, nếu xây dựng trái phép thì cũng sẽ phải bị xử lý nghiêm và các di tích, di sản văn hoá cần phải có biện pháp bảo vệ.
Bộ VH-TT-DL đề nghị phải có biện pháp, hình thức bảo vệ tốt nhất danh lam thắng cảnh quốc gia Mã Pì Lèng |
Vừa qua, Cục Di sản văn hóa (Bộ VH-TT-DL) đã cử một đoàn kiểm tra, thanh tra lên Hà Giang. Qua kiểm tra hồ sơ di tích trên cơ sở nghiên cứu báo cáo của Sở VH-TT-DL Hà Giang. Theo đánh giá của Cục Di sản văn hóa, tòa nhà xây dựng trên đèo Mã Pí Lèng, huyện Mèo Vạc, nằm ngoài khu vực khoanh vùng bảo vệ II của Danh lam thắng cảnh quốc gia Mã Pí Lèng thuộc các xã Pải Lủng, Pả Vi, Xín Cái, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang.
Điều 36 Luật Di sản văn hóa quy định: “khi phê duyệt dự án cải tạo, xây dựng các công trình nằm ngoài các khu vực bảo vệ di tích quy định tại Điều 32 của Luật này mà xét thấy có khả năng ảnh hưởng xấu đến cảnh quan thiên nhiên và môi trường - sinh thái của di tích thì phải có ý kiến thẩm định bằng văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về văn hóa, thể thao và du lịch”.
Công trình xây dựng trái phép tại Mã Pí Lèng. Ảnh: LQP. |
Song, ông Nguyễn Thái Bình cho biết, đến thời điểm hiện tại, Bộ VH-TT-DL vẫn chưa nhận được bất kỳ ý kiến thẩm định đối với công trình trái phép này. Người phát ngôn của Bộ VH-TT-DL bày tỏ: Nằm ngoài khu vực khoanh vùng bảo vệ II của Danh lam thắng cảnh quốc gia Mã Pí Lèng, nhưng công trình này phải chịu sự điều chỉnh của Luật Xây dựng và tỉnh Hà Giang.
Xoay quanh công trình Panorama Mã Pì Lèng, ông Nguyễn Thái Bình cũng cho rằng chủ đầu tư cố tình vi phạm pháp luật. Dù là công trình có tính chất khuyến khích, thúc đẩy du lịch phát triển nhưng không tuân thủ quy định pháp luật thì Bộ VH-TT-DL không ủng hộ. Chánh Văn phòng Bộ VH-TT-DL nêu rõ: “Chúng ta phải có biện pháp, hình thức bảo vệ tốt nhất danh lam thắng cảnh quốc gia Mã Pì Lèng”.