| Hotline: 0983.970.780

Phân cấp quản lý, khai thác công trình thủy lợi

Thứ Ba 18/10/2016 , 06:50 (GMT+7)

Tổ chức ngân hàng thế giới khi nghiên cứu đầu tư nâng cấp hồ đập, đã phải khâm phục mạng lưới công trình thuỷ lợi Việt Nam, tính ra tới 17.000 công trình lớn, nhỏ và thuộc loại lớn nhất thế giới.

09-35-24_cong-trinh-thuy-loi-1
Nhờ có phân cấp rõ ràng trong quản lý, khai thác CTTL, nhiều CTTL đã được bảo vệ tốt và vận hành hiệu quả
 

Để quản lý, vận hành một mạng lưới hệ thống công trình khổng lồ như vậy thật không hề đơn giản. Và, nếu không có sự phân cấp quản lý, sử dụng từ Trung ương đến cơ sở, thì khó có thể bảo vệ và phát huy hiệu quả của các công trình thủy lợi (CTTL).
 

Khép kín từ Trung ương đến địa phương

Có thể khẳng định rằng, hệ thống CTTL đã chủ động phục vụ tưới tiêu cho sản xuất nông nghiệp, từ đó sản lượng lương thực ngày một tăng lên. Trong thành tích xuất khẩu hơn 5 triệu tấn gạo, đứng thứ hai trên thế giới, có phần đóng góp của Pháp lệnh Khai thác và bảo vệ CTTL số 03/2001/L-CTN ngày 15/4/2001.

Pháp lệnh này quy định thống nhất mọi CTTL đã xây dựng và khai thác phải có sự quản lý, theo sự phân cấp của nhà nước. Có nhiều hình thức quản lý, khai thác khác nhau được áp dụng. Đó là những công ty TNHH MTV khai thác thuỷ lợi do Bộ quản lý đối với các hệ thống lớn. Còn những hệ thống công trình trong phạm vi một tỉnh thường do các Công ty TNHH MTV khai thác CTTL; Chi cục Thuỷ lợi hoặc Trung tâm Quản lý khai thác thủy lợi, trực thuộc tỉnh quản lý.

Kênh đầu mối của những hệ thống công trình do công ty của Bộ NN-PTNT hoặc của tỉnh quản lý. Kênh cấp hai có thể cấp tỉnh quản lý (hệ thống Nam Đuống), song phần lớn do phòng thuỷ lợi huyện. Còn kênh cấp 3 thuộc xã, hoặc hợp tác xã, tổ hợp tác quản lý...

Nếu chỉ nhìn đơn thuần về mạng lưới quản lý khai thác nêu trên, chúng ta có thể đặt câu hỏi: Vì sao có sự phân cấp quản lý phức tạp như vậy?

Trước tiên, theo điều 3 của Pháp lệnh: “Việc khai thác và bảo vệ CTTL phải bảo đảm tính hệ thống của công trình, không chia cắt theo địa giới hành chính”. “Mỗi hệ thống CTTL hoặc CTTL phải do một tổ chức hoặc cá nhân trực tiếp quản lý khai thác bảo vệ theo quyết định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền”.

Điều 6 của Pháp lệnh “Cơ quan nhà nước… mọi cá nhân có trách nhiệm chấp hành các quy định của pháp luật về khai thác và bảo vệ CTTL”.

Như chúng ta biết, hình thức tưới đơn giản nhất chính là tưới “tự chảy”, có nghĩa nước từ nơi cao chảy xuống nơi thấp như dòng sông, dòng suối. Như vậy, bất kỳ diện tích tưới là bao nhiêu, từ vài ha đến hàng trăm nghìn ha, từ vài chục mảnh ruộng đến hàng vạn mảnh ruộng thì nguồn nước để tưới cho tất cả các cánh đồng trong diện tích đó vẫn phải lấy từ một công trình đầu mối.

Người kỹ sư đòi hỏi phải giải quyết nhiều vấn đề kỹ thuật phức tạp để sao cho nước từ nguồn (đầu mối) vẫn về đến cuối nguồn (kênh cấp 3). Yêu cầu này được điều 3 ghi là “tính hệ thống”… không chia cắt theo địa giới hành chính”, do “một tổ chức…trực tiếp quản lý… theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền”.

Còn trách nhiệm trước pháp luật như điều 6, rõ ràng phải có cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền để giải quyết mọi nảy sinh khi thực hiện Pháp lệnh. Đó là hệ thống hành chính của nhà nước, cấp Bộ, cấp UBND tỉnh, UBND huyện và UBND xã.

CTTL có đặc thù riêng so với những công trình cơ sở hạ tầng khác như hệ thống công trình điện, hệ thống công trình giao thông. Để có thể tưới tiêu, các kênh và cống trên kênh của hệ thống CTTL phải kéo dài hàng chục km đến hàng vạn km, phải len lỏi vào từng mảnh ruộng. Như vậy, không thể quản lý, tu sửa, bảo vệ với chiều dài kênh như vậy để bảo đảm tưới tiêu hiệu quả, nếu không có trách nhiệm của Bộ, tỉnh, huyện, xã, kể cả người dân.

Tỉnh Hưng Yên đã ban hành nghị quyết của Thường vụ Tỉnh uỷ về bảo vệ công trình thuỷ lợi, giao cho các huyện xã thực hiện. Trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long, tỉnh Kiên Giang, Trà Vinh đã quan tâm trong công tác duy tu, sửa chữa các hệ thống kênh nhằm đảm bảo được chỉ tiêu tưới tiêu theo kế hoạch...
 

Những “nút thắt”cần giải

Tuy nhiên công tác quản lý và khai thác CTTL trong những năm gần đây đã gặp phải không ít khó khăn, nổi cộm là những vấn đề như sau:

09-35-24_cong-trinh-thuy-loi-2
Trong phân cấp quản lý, khai thác CTTL, sự vào cuộc của người dân là vô cùng quan trọng
 

Về nguồn nhân lực cho các tổ chức quản lý khai thác ở các cấp có sự chênh lệch lớn về số lượng và chất lượng. Có những công ty ở cấp tỉnh, đa số vài trăm người, thậm chí trên 1.000 người. Còn ở chi cục thuỷ lợi và trung tâm khai thác lực lượng ít hơn nhiều, chỉ khoảng vài chục người. Lực lượng nhiều công ty đông, nhưng chưa mạnh, việc áp dụng tiến bộ khoa học - công nghệ thông tin trong quản lý điều hành còn yếu.

Kinh nghiệm của Công ty TNHH MTV khai thác công trình thuỷ lợi Bắc Hưng Hải, công ty khai thác công trình thuỷ lợi Nam Đuống, đã xây dựng trang web để điều hành qua mạng với các nội dung từ Ban giám đốc công ty đến các phòng, ban, xí nghiệp, cụm, trạm bơm, trang bị máy vi tính, các trang thiết bị cần thiết đủ để làm việc điều hành qua mạng. Bồi dưỡng tập huấn đội ngũ cán bộ, công nhân viên, đủ khả năng tiếp cận công nghệ thông tin cho công tác quản lý vận hành và ứng dụng khoa học khoa học kỹ thuật mới, phù hợp với sự phát triển chung.

Tình trạng vi phạm CTTL ngày càng nhức nhối. Nhiều trường hợp được lập biên bản xử phạt, song mức phạt cho cấp xã dưới 2 triệu dồng, nên tình trạng vi phạm vẫn tái diễn. Nhiều biên bản phạt để lâu song chính quyền xã vẫn không thực hiện... Những hoạt động đào bới bờ hồ, nổ mìn trong lòng hồ..., cấp chính quyền nào sẽ giải quyết?

Một số kênh mương nội đồng chưa được quan tâm nạo vét khơi thông, còn ỉ lại vào nhà nước, dẫn đến tình trạng về mùa úng trong đồng thì đầy nước mà kênh chính để tiêu thì cạn, khiến cho hệ thống công trình không phát huy đồng bộ từ đầu mối đến mặt ruộng.

Những xu hướng biến động có tác động lớn đến các hệ thống thuỷ lợi:

Nguồn nước: Biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn, sự phát triển bậc thang thuỷ điện của Lào và Campuchia trên dòng Mekong... yếu tố này đòi hỏi mỗi hệ thống phải rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch về nguồn nước cho hệ thống;

Biến động ảnh hưởng đến việc phát triển cây trồng lúa, như chuyển định hướng sản phẩm chủ lực là thuỷ sản, chăn nuôi, cây ăn trái. Điều này đòi hỏi phải bổ sung công trình chuyên ngành thích hợp;

Sự dịch chuyển lao động nông nghiệp sang công nghiệp, dịch vụ, việc áp dụng cây trồng mới, giống mới, dẫn đến những yêu cầu khắt khe cho nhiệm vụ tưới tiêu. Thời gian tưới mỗi đợt được rút ngắn, nhất là đợt tưới ải vụ xuân, như ở công ty Nam Đuống, từ 50 ngày rút xuống còn 28 ngày, diện tích tưới chủ động được nâng lên 30 - 40%... Vì vậy trình tưới cũng phải thay đổi;

Những định mức kinh tế - kỹ thuật, những đơn giá, trước đây cần thay đổi bổ sung để phù hợp với những sản phẩm mới;

Có nhiều loại hình doanh nghiệp mới tham gia đầu tư vào nông nghiệp, nên cần có chính sách khuyến khích. Hiện nay có những tập đoàn cao su, cà phê tham gia xây dựng hồ đập, song không được hưởng chính sách bù kinh phí như các doanh nghiệp nhà nước;

Về tổ chức quan lý khai thác và bảo vệ CTTL ở một vài tỉnh đang có sự biến động. Cụ thể, như một số tỉnh, dự kiến đưa phần quản lý thuỷ lợi nội đồng của địa phương về công ty khai thác thuỷ lợi của tỉnh, thành phố.

 

(Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam)

Xem thêm
Người làm nên thương hiệu 'heo say xỉn'

NINH BÌNH Mấy năm nay tôi không thể vào một trại lợn nào vì chủ trại phòng dịch rất nghiêm, thế mà anh Nga bảo vào thoải mái, lao động ở đây còn thường xuyên về nhà.

Chú trọng tiêm vacxin, chống buôn lậu trước mùa nguy cơ dịch bênh

Chỉ đạo hoạt động của ngành thú y, chăn nuôi thời gian tới, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh công tác kiểm soát dịch bệnh bằng vacxin và phòng chống buôn lậu.

Chuyện của Madam Hương Coffee và cà phê đặc sản dưới tán rừng

QUẢNG TRỊ Cây cà phê từng khiến chị rơi vào cảnh trắng tay. Nhưng cũng nhờ trồng và chế biến cà phê đặc sản dưới tán rừng, chị đã tìm lại chính mình.