Các bị cáo tại phiên tòa. |
Điều khiến dư luận ngạc nhiên không phải là mức án mà Tòa án nhân dân TP.HCM đã tuyên phạt hai bị cáo chủ chốt là Võ Mạnh Cường (20 năm tù giam) và Nguyễn Minh Hùng (17 năm tù giam) mà là thái độ của Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế).
Khi phiên tòa đã diễn ra được 5 ngày thì đại diện Cục Quản lý Dược bỗng dưng mang văn bản hỏa tốc đến tòa để đề nghị Hội đồng xét xử xem xét và chấp nhận các tài liệu xác minh nguồn gốc, chất lượng 9.300 hộp thuốc H-Capita do đoàn công tác Bộ Y tế đi thực tế Ấn Độ thu thập. Không biết bằng cách nào, chỉ trong vòng 4 ngày, Cục Quản lý Dược đã có được những tài liệu nghe chừng rất thuyết phục để xác định xác định thuốc H-Capita do VN Pharma nhập về là thuốc kém chất lượng.
Tài năng tác nghiệp ngoài biên giới của các cán bộ Cục Quản lý Dược đáng được tôn vinh là siêu điều tra viên. Tuy nhiên, Viện Kiểm sát nhân dân TP.HCM đã đặt nghi vấn đoàn công tác Bộ Y tế tại Ấn Độ đi theo sự phân công của ai, thu thập thông tin bằng cách nào? Cục Quản lý Dược vừa bị khởi tố tội danh “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” liên quan đến thuốc giả của VN Pharma mà tự đi xác minh là không khách quan, không đúng thủ tục quy định theo Bộ luật tố tụng hình sự.
Mặt khác Cục Quản lý Dược khẳng thuốc chỉ có 1 chỉ tiêu không đạt chất lượng, nhưng kết luận điều tra có nhiều thứ không đạt như màu sắc thuốc đăng ký, nhãn mác không đầy đủ thông tin được duyệt, tờ hướng dẫn sử dụng và tờ hướng dẫn sử dụng được duyệt khác nhau về thành phần tá dược, thậm chí có hộp không có tờ hướng dẫn sử dụng…
Dược phẩm là một mặt hàng đặc thù, thuộc điều trị ung thư càng đặc thù hơn. Người bệnh không thể tự thẩm định nguồn gốc và chất lượng của từng vỉ thuốc. Lẽ ra việc này phải được theo dõi và giám sát cực kỳ kỹ lưỡng của Cục Quản lý Dược, nhưng bẽ bàng thay, 9.300 hộp thuốc H-Capita do Công ty VN Pharma nhập khẩu, không có nguồn gốc sản xuất tại Canada. Bởi vì trên các thùng hàng thuốc có dán tem kiểm tra an ninh tại sân bay của Ấn Độ và dán tem vận chuyển từ Ấn Độ về Singapore sau đó được cấp phép lưu hành trong các bệnh viện lớn khắp nước ta. Bây giờ, cách phản ứng nhanh của Cục Quản lý Dược trước phiên tòa lại hòng che chắn bớt trách nhiệm mà họ được xã hội phân công với nhiều ưu ái và tin cậy. Cục Quản lý Dược giằng co hai khái niệm “thuốc kém chất lượng” và “thuốc giả nguồn gốc” để làm gì? Để chứng minh cả hai loại thuốc ấy đều móc túi bệnh nhân ung thư và tước đi cơ hội sống quý báu mà bệnh nhân ung thư đang nỗ lực níu kéo ư?
Phản ứng nhanh trước phiên tòa là một hành động vô nghĩa. Quan trọng nhất là Cục Quản lý Dược phải phản ứng nhanh với từng biểu hiện ít minh bạch và kém đạo đức với từng lô thuốc trên thị trường.