Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp Phạm Văn Điển. Ảnh: Kế Toại. |
Ông Phạm Văn Điển, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp cho biết, cuộc thi là hoạt động ý nghĩa hướng tới kỷ niệm 75 năm hình thành và phát triển ngành lâm nghiệp Việt Nam.
Ông Phạm Văn Điển cho rằng, cuộc thi có ý nghĩa quan trọng cả về thực tiễn, khoa học, nhân văn, là cầu nối gắn kết máu thịt giữa con người với rừng.
Cũng theo ông, ngày nay kinh tế rừng là một lĩnh vực quan trọng của Việt Nam và toàn cầu nên bảo vệ và phát triển rừng chính là hướng nền kinh tế của đất nước phát triển theo hướng bền vững. Ông lấy ví dụ, từ những thập niên 60 đã có học giả tại Pháp ví mối quan hệ mật thiết giữa rừng với cuộc sống của con người qua câu thơ: "Hồn tổ quốc ngự trong rừng sâu thẳm/ Rừng suy tàn tổ quốc lâm nguy".
“Tư tưởng, quan niệm trên đến nay càng chứng minh giá trị quan trọng, xuyên suốt và bền vững của rừng với con người, với đất nước. Trước đây nhắc tới cơ sở hạ tầng là điện, đường, trường, trạm, giờ rừng chính là một cơ sở hạ tầng quan trọng nữa cho phát triển xanh, phát triển bền vững. Rừng chính là hiện tại và tương lai sống còn cho mỗi làng quê, cho từng khu vực và mỗi quốc gia”, Phó Tổng cục trưởng Phạm Văn Điển nhấn mạnh.
Ông Lê Trọng Đảm, Phó Tổng Biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam chia sẻ: Trong những ngày Hà Nội rất nhiều bụi mịn vừa qua cho thấy môi trường và cây xanh nói riêng, rừng nói chúng vô cùng quan trọng với đời sống. Và 2020 là năm kỷ niệm 75 năm thành lập Bộ Canh Nông (nay là Bộ NN-PTNT), đồng thời ngành Lâm nghiệp cũng kỷ niệm 75 năm hình thành và phát triển nên Tổng cục Lâm nghiệp và Báo Nông nghiệp Việt Nam quyết định tổ chức cuộc thi viết "Rừng là cuộc sống của tôi" lần thứ 3.
Phó Tổng biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam Lê Trọng Đảm. Ảnh: Kế Toại. |
Sau những thành công của hai cuộc thi lần trước, tổ chức vào các năm 2014 và 2018, ông Lê Trọng Đảm cho biết, Cuộc thi "Rừng là cuộc sống của tôi" lần thứ 3 ngoài thể loại phóng sự truyền thống sẽ có thêm truyện ngắn và thơ nên các tác giả có "mảnh đất" rộng rãi hơn để viết bài dự thi.
Thông qua việc mở rộng thể loại dự thi, Ban tổ chức hy vọng sẽ thu hút được đông đảo những người hoạt động trong lĩnh vực lâm nghiệp, những tổ chức yêu rừng, các nhà báo, nhà thơ, nhà văn và đặc biệt là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực lâm nghiệp tham gia hưởng ứng viết bài cho cuộc thi.
Cơ cấu giải thưởng cuộc thi gồm các giải thưởng có giá trị tương đương sau cho mỗi thể loại: 65.000.000 đồng/1 thể loại x 3 thể loại = 195.000.000 đồng. Cụ thể: 1 giải Nhất 20.000.000 đồng (Hai mươi triệu đồng)/1 thể loại; 2 giải Nhì, mỗi giải 10.000.000 đồng (Mười triệu đồng)/1 thể loại; 3 giải Ba, mỗi giải 5.000.000 đồng (Năm triệu đồng)/1 thể loại và 5 giải Khuyến khích, mỗi giải 2.000.000 đồng (Hai triệu đồng)/1 thể loại. |
Đại diện Ban giám khảo, nhà văn Văn Chinh bày tỏ sự đồng tình, hưởng ứng cao khi Ban tổ chức quyết định có thêm thể loại thơ và truyện ngắn bởi theo chia sẻ của ông, trong lịch sử văn chương, thơ ca của Việt Nam các tác phẩm nổi tiếng viết về rừng như "Người lái đò sông Đà" của Nguyễn Tuân, "Rừng xà nu" của Nguyễn Trung Thành hay "Đất rừng phương Nam" của Đoàn Giỏi đa phần đều thuộc thể loại truyện ngắn nên ông hy vọng cuộc thi năm 2020 sẽ “bội thu” các tác phẩm dự thi.
Nhà báo Chu Minh Khôi, Thời Báo Kinh tế Việt Nam tâm sự, bản thân anh tham gia rất nhiều cuộc thi viết nhưng khi viết về rừng luôn mang đến cho anh nhiều cảm xúc, kỷ niệm nhất.
Đặc biệt, cũng giống như nhà văn Văn Chinh, nhà báo Chu Minh Khôi rất vui mừng khi cuộc thi lần này có thể thể loại truyện ngắn để các tác giả có thể phát huy tối đa các ý tưởng, suy nghĩ, thể loại nhằm truyền tải đa dạng nhất tới bạn đọc và những người gắn bó với rừng.
Theo Ban tổ chức, các tác phẩm tham gia dự thi lần này tập trung vào các chủ đề khơi gợi tình yêu thiên nhiên, yêu rừng đồng thời phản ánh được những khó khăn gian khổ hy sinh, thậm chí là mất mát của cán bộ ngành lâm nghiệp trong cuộc chiến bảo vệ rừng, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên của đất nước.
Bên cạnh đó, các tác phẩm cũng có thể tập trung phản ánh được sự thay đổi đáp ứng những yêu cầu, điều kiện trong thời kỳ mới, sự chuyển mình tích cực của lĩnh vực lâm nghiệp trong thực hiện Luật Lâm nghiệp cũng như các cơ chế, chính sách, chương trình, đề án lớn của ngành.
Ngoai ra, các đề tài cũng có thể hướng tới thực hiện mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững, đồng thời nêu cao trách nhiệm của con người với môi trường sống, bảo vệ rừng chính là bảo vệ cuộc sống của chúng ta.
Thời gian nhận bài dự thi bắt đầu từ tháng 1/1/12020 đến hết ngày 15/6/2020, dự kiến trao giải vào tháng 8/2020. Tác phẩm dự thi gửi trực tiếp về Báo Nông nghiệp Việt Nam, số 14 Ngô Quyền, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội hoặc qua địa chỉ Email: runglacuocsongcuatoi@gmail.com.
Nhà văn Văn Chinh đánh giá rất cao khi Ban tổ chức đưa thêm thể loại truyện ngắn và thơ vào cuộc thi. Ảnh: Kế Toại. |
Yêu cầu về tác phẩm dự thi nhất thiết phải được tác giả tự nguyện gửi đến Ban Tổ chức và tự chịu trách nhiệm về vấn đề bản quyền tác phẩm. Tác phẩm dự thi phải là tác phẩm chưa xuất bản hoặc chưa in trọn vẹn trên báo, tạp chí, chưa được sử dụng trên các phương tiện thông tin đại chúng khác trong nước và nước ngoài. Đối với thể loại Thơ, mỗi tác giả dự thi không quá 3 tác phẩm, bằng tiếng Việt. Đối với thể loại Phóng sự, Truyện ngắn mỗi tác phẩm dài không quá 5.000 chữ, tác giả dự thi không quá 3 tác phẩm. Một tác giả có thể dự thi cả 3 thể loại. |