Ngày 12/4, Hội nghị báo cáo kết quả về lần khai quật thứ 5 tại di chỉ Mái đá Ngườm thuộc địa bàn xã Thần Sa được Viện Khảo cổ học (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) phối hợp Bảo tàng tỉnh Thái Nguyên tổ chức.
Đợt khai quật lần này được tiến hành từ ngày 20/3 đến nay, do TS Phạm Thanh Sơn, nghiên cứu viên của Viện Khảo cổ học chủ trì.
Việc khai quật được triển khai trên diện tích 6m2. Đánh giá bước đầu, bằng những phân tích khoa học về địa tầng, hiện vật thu được dự đoán niên đại dao động từ khung 60.000 năm tới khoảng 120.000 năm trước.
Đây là loại hình di tích hang động/mái đá duy nhất phát hiện các bằng chứng về quá trình sử dụng và chế tác công cụ đá sớm nhất trên toàn lãnh thổ Việt Nam.
Mặc dù các đợt khai quật diễn ra không liên tục, nhưng kết quả thu được đều là cứ liệu quan trọng để các nhà chuyên môn xác định đây là khu di tích lớn, đặc biệt quan trọng với lịch sử văn hóa của dân tộc, mang lại giá trị khoa học có tính chất bước ngoặt đối với quá trình nghiên cứu khảo cổ học tiền sử ở Việt Nam.
TS Phạm Thanh Sơn cho biết: "Mái đá Ngườm mang lại những nhận thức hoàn toàn mới đối với khảo cổ học tiền sử Việt Nam. Di chỉ này chứa đựng những giá trị mang tầm khu vực trong nghiên cứu thời đại Đá cũ ở Việt Nam và châu Á.
Trong tương lai nếu tiếp tục mở rộng khai quật nghiên cứu khảo cổ học tại Mái đá Ngườm có thể hy vọng phát hiện thêm di cốt người cổ ở giai đoạn sớm trên 41.500 năm cách ngày nay thì những đóng góp của Mái đá Ngườm vào tri thức khảo cổ học khu vực và thế giới sẽ càng trở nên nổi bật hơn".
Khu Di tích Khảo cổ học Thần Sa đã được xếp hạng Di tích cấp Quốc gia vào năm 1982.
Công tác nghiên cứu khảo cổ ở Khu Di tích Khảo cổ Thần Sa nói chung và di chỉ Mái đá Ngườm nói riêng đã được thực hiện từ những năm 80 của thế kỷ 20, với bốn lần khai quật vào các năm 1981, 1982, 1985 và năm 2017.