Bệnh không chỉ gây khó chịu mà còn làm tăng biến chứng nan y như như viêm loét, hẹp, chảy máu thực quản, thậm chí còn có thể dẫn đến ung thư.
Triệu chứng lâm sàng thường gặp như ợ nóng, cảm giác nóng rát xuất phát từ dạ dày hay phần ngực thấp lan lên tận cổ, nhất là khi ăn và khi ở tư thế cúi gập người, hoặc khi nằm, và thường tăng lên về đêm.
Đôi khi bị chẩn đoán nhầm với viêm loét dạ dày - tá tràng, viêm thanh quản, hen… Nếu không điều trị, GORD có thể gây biến chứng ảnh hưởng đến tế bào trong niêm mạc thực quản, nặng có thể trở thành ung thư.
Công cụ chẩn đoán tiêu chuẩn hiện nay là dùng ống nội soi, gắn camera ở cuối đưa qua cổ họng hay mũi vào dạ dày. Kỹ thuật này lại mang tính xâm lấn, gây đau và đôi khi không chính xác do không biết được cụ thể nồng độ axít.
Nếu muốn biết nồng độ axít thì phải nghiên cứu pH trong vòng 24 giờ bằng cách dùng đầu dò được đưa qua mũi thông qua gây tê cục bộ. Vì vậy, trong thực tế có trường hợp axít bình thường nhưng vẫn bị ợ nóng khủng khiếp nên phương pháp trên chưa thật hợp lý.
Để giúp chẩn đoán nhanh và tăng độ tin cậy, các nhà khoa học Mỹ vừa nghiên cứu cho ra đời viên nang nhỏ xíu, có thể cho biết nhanh các số liệu liên quan đến bệnh GORD.
Viên nang thực chất là hệ thống kiểm tra pH (Bravo pH test), có kích thước dài khoảng 2cm được vào thực quản, nằm lại trong lớp lót thành thực quản trong vài ngày và không hề có ống lưu lại trong thực quản. Viên nang này có một cảm biến bên trong làm nhiệm vụ phát hiện sự có mặt của axít.
Bệnh nhân đeo hoặc mang theo một hộp nhỏ giống như một máy nhắn tin, thời gian tới 96 giờ, ghi lại các dữ liệu theo kiểu vô tuyến từ viên nang truyền đến. Mỗi khi xuất hiện triệu chứng, bệnh nhân chỉ cần nhấn nút sẽ ghi lại được các thông số.
Sau vài ngày "hoàn thành nhiệm vụ", viên nang sẽ rời khỏi thực quản, đi qua đường tiêu hóa, và được bài tiết ra khỏi cơ thể.
Một trong những ưu điểm của viên nang Bravo pH là không gây đau, không ảnh hưởng đến sinh hoạt của người bệnh, cho biết kết quả chính xác, giúp bác sĩ kê đơn và điều trị kịp thời và hiệu quả.
Tuy nhiên công nghệ Bravo pH vẫn còn nhược điểm là chi phí đắt, khoảng 250 bảng Anh (tương đương 8,5 triệu VND) so với nội soi, đưa ống qua đường mũi chỉ có 60 bảng (2 triệu VND).
Ngoài ra, Bravo pH không thể đo được các thành phần không có tính axit đi từ dạ dày lên vào thực quản, như khí pepsin enzyme, mà các phương pháp truyền thống vẫn đo được, nhưng đổi lại, Bravo pH lại phù hợp với đại đa số bệnh nhân mắc bệnh GORD, nhất là nhóm người không thích hợp với nội soi qua đường mũi (khoảng 3-5%) hoặc không dùng được thuốc an thần.