Nằm trong kế hoạch thực hiện Quy hoạch vùng ĐBSCL được công bố ngày 21/6 vừa qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Bộ KH-ĐT) đã đề ra nhiệm vụ phát triển kinh tế nông nghiệp giá trị cao, hiệu quả cao, chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, tập trung phát triển các trung tâm đầu mối, xây dựng vùng nguyên liệu tập trung, công nghệ cao, đảm bảo an toàn thực phẩm cho vùng ĐBSCL. Và để thực hiện hiệu quả nội dung này, theo nhiều doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế lớn đánh giá, vai trò của các hợp tác xã (HTX) là rất quan trọng trong mối liên kết giữa nông dân với nông dân và nông dân với doanh nghiệp.
Ông Gabor Fluit, Tổng Giám đốc Công ty De Heus, Phó Chủ tịch Eurocham bày tỏ ủng hộ chiến lược của Bộ NN-PTNT trong phát triển HTX, phát triển chuỗi liên kết, áp dụng nông nghiệp công nghệ cao, đặc biệt ở vùng ĐBSCL. “Đối với người nông dân, nếu họ thấy việc nào tốt thì họ sẽ làm theo”, ông Gabor Fluit chia sẻ.
Ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời cũng nêu quan điểm, liên kết trong tổ chức sản xuất chính là trọng tâm để thực hiện Quy hoạch vùng ĐBSCL. Bởi theo doanh nhân này, liên kết sẽ tạo nên sức mạnh, kết nối các nông dân, các vùng, các ngành nghề thậm chí là tất cả các khâu trong sản xuất.
“HTX chính là con đường liên kết và thể hiện liên kết, tính hợp tác của tất cả các bên. Tôi hy vọng quy hoạch lần này nhất định sẽ tạo ra những bước ngoặt cho sự phát triển của ngành lúa gạo ở ĐBSCL”, ông Thòn nhìn nhận.
Tại Hội nghị công bố Quy hoạch vùng ĐBSCL tổ chức tại TP Cần Thơ vào ngày 21/6 vừa qua, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan xác định, quy hoạch nông nghiệp vùng ĐBSCL hướng đến tính tổng thể, chiến lược, chứ không chỉ là “phép cộng công thức” đơn thuần. Quy hoạch có tính “mở”, tính linh hoạt tương đối, để có thể chủ động thích ứng với xu thế biến đổi liên tục, không ngừng.
Theo Bộ trưởng, sự điều phối theo chuỗi ngành hàng, tính liên kết vùng, tiểu vùng giữa các địa phương cần được chú trọng ngay đầu mùa vụ và mỗi địa phương có thể chủ động mở rộng không gian liên kết, phát triển trong không gian có sự điều phối cả vùng.
Ngày 18/6 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 10/CT-TTg về một số nhiệm vụ thúc đẩy phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững vùng ĐBSCL, chủ động thích ứng biến đổi khí hậu. Điểm nhấn đáng quan tâm của Chỉ thị là Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ NN-PTNT xây dựng Đề án sản xuất bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao vùng ĐBSCL nhằm nâng cao giá trị, thu nhập của người dân, bảo đảm an ninh lương thực và phục vụ chế biến, xuất khẩu.
Từ đây, vai trò của tổ chức HTX cũng cần được tính đến thông qua việc xây dựng mối liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp. Lãnh đạo Tập đoàn Lộc Trời đã đề xuất được tham gia xây dựng và vận hành dự án bởi khả năng tổ chức sản xuất lớn, đơn vị có thể thực hiện các dịch vụ bao sâu bệnh, bao năng suất và bao lợi nhuận cho nông dân trong các HTX nông nghiệp có liên kết sản xuất với Lộc Trời.
Bên cạnh đó, hiện nay doanh nghiệp này đang tổ chức sản xuất trên diện tích gần 1 triệu ha lúa và rau màu. Tại tỉnh An Giang, Lộc Trời đã ký thỏa thuận với tỉnh tổ chức sản xuất và bao tiêu 110.000 ha trong năm 2022, cũng như đạt được thỏa thuận với tỉnh Kiên Giang trong việc tổ chức sản xuất và bao tiêu lúa của nông dân toàn tỉnh. Hơn 100 máy nông nghiệp và 200 thiết bị bay không người lái phục vụ sạ giống, bón phân và phun thuốc là số lượng thiết bị cơ giới hóa nông nghiệp mà doanh nghiệp này đang nắm giữ. Ông Thòn cam kết sẵn sàng cùng đồng hành với ngành nông nghiệp vùng ĐBSCL tham gia dự án xây dựng 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao vùng ĐBSCL.
“Đất đai có thể manh mún, địa giới hành chính có thể bị chia cắt, nhưng không gian phát triển không thể manh mún, không gian kinh tế không thể bị chia cắt. Chuyển từ tư duy sản xuất sang tư duy kinh tế là mệnh lệnh cấp thiết phát triển nông nghiệp vùng ĐBSCL”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đặc biệt nhấn mạnh.