| Hotline: 0983.970.780

Phát triển bền vững nông nghiệp đô thị vùng biên tại TP Hồng Ngự

Thứ Năm 23/01/2025 , 15:20 (GMT+7)

Đồng Tháp Trong chiến lược phát triển đến năm 2030, TP Hồng Ngự đặt mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp hữu cơ gắn với kinh tế tuần hoàn và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Quốc Phong (ảnh phải ngoài cùng) đến thăm đàn cá tự nhiên hàng chục tấn sinh sống tại bờ kè phường An Thạnh, (TP Hồng Ngự) đã được chính quyền và người dân địa phương bảo vệ, cho ăn hàng ngày. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Quốc Phong (ảnh phải ngoài cùng) đến thăm đàn cá tự nhiên hàng chục tấn sinh sống tại bờ kè phường An Thạnh, (TP Hồng Ngự) đã được chính quyền và người dân địa phương bảo vệ, cho ăn hàng ngày. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Ứng dụng công nghệ cao và số hóa trong sản xuất nông nghiệp

Trong bối cảnh đô thị hóa và biến đổi khí hậu ngày càng rõ nét, TP Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp đã chọn phát triển nông nghiệp đô thị làm chiến lược trọng tâm nhằm hướng tới một nền nông nghiệp bền vững, hiện đại và thân thiện với môi trường. Sự thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp đang mở ra hướng đi mới đầy triển vọng cho thành phố vùng biên này.

Qua gần 4 năm thực hiện Chương trình hành động số 16-CTr/TU (2021-2025) và 2 năm thực hiện Đề án phát triển nông nghiệp đô thị, TP Hồng Ngự đã triển khai nhiều mô hình nông nghiệp đô thị hiệu quả. Các mô hình như: nuôi lươn sinh sản trong ao lót bạt, nuôi lươn thịt, lươn giống theo quy trình tuần hoàn nước, trồng dưa lưới, ươm cây giống rau màu trong nhà màng, trồng nấm rơm trong nhà kính, trồng hoa kiểng - bonsai, hay nuôi cá kiểng, chim cảnh, chồn hương, dúi; cây ăn trái, cây công trình đã chứng minh tiềm năng kinh tế cao. Những mô hình này không đòi hỏi diện tích lớn, phù hợp với không gian đô thị mà mang lại giá trị kinh tế bền vững.

Đặc biệt, mô hình nuôi lươn sinh sản tại xã Bình Thạnh đã thành công vang dội. Hội quán Bình Lý với 35 thành viên đang cung cấp mỗi tháng hơn 300.000 con lươn giống, đem lại thu nhập trên 10 triệu đồng/hộ sau khi trừ chi phí. Gần đây, Dự án “Ứng dụng công nghệ tuần hoàn trong nuôi lươn đồng” do Trường Đại học Cần Thơ chủ trì đã tạo động lực mạnh mẽ cho người dân phát triển thêm các sản phẩm giá trị gia tăng từ lươn như chà bông, khô lươn và lươn fillet – những sản phẩm đã đạt chuẩn OCOP 3 sao.

TP Hồng Ngự đã không ngừng ứng dụng công nghệ cao để tối ưu hóa hiệu quả sản xuất. Hiện nay, 30 thiết bị Drone đang được sử dụng trong các hoạt động sạ lúa, phun phân và thuốc bảo vệ thực vật, giúp tiết kiệm chi phí và công lao động. Thành phố cũng tích cực triển khai hệ thống truy xuất nguồn gốc cho các sản phẩm nông nghiệp. Ví dụ, tổ hợp tác sản xuất lúa VietGAP tại phường An Bình B đã áp dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc cho 15ha lúa, giúp sản phẩm tiếp cận tốt hơn với các thị trường khó tính.

Ngoài ra, TP Hồng Ngự đã cấp 12 mã số vùng trồng cho các sản phẩm chủ lực như lúa, cây ăn trái và dưa lưới với diện tích trên 3.200ha. Diện tích 1.789ha lúa đạt chứng nhận an toàn thực phẩm và 76ha đạt chứng nhận VietGAP là minh chứng cho sự nghiêm túc trong phát triển nông nghiệp sạch và bền vững.

TP Hồng Ngự, chọn phát triển nông nghiệp đô thị làm chiến lược trọng tâm nhằm hướng tới một nền nông nghiệp bền vững, hiện đại. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

TP Hồng Ngự, chọn phát triển nông nghiệp đô thị làm chiến lược trọng tâm nhằm hướng tới một nền nông nghiệp bền vững, hiện đại. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Trong chiến lược phát triển đến năm 2030, TP Hồng Ngự đặt mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp hữu cơ gắn với kinh tế tuần hoàn. Thành phố đã hình thành các vùng sản xuất tập trung như lúa hữu cơ, dừa lấy mật, cây ăn trái áp dụng tưới tự động, nuôi cá tra kết hợp trồng cao lấy trái và hoa kiểng. Các mô hình này không chỉ mang lại giá trị kinh tế cao mà còn bảo vệ môi trường sinh thái, phù hợp với định hướng đô thị hóa.

Tại xã Bình Thạnh, nhiều nông dân đã chuyển sang sản xuất lúa theo hướng hữu cơ thay cho phương thức canh tác truyền thống. Điều này không chỉ giảm phụ thuộc vào phân bón hóa học mà còn giúp bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng và tăng giá trị sản phẩm. Ông Lâm Văn Phết, một nông dân tại xã Bình Thạnh, chia sẻ: Sản xuất theo hướng hữu cơ phù hợp hơn với điều kiện hiện nay, nhất là khi giá phân hóa học tăng cao. Chuyển đổi này giúp tăng thu nhập và bảo vệ môi trường tốt hơn.

Gắn nông nghiệp đô thị với kinh tế số

Để nông nghiệp đô thị phát triển bền vững, TP Hồng Ngự đã tích cực ứng dụng công nghệ số trong quản lý và tiêu thụ sản phẩm. Các mô hình kết nối nông dân với doanh nghiệp thông qua nền tảng số đã giúp tăng cường liên kết chuỗi giá trị. Hiện nay, thành phố vận động nhiều doanh nghiệp và HTX liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa với diện tích trung bình  2.700ha/năm, đảm bảo đầu ra ổn định cho nông dân.

TP Hồng Ngự cũng phát triển thương mại điện tử để quảng bá và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Sự kết hợp giữa công nghệ và nông nghiệp đã giúp các sản phẩm như lươn, cá tra, hoa kiểng và cây ăn trái tiếp cận tốt hơn với thị trường trong và ngoài nước.

Trong chiến lược phát triển đến năm 2030, TP Hồng Ngự đặt mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp hữu cơ gắn với kinh tế tuần hoàn và thích ứng với biến đổi khí hậu. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Trong chiến lược phát triển đến năm 2030, TP Hồng Ngự đặt mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp hữu cơ gắn với kinh tế tuần hoàn và thích ứng với biến đổi khí hậu. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

TP Hồng Ngự đang chứng minh rằng nông nghiệp đô thị không chỉ là xu hướng mà còn là giải pháp bền vững cho sự phát triển kinh tế - xã hội. Bằng cách chuyển đổi tư duy, áp dụng công nghệ hiện đại và gắn sản xuất với tiêu thụ, thành phố đã tạo ra một nền nông nghiệp năng động, phù hợp với nhịp độ đô thị hóa.

Bên cạnh đó, TP Hồng Ngự đang nỗ lực xây dựng hình ảnh địa phương, tận dụng lợi thế vùng biên và hệ sinh thái tự nhiên độc đáo. Đặc biệt, xuất hiện đàn cá tự nhiên phong phú tại đây trở thành điểm nhấn thu hút, góp phần phát triển du lịch sinh thái vùng biên bền vững.

Với những thành tựu hiện tại, TP Hồng Ngự không chỉ xây dựng được nền tảng vững chắc cho nông nghiệp đô thị mà còn trở thành hình mẫu tiêu biểu về phát triển nông nghiệp bền vững.

Xem thêm
Báo Trung Quốc: Chất vàng O từ Thái Lan, sầu riêng Việt Nam 'vạ lây'

Báo Trung Quốc cho rằng sầu riêng Việt Nam bị 'vạ lây' bởi quy trình kiểm định ngặt nghèo đột ngột, trong khi chất vàng O có trong sầu riêng Thái Lan.

Làng nghề sản xuất bột gạo Sa Đéc rộn ràng mùa Tết

Đồng Tháp TP Sa Đéc có hơn 180 hộ, cơ sở và doanh nghiệp, với hơn 2.000 lao động tham gia sản xuất bột và các sản phẩm sau bột.

Agribank Tây Nam bộ tặng quà Tết cho các hoàn cảnh khó khăn

ĐBSCL Các chi nhánh Agribank khu vực Tây Nam bộ đang tích cực trao những phần quà Tết thiết thực, ý nghĩa đến tận tay các hoàn cảnh khó khăn trước thềm năm mới.

Phê duyệt Quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn

UBND tỉnh Bắc Giang ban hành Quyết định phê duyệt quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang, tỷ lệ 1/2000.

Bình luận mới nhất